Ngày 26/12 này là kỷ niệm 10 năm cơn sóng thần lớn nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. Sóng thần đã xảy đến sau cơn địa chấn lên đến 9,2 độ richter bên bờ biển Indonesia vào ngày 26/12/2004, cướp đi mạng sống của 223.000 người ở 15 nước và khiến 1,7 triệu người mất nhà cửa ở các nước dọc Ấn Độ Dương.
Cảnh tan hoang sau trận sóng thần năm 2004.
Một trong những nước chịu thiệt hại nặng nề hồi năm đó là Thái Lan, trong đó có ngôi làng “sóng thần” Baan Nam Khem thuộc tỉnh Phang Nga bên bờ biển phía Tây Thái Lan bị tàn phá nặng nề nhất. Năm 2004, làng này hứng chịu những cơn sóng cao đến 6-7m. Ngôi làng khi ấy có 5.000 người thì đã bị sóng thần cướp đi 800 người, chủ yếu là các ngư phủ nghèo khó. Baan Nam Khem từ đó trở thành “làng sóng thần” của Thái Lan. Sau thảm họa, người dân ở đây tựa hồ mất hồn, không còn tha thiết gì với cuộc sống, bởi người thân không còn mà tài sản cũng mất hết. Nhiều người vì thế đã lũ lượt tìm đến định cư ở nơi khác, vừa để tránh nỗi đau quá khứ vừa để tránh những cơn sóng thần có thể xảy đến trong tương lai. Thế nhưng, tình thương yêu giữa con người đã dần giúp ngôi làng hồi sinh. Sự đóng góp to lớn của các tổ chức thiện nguyện là một đóng góp lớn cho sự hồi sinh này. Trường học và bệnh viện được xây dựng, đường sá được sửa chữa và nâng cấp... Thậm chí, đời sống của người dân được cải thiện hơn hẳn giai đoạn trước khi xảy ra sóng thần. Không chỉ giúp đỡ về vật chất mà đời sống tinh thần cũng được chú ý. Các nhà sư đã ra sức giảng giải về Phật giáo để những người còn sống sót hiểu được lẽ vô thường trong cuộc sống mà nhẹ bớt cõi lòng.
Banda Aceh của Indonesia là thành phố chịu thiệt hại nặng nề nhất trong thảm họa sóng thần cách đây 10 năm. Ngày nay, đến thành phố này, đi dọc theo những khu vực dân cư được tái thiết, người tả khó mà tưởng tượng tới thảm họa 10 năm trước. Dù một số tàn tích vẫn còn, nhưng thành phố 4 triệu dân Banda Aceh gần như đã phục hồi hoàn toàn. Những núi rác khổng lồ đã không còn; vô số đống kim loại lởm chởm, gỗ và bê tông vụn biến mất, ngoại trừ một số được giữ lại để nhắc nhở khách du lịch và người dân địa phương... Hiện nay, những gì hiện ra trước mắt du khách là bờ biển tuyệt đẹp với những ngôi nhà mới mọc lên gần bãi biển. Rừng đước ngập mặn đã được trồng lại để giúp chống chịu sóng thần trong tương lai, ngư dân quay trở lại biển cả và nông dân tiếp nối công việc của mình trên những cánh đồng lúa. Tuy nhiên, các nhà chức trách lo ngại những rủi ro về sức khỏe và môi trường do những tàn tích ô nhiễm dầu, amiăng và các chất thải y tế vẫn còn ở dưới đáy biển ngoài khơi và tại 32 bãi rác không được kiểm soát xung quanh thành phố. “Xử lý chất thải không triệt để sẽ gây thiệt hại về môi trường trong thời gian dài” - Kuntoro Mangkusubroto, người đứng đầu Cơ quan Tái thiết và Phục hồi Aceh và Nias nhận định.
Cơ quan Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết, thảm họa cách đây 10 năm đã khiến cư dân châu Á - Thái Bình Dương cảnh giác hơn trong việc ứng phó với sóng thần, các nước trong khu vực hiện đã chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với các thảm họa tương tự. Hệ thống cảnh báo thiên tai sớm và các tuyến đường sơ tán sóng thần đã được đánh dấu rõ ràng trên bản đồ ở các nước như Thái Lan. Nước này cũng thành lập một Bộ Phòng chống và Giảm nhẹ thiên tai theo sau trận sóng thần. Tại Thủ đô Campuchia, Phnom Penh, đê chống lũ đã được xây dựng và nước này cũng đã xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm lũ lụt trên toàn quốc.
(Theo CNN, AFP) Phạm Quỳnh