10 người Việt sống tại vùng có dịch bệnh Ebola

11-08-2014 16:59 | Thời sự
google news

SKĐS - Thông tin này được đưa ra tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch diễn ra tại Bộ Y tế chiều ngày 11/8, có sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành. Đây sẽ là hoạt động định kỳ của Bộ trong thời gian tới nhằm phòng chống dịch bệnh Ebola.

 

 

Thông tin này được đưa ra tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch diễn ra tại Bộ Y tế chiều ngày 11/8, có sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành. Đây sẽ là hoạt động định kỳ của Bộ trong thời gian tới nhằm phòng chống dịch bệnh Ebola.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện dịch diễn biến phức tạp tại 4 quốc gia Tây Phi. Các nước có biên giới với những nước này đã tiến hành đóng cửa biên giới, để ngăn ngừa người bệnh sang. Một số quốc gia như Mỹ, Tây Ban Nha có công dân sang làm bị nhiễm. “Hiện Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc nào. Tuy nhiên dịch có thể vào Việt Nam, dù vậy người dân không nên quá hoang mang. Có người đã hỏi tôi đi tìm thuốc uống phòng bệnh này. Chúng ta đang ở tình huống 1, khi có ca bệnh nhưng có hoạt động kích hoạt ở tình huống 2 để chuẩn bị sẵn sàng”, ông Phu nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Bích Hằng, Phó trưởng phòng Quan hệ lãnh sự, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cũng cho biết Bộ đã có công điện gửi đến cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước Nigeria, Maroc, Guinea, Siriea Leone thông báo tình hình dịch. Đồng thời yêu cầu hướng dẫn công dân sinh sống tại các nước này phòng chống dịch; báo cáo số lượng người Việt Nam đang sinh sống tại đây. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo trong trường hợp diễn biến xấu có thể rút nhân viên ngoại giao về nước.

 

Thứ trướng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp chiều ngày 11/8

Thứ trướng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp chiều ngày 11/8

 

Thông tin bước đầu, tại Nigeria có 15 công dân Việt Nam, trong đó 5 người ở ngoài vùng dịch bệnh, 10 người ở trong khu có bệnh, hiện sức khỏe bình thường.

Đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng cho biết tại cuộc họp đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp không đưa lao động sang các nước có dịch hoặc có khả năng lây lan. 4 nước đang có dịch Việt Nam không có lao động. Đại diện Cục quản lý lao động ngoài nước- Bộ LĐTB&XH cho biết, sang nay lãnh đạo bộ đã chỉ đạo Cục có công văn yêu cầu doanh nghiệp không đưa lao động sang nước có dịch hoạc có khả năng lây lan, nhắc nhở người lao động tại cùng có dịch phòng bệnh, trong trường hợp nghi ngờ báo cáo với chủ doanh nghiệp, cơ quan đại diện

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng yêu cầu các tỉnh, thành; doanh nghiệp du lịch, tạm dừng đưa khách đến các vùng dịch; có biện pháp phòng bệnh và đảm bảo sức khỏe cho hành khác. Đồng thời Bộ cũng xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh trong ngành du lịch. 4 nước đang có dịch Ebola đều là những nước nghèo, không phải là điểm du lịch. Khách từ Tây Phi vào du lịch nước ta hầu như không có.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngày 10/8 đã có 184 lao động Việt Nam từ Lybia về nước, trong đó có 26 người Hà Nội. Hà Nội đã thông báo cho các tỉnh thành số hành khách còn lại và giám sát tại cộng đồng 26 công dân vừa trở về từ Lybia.

Phát biểu tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Dịch bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola đã xảy tại 4 nước vùng Tây Phi. Hiện bệnh do vi rút Ebola và vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh hay phương pháp điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, bẹnh dịch có thể được khống chế nếu phát hiện sớm, cách ly bệnh nhân, theo dõi và giám sát người tiếp xúc gần với người mắc bệnh; đồng thời thực hiện nghiêm ngặt các qui trình kiểm soát nhiễm khuẩn.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị: Các bộ, ngành khẩn trương triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch bệnh do vi rút Ebola với quyết tâm không để dịch xâm nhập vào Việt Nam. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã triển khai đồng bộ các biện pháp cần thiết; đồng thời tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho cán bộ cũng như người dân để tránh gây hoang mang trong cộng đồng...

Hiện hầu hết các cửa khẩu đã áp dụng tờ khai y tế. Sáng 11/8, Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội đã kiểm tra việc phòng chống dịch bệnh tại sân bay Nội Bài. Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế có 2 phòng cách ly với các thiết bị cấp cứu cần thiết, 2 máy kiểm tra thân nhiệt hoạt động tốt. Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện Việt Nam không có đường bay thẳng từ Châu Phi về nên việc tổ chức giám sát người đến từ vùng có dịch rất khó khăn. Sở đã chỉ đạo giám sát tất cả những hành khách đến từ châu Phi rải rác tại tại tất cả các chuyến bay thông qua hộ chiếu. Đồng thời tiến hành phân loại hành khách.

 

lãnh đạo Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội kiểm tra công tác kiểm dịch y tế phòng chống dịch Ebola sáng ngày 11/8

lãnh đạo Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội kiểm tra công tác kiểm dịch y tế phòng chống dịch Ebola sáng ngày 11/8

 

 

“Nếu khách đến các khu vực dân cư thì trung tâm y tế các quận, huyện sẽ chịu trách nhiệm giám sát. Nếu về khách sạn, nhà nghỉ thì chúng tôi cử người phối hợp với cơ chính quyền địa phương. Thời gian giám sát trong vòng 21 ngày. Nếu khách về các tỉnh khác thì chúng tôi báo cáo với Cục Y tế dự phòng để Cục thông báo cho các địa phương đó và ngược lại”, ông Hiền nhấn mạnh.

Cũng trong ngày 11/8, Văn phòng đáp ứng khẩn cấp với các loại dịch bệnh (EOC), trong đó có dịch bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola cũng chính thức đi vào hoạt động.

 

Tại cộng đồng, người dân thực hiện cách ly tại nhà nếu chưa biểu hiện bệnh mà chỉ đi từ vùng dịch về. Khi có trường hợp nghi ngờ trước mắt sẽ được chuyển về cách ly tại những cơ sở có điều kiện tốt nhất. Trước mắt tại Hà Nội, bệnh nhân sẽ đưa vào thẳng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương- nơi có điều kiện cách ly tốt nhất; miền Trung là vào Bệnh viện TW Huế, Đà Nẵng; miền Nam là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM và Bệnh viện Đa khoa TƯ Cần Thơ. Các tỉnh có bệnh nhân đưa về thẳng bệnh viện đa khoa tỉnh. Tất cả nhân viên y tế phải ứng xử như thể đã có bệnh nhân.

Thái Bình

 

 

 


Ý kiến của bạn