10 nguyên nhân gây khô da và cách khắc phục

26-12-2023 10:20 | Thẩm mỹ

SKĐS - Khô da là tình trạng rất phổ biến, có thể xảy ra ở mọi người, mọi lứa tuổi. Tình trạng da khô có thể gây ngứa, mẩn đỏ, bong tróc vảy và làm trầm trọng hơn một số bệnh ngoài da.

Nhận biết và khắc phục tình trạng khô da mùa lạnhNhận biết và khắc phục tình trạng khô da mùa lạnh

SKĐS - Tình trạng da khô, nứt nẻ luôn là nỗi ám ảnh của nhiều người. Không khí khô lạnh có thể khiến da bị ngứa, nổi mẩn đỏ và kích ứng. Điều này không những gây khó chịu ngứa ngáy mà còn mất thẩm mỹ.

Khô da thường do hàng rào bảo vệ da bị suy yếu, rối loạn chức năng hoặc thiếu hụt chất béo lành mạnh cần thiết ở lớp trên cùng của da. Thông thường, lớp da trên cùng được tạo thành từ các tế bào chết và dầu tự nhiên, giúp giữ độ ẩm để giữ cho làn da mềm mại và mịn màng. Nhưng nếu không có đủ nước ở lớp tế bào trên cùng này, lượng dầu bảo vệ da bị giảm đi, dẫn đến khô da.

Da khô có thể gây ngứa, mẩn đỏ, bong tróc vảy, tăng sắc tố da… thậm chí có thể gây trầm trọng hơn một số bệnh lý ngoài da như chàm, viêm da dị ứng

10 nguyên nhân gây khô da và cách khắc phục- Ảnh 2.

Tình trạng da khô có thể xuất hiện ở khắp cơ thể.

Dưới đây là 10 nguyên nhân thường gặp khiến da khô và cách khắc phục:

1. Hương thơm có thể gây kích ứng da

Hương liệu tạo mùi mỹ phẩm được sử dụng nhiều trong các loại mỹ phẩm. Tuy nhiên, hương liệu tạo mùi mỹ phẩm có xu hướng gây kích ứng da khô, gây ngứa, nổi mụn, phát ban, thậm chí khiến tình trạng bệnh về da trở nên nghiêm trọng hơn (bệnh chàm, mụn trứng cá, viêm da tiếp xúc…).

Vì vậy, trước khi dùng cần đọc kỹ nhãn sản phẩm. Những người có làn da nhạy cảm nên tránh các chất khử mùi và các sản phẩm chăm sóc da chứa nhiều hương thơm.

2. Xà phòng có thể làm mất độ ẩm của da

Nhiều loại xà phòng, chất tẩy rửa và dầu gội làm giảm độ ẩm trên da và da đầu, vì bản chất của chúng được điều chế là để loại bỏ dầu. Do đó, nên sử dụng sữa tắm dưỡng ẩm sẽ tốt hơn so với xà phòng có tính tẩy rửa mạnh.

Không nên dùng chất tẩy rửa mạnh, thậm chí chất làm mềm vải, nếu da khô. Thay vào đó, hãy tìm những loại xà phòng dịu nhẹ.

10 nguyên nhân gây khô da và cách khắc phục- Ảnh 3.

Nhiều loại xà phòng, chất tẩy rửa cũng làm mất đi độ ẩm của da, khiến da khô.

3. Di truyền

Da khô có thể do gen di truyền. Một số người có làn da dầu và một số người có làn da khô. Phần lớn điều này là do gen di truyền từ bố mẹ.

Nếu có làn da khô do di truyền, cần dưỡng ẩm hàng ngày cho da. Nên lựa chọn các loại dưỡng ẩm chứa ceramide và lipid để giúp xây dựng và củng cố hàng rào bảo vệ da.

4. Nước cứng ngăn cản hấp thụ chất dưỡng ẩm

Nước máy chứa hàm lượng khoáng chất cao như magiê và canxi (gọi là nước cứng). Những khoáng chất này có thể để lại một lớp màng trên da gây khô da, làm nặng thêm các tình trạng như mụn trứng cá và bệnh rosacea (ửng đỏ da vùng mặt), đồng thời ngăn cản chất dưỡng ẩm hấp thụ vào da.

Nên dùng bộ lọc nước tại vòi để giúp giảm hàm lượng kim loại nặng trong nước. Ngoài ra, có thể sử dụng các sản phẩm chăm sóc da chứa vitamin A và C để chống lại khô da do nước cứng.

5. Thuốc trị mụn và retinol tăng tốc độ tái tạo tế bào da, gây khô da

Axit salicylic có hiệu quả cao trong việc điều trị mụn trứng cá, nhưng cũng là một trong những nguyên nhân gây khô da, đặc biệt là trong thời gian đầu khi mới bắt đầu sử dụng. Khô da cũng là một tác dụng phụ thường gặp của retinol, do retinol làm mất liên kết giữa các tế bào trên bề mặt da.

Tuy nhiên, có thể cải thiện tình trạng khô da bằng cách giảm tần suất sử dụng, từ hàng ngày xuống cách ngày hoặc lâu hơn. Theo Viện Da liễu Hoa Kỳ (AAD), tần suất tốt nhất sẽ phụ thuộc vào từng loại da cụ thể. Nếu đang sử dụng gặp hiện tượng bỏng rát, bong tróc da thì cần ngừng sử dụng sản phẩm, đồng thời báo ngay cho bác sĩ da liễu để được tư vấn, lựa chọn sản phẩm phù hợp với làn da.

10 nguyên nhân gây khô da và cách khắc phục- Ảnh 4.

Axit salicylic có hiệu quả cao trong việc điều trị mụn trứng cá, nhưng cũng làm khô da.


6. Không khí khô

Độ ẩm trong không khí giảm cũng có thể gây tổn hại cho làn da, khiến da có cảm giác khô và ngứa.

Có thể sử dụng máy tạo độ ẩm để giúp phục hồi độ ẩm cho không khí trong nhà, giúp ngăn ngừa da khô, ngứa suốt mùa đông. Nên đặt độ ẩm trong khoảng từ 30-50%. Ngoài ra, có thể dùng kem hydrocortisone nhẹ có hàm lượng 1% để bôi nếu da nứt nẻ hoặc khô. Loại kem này cũng được kê đơn để giảm sưng, tấy đỏ, ngứa ngoài da, đồng thời giúp làm dịu da khô, nứt nẻ và tăng tốc độ chữa lành.

7. Rửa tay quá nhiều có thể dẫn đến mẩn đỏ và kích ứng da

Việc rửa tay liên tục có thể dẫn đến da khô, nứt nẻ. Đây có thể là một vấn đề lớn đối với những người làm việc trong các ngành đòi hỏi phải rửa tay thường xuyên, chẳng hạn như chăm sóc sức khỏe.

Để giảm thiểu tác động làm khô tay do thói quen này, hãy sử dụng nước ấm để rửa tay (nước nóng sẽ làm mất đi độ ẩm của da) với xà phòng dưỡng ẩm, lau khô tay nhẹ nhàng và sau cùng là dùng một số loại kem dưỡng da.

8. Tắm nước nóng kéo dài khiến da mất nước

Nhiều người có thói quen tắm nước nóng dưới vòi hoa sen trong một thời gian dài, đặc biệt là những ngày lạnh giá, nhưng điều này có thể làm khô độ ẩm trên da. Do đó, nên hạn chế tắm nước nóng không quá 5 phút và chỉ tắm với nhiệt độ nước ấm, đồng thời thoa kem dưỡng ẩm ngay sau khi tắm xong.

9. Lão hóa

Có khoảng 50% số người trên 40 tuổi có nguy cơ bị khô. Nguyên nhân là do khi cơ thể già đi, da tiết ra ít dầu hơn và khô hơn. Ở phụ nữ nguyên nhân có thể là do sự thay đổi hormone liên quan đến thời kỳ mãn kinh.

Có thể khắc phục bằng cách thoa dưỡng ẩm mỗi ngày. Nên dùng loại kem dưỡng ẩm có chứa ceramide, chất giữ ẩm (như axit hyaluronic hoặc glycerin). Những thành phần này giúp bổ sung độ ẩm bị mất và nhanh chóng phục hồi hàng rào bảo vệ da.

10. Một số bệnh lý

Thông thường, một số bệnh về da như bệnh vẩy nến và bệnh chàm có thể khiến da dễ bị khô hơn. Ngoài ra, các bệnh đái tháo đường, tuyến giáp, bệnh thận, suy dinh dưỡng hoặc HIV... cũng là những nguyên nhân khiến làn da trở nên khô ráp hơn.

Khi làn da trở nên khô hơn, bị viêm, đóng vảy, ngứa dữ dội, tăng sắc tố, bong tróc da… cần đến khám tại phòng khám chuyên khoa để được xác định nguyên nhân gây khô da và có hướng điều trị đúng cách, kịp thời, đạt hiệu quả cao.

Xem thêm video đang được quan tâm:

3 biện pháp khắc phục khô da.


Vân Hoàng
Theo everydayhealth
Ý kiến của bạn