10 nguyên nhân gây mụn trứng cá ở người lớn và cách xử trí

27-11-2024 17:00 | Khỏe - Đẹp

SKĐS – Thông thường mụn trứng cá thường xuất hiện ở tuổi thiếu niên, tuy nhiên nhiều người vẫn bị mụn trứng cá khi đã trưởng thành. Vậy đâu là nguyên nhân và cách xử lý như thế nào?

Dùng các sản phẩm trị mụn trứng cá cần lưu ý gì?Dùng các sản phẩm trị mụn trứng cá cần lưu ý gì?

SKĐS - Các sản phẩm trị mụn trứng cá có ở các dạng như thuốc, gel, kem và sữa rửa mặt... Tuy nhiên, thời gian và hiệu quả có thể khác nhau tùy thuộc vào cách sử dụng...

Dưới đây là 10 nguyên nhân gây ra mụn trứng cá ở người trưởng thành và cách loại bỏ:

1. Mụn trứng cá do tiếp xúc với các sản phẩm tạo kiểu tóc

Các sản phẩm tạo kiểu tóc, nhất là dạng xịt, khi dính vào trán, mặt có chứa các thành phần làm tắc lỗ chân lông liên quan đến sự hình thành mụn đầu đen, đầu trắng dọc theo đường chân tóc và trán.

Cách xử trí: Thoa sản phẩm tạo kiểu tóc bằng tay và tránh xa đường chân tóc. Sau khi thoa, lau sạch da bằng sữa rửa mặt để loại bỏ bất kỳ sản phẩm tạo kiểu nào còn sót lại.

một người phụ nữ bị mụn trứng cá ở tuổi trưởng thành

Có nhiều nguyên nhân gây mụn trứng cá ở người trưởng thành.

2. Tẩy lông mặt

Các sản phẩm bôi lên da trước hoặc sau khi tẩy lông mặt, có thể gây mụn do làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Tuy nhiên, các nốt ngứa sau khi tẩy lông có thể không phải là mụn trứng cá thực sự mà chỉ là sự kích ứng nang lông gây ra phát ban tạm thời. Có thể làm dịu phát ban bằng cách chườm ấm lên mặt 3 đến 4 lần/ngày. Nếu cách này không hiệu quả, nên trao đổi với bác sĩ để có cách điều trị phù hợp.

Cách xử trí: Để giảm vi khuẩn trên da, cần làm sạch vùng lông trước khi cạo và sử dụng các sản phẩm không gây mụn để tránnh làm tắc nghẽn lỗ chân lông.

một người phụ nữ đang tẩy lông môi trên

Các sản phẩm bôi lên da trước hoặc sau khi tẩy lông mặt có thể gây mụn trứng cá.

3. Sử dụng quá nhiều sản phẩm chăm sóc da

Việc dùng nhiều sản phẩm chăm sóc da có thể khiến da bị kích ứng và nổi mụn, thậm chí các sản phẩm chống mụn cũng có thể gây ra mụn, nếu sử dụng quá nhiều.

Cách xử trí: Chỉ nên dùng 1 hoặc 2 sản phẩm và sử dụng ít nhất 4 - 6 tuần để sản phẩm chăm sóc da phát huy tác dụng.

4. Tẩy trang sai cách

Mụn trứng cá có thể là hậu quả của việc tẩy trang sai cách. Sau một ngày dài, lớp trang điểm, dầu và bụi bẩn tích tụ trên da. Nếu chỉ rửa mặt qua loa, hoặc tẩy trang không đúng cách có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông, tích tụ vi khuẩn, gây ra mụn trứng cá.

Cách xử lý: Chọn các sản phẩm không gây mụn, rửa mặt thật kỹ, nhẹ nhàng vào mỗi tối, nhẹ nhàng thoa lớp trang điểm, vệ sinh cọ trang điểm mỗi tuần và không dùng chung các sản phẩm mỹ phẩm.

5. Sự thay đổi môi trường

Sự thay đổi của môi trường (ánh nắng mặt trời, nhiệt độ và độ ẩm) có thể gây ra mụn trứng cá.

Cách xử trí: Tránh tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời và sử dụng kem chống nắng có chứa kẽm oxit hoặc titan dioxit.

6. Kem chống nắng

Những người bị mụn trứng cá hoặc da dễ bị mụn trứng cá nên tìm loại kem chống nắng không chứa dầu, không gây mụn. Có hai loại kem chống nắng:

- Kem chống nắng hóa học: Là loại kem chứa các thành phần hữu cơ chủ yếu như avobenzone, oxybenzone, sulisobenzone... hoạt động như một màng lọc hóa học giúp hấp thụ, thẩm thấu tia UV và chuyển hóa chúng thành bước sóng năng lượng thấp cũng như an toàn hơn, không gây tổn hại đến da.

- Kem chống nắng vật lý (kem chống nắng khoáng chất): Nằm trên bề mặt da để tạo thành lớp chắn nắng. Loại kem này thường được khuyên dùng cho da nhạy cảm, nhưng có thể phải dùng dày hơn nên dễ làm tắc nghẽn lỗ chân lông hơn, trong khi kem chống nắng hóa học có kết cấu mỏng, nhẹ, ít nhờn rít, do vậy sẽ dễ thoa đều trên da và ít gây bít tắc lỗ chân lông, thuận tiện cho việc sử dụng hàng ngày.

Cách xử trí: Nếu bị mụn sau khi sử dụng kem chống nắng vật lý, hãy chuyển sang kem chống nắng có thành phần hóa học như avobenzone, oxybenzone...

Lưu ý, cần rửa sạch kem chống nắng vào cuối ngày, bởi nếu để qua đêm, kem chống nắng có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông.

một người phụ nữ đang thoa kem chống nắng

Kem chống nắng là sản phẩm không thể thiếu nếu làn da dễ bị mụn.

7. Ăn nhiều thực phẩm chế biến và tinh bột tinh chế

Chế độ ăn nhiều carbohydrate tinh chế (bánh mì trắng, mì ống trắng, bánh quy giòn, bánh ngọt…) có chỉ số đường huyết cao, có thể làm tăng sự phát triển và mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá.

Cách xử trí: Cắt giảm đồ ăn vặt như khoai tây chiên, kem… Nên chuyển sang ăn ngũ cốc nguyên hạt, rau, trái cây và thực phẩm giàu protein.

8. Căng thẳng

Căng thẳng làm tình trạng mụn trứng cá trầm trọng hơn bằng cách kích hoạt cơ thể tiết ra hormone cortisol, làm thay đổi sự cân bằng nội tiết tố và chức năng miễn dịch của da.

Cách xử trí: Sử dụng các sản phẩm trị mụn có thành phần như axit salicylic và benzoyl peroxide để làm sạch mụn do căng thẳng. Để ngăn ngừa mụn bùng phát, có thể giảm căng thẳng bằng cách tập yoga, hít thở sâu...

9. Điện thoại di động

Nếu thường xuyên nghe điện thoại, việc chạm điện thoại vào mặt có thể dẫn đến tình trạng mụn do ma sát. Việc lây truyền vi khuẩn cũng có thể xảy ra khi chạm vào mặt sau khi nhắn tin trên điện thoại di động.

Cách xử trí: Nên vệ sinh điện thoại hàng ngày.

10. Da khô

Da khô có thể dễ xuất hiện các mảng bong tróc, vết nứt... nơi vi khuẩn có thể sinh sôi và gây ra mụn trứng cá. Thêm vào đó, các vảy da khô có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông.

Cách xử trí: Tẩy tế bào chết nhẹ nhàng 1-2 lần/tuần và dùng kem dưỡng ẩm không gây mụn dành cho da khô.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Điều cần biết về điều trị mụn trứng cá l SKĐS

BS. Cao Như Đạt
Bệnh viện Quân y 268
Ý kiến của bạn