10 năm thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá tại Việt Nam

19-06-2015 10:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Trên thế giới có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc lá. Dự báo đến năm 2020, con số này sẽ lên tới trên 1,6 tỷ người.

Trên thế giới có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc lá. Dự báo đến năm 2020, con số này sẽ lên tới trên 1,6 tỷ người. Thuốc lá là sản phẩm hợp pháp duy nhất làm chết một nửa số người sử dụng thường xuyên nó cùng hàng trăm nghìn người không hút thuốc lá khác. Trên thế giới, có khoảng 6 triệu người chết do hút thuốc lá hàng năm và 600.000 người chết do phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến năm 2013, con số này sẽ tăng lên thành 8 triệu người, trong đó 70% các ca tử vong là ở các nước đang phát triển.

Ông Jeffery Kobza, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam trao Huy chương và Bằng khen cho Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhân Ngày Thế giới không thuốc lá 2015.

Ông Jeffery Kobza, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam trao Huy chương và Bằng khen cho Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhân Ngày Thế giới không thuốc lá 2015.

Nhằm bảo vệ các thế hệ hiện nay và tương lai khỏi các hậu quả tàn phá về sức khỏe, xã hội, môi trường và kinh tế của việc tiêu thụ thuốc lá và phơi nhiễm với khói thuốc, WHO đã vận động và xây dựng Công ước khung về kiểm soát thuốc lá. Tại phiên họp toàn thể cuối cùng của vòng đàm phán thứ sáu của Cơ quan Đàm phán liên Chính phủ vào ngày 1/3/2003, Đại hội đồng Y tế thế giới đã nhất trí thông qua Công ước.

Đây là Công ước quốc tế mang tính toàn cầu đầu tiên của WHO, bắt đầu được các quốc gia thành viên ký kết từ ngày 16/6/2003 tại Geneva, Thụy Sĩ. Công ước bao gồm 11 phần, 38 điều, quy định toàn diện các biện pháp giảm cung và giảm cầu thuốc lá, bảo vệ môi trường và hợp tác khoa học, kỹ thuật và truyền thông các thông tin giữa các quốc gia thành viên, xây dựng thể chế và nguồn tài chính bền vững cho kiểm soát thuốc lá... Sau khi có đủ 40 quốc gia đầu tiên phê chuẩn, Công ước khung FCTC đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 10/2/2005. Việt Nam là quốc gia thứ 47 phê chuẩn Công ước khung.

Ngày 11/11/2004, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã phê chuẩn Công ước FCTC và Công ước có hiệu lực từ ngày 17/3/2005. Để thực hiện toàn diện và hiệu quả Công ước khung, ngày 21/8/2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1315/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá. Sau 10 năm thực hiện Công ước khung, Việt Nam đã đạt được những thành công nổi bật như sau:

Giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá. Tỉ lệ hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành đã giảm từ 56,1% năm 2001 xuống 47,4% năm 2010. Tỉ lệ sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên (từ 13-15 tuổi) giảm từ 3,3% năm 2007 xuống 2,5% vào năm 2014. Nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá được nâng cao, 95% người trưởng thành tin rằng hút thuốc lá gây bệnh tật, 87,0% người trưởng thành tin rằng người hút thuốc thụ động cũng mắc các bệnh giống như người hút thuốc. Hành vi hút thuốc lá tại nơi làm việc, trường học đã giảm, hành vi hút thuốc không còn là hành vi phổ biến được chấp nhận như trước.

Xây dựng và mở rộng các mô hình môi trường không khói thuốc lá: tại cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, nơi làm việc, phương tiện giao thông công cộng. Các mô hình này đang được nhiều tỉnh, thành phố tích cực hưởng ứng.

Xây dựng và kiện toàn các quy định pháp luật về PCTH của thuốc lá. Quan trọng nhất là ngày 18/6/2012, Quốc hội Khóa 13 thông qua Luật PCTH của thuốc lá. Đây là văn bản pháp lý cao nhất và toàn diện về PCTH của thuốc lá, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013. Ngày 25/1/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 229/QĐ - TTg về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về PCTH của thuốc lá đến năm 2020 và nhiều văn bản pháp luật như Nghị định, Thông tư để hướng dẫn Luật PCTH của thuốc lá.

Kiện toàn nhân lực và nâng cao năng lực về PCTH của thuốc lá. Xây dựng và củng cố Ban chủ nhiệm Chương trình quốc gia PCTH của thuốc lá với sự tham gia của các bộ, ngành và tổ chức xã hội. Mở rộng, tăng cường mạng lưới hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố. Đến nay đã có 12/22 Bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội, 40/63 tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo về phòng chống tác hại như: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, TP. Hải Phòng, Tiền Giang, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình, Đồng Tháp, Hội An, Tiền Giang, Thái Nguyên, Huế, Sóc Trăng... Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an,...

Một trong những thành công nổi bật là việc bảo đảm nguồn tài chính bền vững. Quỹ PCTH của thuốc lá đã được thành lập, trực thuộc Bộ Y tế, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có chức năng huy động, cung cấp và điều phối nguồn lực tài chính của Quỹ cho các hoạt động PCTH của thuốc lá trên phạm vi toàn quốc.

Hội nghị đánh giá 10 năm thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam.

Thuế thuốc lá đã tăng theo lộ trình kể từ ngày 1/1/2016. Theo đó, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá sẽ tăng thêm 5%, từ 65% lên mức 70%. Tiếp đó từ ngày 1/1/2019, thuế sẽ tăng từ 70% lên 75%.

Quy định cấm quảng cáo thuốc lá, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức được quy định trong Luật PCTH của thuốc lá. Các hoạt động tài trợ của các công ty sản xuất, kinh doanh thuốc lá chỉ được thực hiện cho các hoạt động vì mục đích xóa đói giảm nghèo, thiên tai nhưng không được thông báo trên các phương tiện giao thông công cộng.

Việc in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên vỏ bao thuốc lá chiếm diện tích 50% cả mặt trước và mặt sau của vỏ bao thuốc lá được thực hiện tại Việt Nam với 6 mẫu cảnh báo.

Việt Nam luôn tuân thủ báo cáo thực hiện Công ước khung theo quy định thông qua hệ thống giám sát quốc gia và toàn cầu, triển khai các nghiên cứu đánh giá quốc tế nhằm hỗ trợ bằng chứng xây dựng và đánh giá chính sách phù hợp.

Việt Nam đã tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế để trao đổi thông tin, chuyển giao kỹ thuật và nâng cao năng lực, nghiên cứu và đánh giá với Ban Thư ký Công ước khung về kiểm soát thuốc lá. Ngoài ra, chúng ta còn mở rộng hợp tác trong phòng chống tác hại thuốc lá với các quốc gia thành viên ASEAN và các tổ chức quốc tế, trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu thế giới về PCTH của thuốc lá.

 

 


Ý kiến của bạn