10 ngày thâm nhập nhà thương điên, 72 ngày vòng quanh thế giới

06-11-2019 10:01 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Cuối thế kỷ XIX, khi quan niệm xã hội phổ biến vẫn cho rằng phụ nữ chỉ thích hợp với công việc bếp núc và sinh con, nữ nhà báo Mỹ Nellie Bly độc thân thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới.

Vài tháng trước đó, Bly tự nguyện giả điên để có 10 ngày khám phá sự thật tại bệnh viện tâm thần.

Trưởng thành trước tuổi

Cây bút phóng sự nữ sinh ngày 5/5/1864 mang tên Elizabeth Jane Cochran ở ngoại ô Pittsburgh, bang Pensylvania. Bố và 14 anh chị em bé - ông Michael Cochran là chủ cối xay gió tại địa bàn và phần lớn đất đai trong vùng. Nhờ thế, sinh hoạt đại gia đình thật thoải mái.

Cuộc sống thơ mộng kết thúc khi Elizabeth mới 6 tuổi. Ông Cochran đột ngột qua đời, không kịp viết di chúc. Vậy nên phần lớn tài sản rơi vào tay bà vợ cả cùng 10 đứa con. Mẹ Elizabeth - bà Mary Jane - là vợ hai buộc phải tự mình xoay sở nuôi 5 con thơ.

Hoàn cảnh khó khăn buộc bé Elizabeth phải lớn trước tuổi. Thiếu nữ tuổi vị thành niên theo học trường sư phạm, hy vọng tương lai trở thành giáo viên. Tuy nhiên, cô gái ham học buộc phải sớm bỏ trường vì mẹ hết tiền đóng học phí.

Từ “trẻ mồ côi cô đơn” đến cây bút phóng sự nữ

Tìm kiếm cuộc sống dễ chịu hơn, năm 1880, mẹ con nhà Elizabeth dắt díu nhau vào thành phố Pittsburgh. Tháng 1/1885, nhật báo địa phương The Pittsburgh Dispatch đăng bài What Girls Are Good For (Các thiếu nữ có thể làm gì) mở màn cuộc chiến chống lại trào lưu phụ nữ đòi quyền bình đẳng giới. Tác giả bài viết khẳng định, phụ nữ nên tập trung vào vai trò làm vợ, làm mẹ, lính canh ngọn lửa gia đình thay vì quan tâm đến “những việc đàn ông”.

Với tâm trạng bức xúc, thiếu nữ 21 tuổi Elizabeth viết bài phản biện, đại ý, thực tế nhiều phụ nữ như bản thân chị buộc phải làm những “công việc đàn ông” để người thân trong gia đình thoát số phận chết đói. Bài viết ký tên “Trẻ mồ côi cô đơn” và gửi cho tòa soạn.

Ngôn từ sắc lẹm và những quan sát chính xác của độc giả xa lạ đã lọt mắt xanh tổng biên tập (TBT). Ngay số báo hôm sau, ông đưa dòng tin nhắn mời nữ tác giả đến tòa soạn. Sau vài câu trao đổi, sếp nhật báo The Pittsburgh Dispatch mời Elizebeth làm phóng viên tòa soạn với điều kiện: phải thay tên thật vừa lủng củng, “quê mùa” bằng bút danh khác. Đang lúc cần việc làm, Elizabeth chấp nhận và khai sinh bút danh Nellie Bly.

Loạt bài phóng sự điều tra của phóng viên trẻ về số phận nữ công nhân trong các công xưởng có mức lương thấp hơn hẳn đồng nghiệp nam giới, thường bị miệt thị và lạm dụng tình dục của phóng viên trẻ gây tiếng vang khắp nước Mỹ.

Nielly Bly những năm làm phóng viên nhật báo New York World.

Nielly Bly những năm làm phóng viên nhật báo New York World.

“10 ngày trong nhà thương điên”

Sau 1 năm thành danh nhờ nhật báo tỉnh lẻ Pittsburgh, đầu năm 1886, Nielly tìm đến New York - kinh đô báo chí Mỹ và đầu quân vào nhật báo New York World - nơi cây bút nữ tài năng tự nghĩ đề tài đặc biệt khó. Đó là cuộc sống của phụ nữ mắc bệnh tâm thần tại nhà thương điên trên đảo Blackwell.

Để được nhập viện, liên tục 3 ngày Nielly phải tập trước gương những hành vi của kẻ điên rồ, sau đó thuê nhà tại khu ổ chuột. Tại đó, nữ phóng viên tự hành xác bằng chiêu trò la hét và huyên thuyên kể những câu chuyện cực kỳ phi lý và ngớ ngẩn. Cuối cùng, những người hàng xóm buộc phải gọi cảnh sát và họ tống Nielly “điên rồ” vào bệnh viện tâm thần trên đảo Blackwell.

Khắp bệnh viện ngự trị điều kiện cực khủng khiếp - người bệnh tranh nhau chỗ ở với chuột, gián, kiến... Mùa đông lạnh giá, mùa hè nóng bức, thức ăn ôi thiu, nước uống ô nhiễm, bẩn. Các nữ y tá áp dụng phương pháp chữa trị từ thời trung cổ. Nellie sau đó tường thuật trong phóng sự: “Các nhân viên y tế đánh đập tôi bằng cán chổi và thường xuyên giẫm đạp lên thân thể người bệnh. Có lần họ làm gãy xương sườn của tôi. Họ trói tay, trói chân tôi, dùng ga trải giường trùm kín đầu và buộc thắt nút ở cổ để tôi không thể kêu to...”.

Loạt phóng sự của Bly đăng tải, không chỉ bệnh viện tâm thần trên đảo Blackwell bị đóng cửa và toàn bộ ban giám đốc, nhân viên y tế tại cơ sở bị kỷ luật, Chính phủ Mỹ còn quyết định chi bổ sung 1 triệu USD để cải thiện chất lượng phục vụ người bệnh.

72 ngày vòng quanh thế giới

Chưa hài lòng với “10 ngày trong nhà thương điên”, Nielle nảy ý tưởng phá kỷ lục “80 ngày vòng quanh thế giới” của nhà thám hiểm do Julius Verne hư cấu. Cuối năm 1888, với số tiền 1.000 USD tòa soạn tạm ứng, nữ phóng viên 24 tuổi một mình lên đường.

Bly thực hiện chuyến đi bằng xe lửa, xích lô, tàu thủy. Lần lượt ghé qua Anh, Pháp, Sri Lanka, Trung Quốc, Nhật Bản và Singapore... Cứ sau 2 ngày, Bly đều đặn gửi bài viết ngắn về chặng đường đã vượt qua.

Ngày 25/1/1889, sau 72 ngày, 6 giờ, 11 phút và 14 giây, Niellie Bly đã cập bến New York. Nữ nhà báo Elizabeth Bisland - đối thủ cạnh tranh do tạp chí Cosmopolitan tài trợ hoàn thành nhiệm vụ chậm 4 ngày so với Nielle Bly.

Nielle Bly viết báo liên tục đến ngày 27/1/1922 - khi bà qua đời ở tuổi 57 vì bệnh viêm phổi. Tờ The New York Evening Journal đăng bài viết tôn vinh bà là “Cây bút phóng sự nữ xuất sắc nhất nước Mỹ”.


Ngọc Báu
Ý kiến của bạn