Nhà báo Phan Đăng chia sẻ: “10 năm tôi viết báo thể thao, quan sát làng bóng – là người quan sát, chứ không phải là một phần của làng bóng. 10 năm, những nhân vật của làng bóng lướt qua tôi, có những người để lại nét sổ đậm, rắn rỏi, có những người đi qua mỏng nhẹ, và có cả những khuôn mặt nhạt nhòa. Tôi muốn vẽ lại những khuôn mặt của họ bằng mảnh giấy và cây bút của riêng tôi. Những người tôi vẽ đều là những người tôi nhớ, dẫu mức độ nhớ ít nhiều khác nhau. Nên dù bị chê hay được khen thì với tất cả, tôi đều trân trọng và mến quý. Còn những người tôi không nhớ hoặc không muốn nhớ thì tất nhiên, đã chẳng xuất hiện trong cuốn sách này.”
Chân dung nhà báo Phan Đăng
Cuốn sách là 50 chân dung đa dạng về các nhân vật trong làng bóng Việt Nam, từ những tên tuổi gạo cội trong làng bóng của thập niên 60, 70 như Nguyễn Văn Vinh, Trần Văn Phúc, Trần Văn Khánh, Lê Thụy Hải... đến những huyền thoại của một thời hoàng kim như Huỳnh Đức, Hữu Thắng, Hồng Sơn, Công Minh; Triệu Quang Hà...; từ những câu chuyện tai tiếng của Văn Quyến, Bùi Quang Thông, Trương Thế Toàn cho đến những giai thoại về các huấn luyện viên Riedl, Tavares, Calisto...; từ các tiền đạo đang nổi như Lê Công Vinh, Quế Ngọc Hải, Phạm Thành Lương đến những nữ cầu thủ xinh đẹp. Mọi hỉ nộ ái ố của làng bóng được miêu tả xoay quanh các nhân vật cầu thủ, huấn luyện viên, trọng tài và cả các ông bầu.
Cuốn sách không chỉ dành cho dân ghiền bóng đá mà ngay cả những người được coi là “ngoại đạo” cũng sẽ ngạc nhiên về cách xây dựng chân dung nhân vật của Phan Đăng. Đọc cuốn sách này, công chúng lần đầu tiên được khám phá rất nhiều huấn luyện viên luôn gắn “đấu pháp” với âm nhạc như Nguyễn Văn Vinh, Trần Văn Khánh, Mai Đức Chung; và những người không am hiểu bóng đá cũng sẽ kinh ngạc về một điều sơ đẳng của làng bóng “Tất cả đều ăn gian, thằng nào không ăn gian thằng ấy dại”, sẽ tò mò về những câu chuyện bi hài đằng sau vụ việc hy hữu: Trọng tài bị cầu thủ rượt đuổi chí chết trên sân cỏ, sẽ buồn lặng về một đôi chân vàng từng điều khiển quả bóng một cách ma quái khiến các hàng thủ Đông Nam Á đều khiếp sợ mà sau đã trở thành một “người thừa” như thế nào cả trên sân cỏ lẫn trong đời sống, sẽ kinh hãi về những “sự cố” song phi tàn bạo vào ống quyển đối thủ để... triệt đường bóng, sẽ kính trọng những hành xử mã thượng theo kiểu “hâm” của Vinh đen, Hùng hâm ở nơi mà người ta tưởng chỉ có cơ bắp võ biền và “cả làng ăn gian” để rồi sau đó những trong sáng lạc loài gặp vận đen đủi thế nào, sẽ rưng rưng về những câu chuyện đời thường và tình nghĩa thầy trò ở cái nghề được coi là “bạc lắm”...
Bìa cuốn sách "Ơ kìa, làng báo trong mắt tôi"
Nhà báo Vũ Công Lập nhận định về “đứa con tinh thần” của Phan Đăng, “Tác giả đã dành lại cho độc giả nhiều câu chuyện vừa sinh động đến náo nức, vừa bất ngờ đến ly kỳ, khiến cho có lúc đọc sách bóng đá mà cứ như đọc chuyện trinh thám. Chẳng hạn câu chuyện về quả bóng trận Việt Nam- Thái Lan 1-1 trên sân Mỹ Đình năm 2008. Quả bóng ấy bây giờ nằm ở nhà của Hà Bôn, được chuyển từ trọng tài sang một quan chức Malaysia, rồi qua trọng tài Trương Thế Toàn mới tới tay Hà Bôn. Và bỗng thấy: thế giới bóng đá quả là lạ kỳ, huyền hoặc.”
Cuốn sách cho thấy tác giả đã thuộc và hiểu làng bóng Việt Nam đến thế nào, nhưng lại cho thấy thêm một điều nữa, một điều mà khó xảy ra trong làng báo chí Việt Nam, ấy là ngược lại, làng bóng cũng thuộc, hiểu và kính nể cây bút Phan Đăng đến nhường nào, một cây bút cũng tả xung hữu đột trên trường báo chuyên đề bóng đá hệt đôi chân vàng ngang dọc trên sân cỏ.