Bắt đầu từ đau răng, nhức hàm
Theo tờ Dailymail của Anh, tai họa bắt đầu đến với người đàn ông này năm 2003. Tự nhiên, Donnie thấy đau hàm, nhức răng mà không rõ lý do. Ban đầu, bác sĩ chẩn đoán là viêm răng lợi, kê đơn dùng thuốc, nhưng không khỏi, sau đó mũi sưng phồng rỉ máu và đi chiếu chụp, sinh thiết mới vỡ lẽ bị một dạng ung thư cực kỳ hiếm gặp mà nghe nói trên thế giới hiện có khoảng 26 người mắc. Đây là căn bệnh gặm mòn cả khung xương hố mũi nên để cứu khuôn mặt, các bác sĩ yêu cầu phải phẫu thuật càng sớm càng tốt, cắt bỏ hết những khối u đang phát triển. Sau 12 giờ phẫu thuật, bác sĩ cắt bỏ 3 khối u chính, Donnie đã thoát cơn nguy kịch, không bị "mất mặt" theo đúng nghĩa đen.
Với khuôn mặt tương đối hoàn chỉnh, giờ đây Donnie Fritts có thể sánh vai cùng vợ đi thăm bạn bè, hoặc xuất hiện trước công chúng mà không còn bị trẻ nhỏ theo sau. Sở dĩ có được khuôn mặt nói trên là nhờ nghị lực của bản thân, sự giúp đỡ của người thân, nhất là vợ ông, bà Sharon, người thương yêu chồng hết mực. Ông Donnie nhớ lại, năm 2003 khi mới mắc bệnh, ông cứ ngỡ bị viêm lợi, đi khám nhưng qua 14 bác sĩ đều có kết luận giống nhau. Do chưa biết bệnh nên không được điều trị thích hợp, bệnh tình ngày thêm trầm trọng, đau đớn chảy máu, không ăn được, thậm chí còn phát mùi khó chịu giống như mùi thịt thối. Đây là căn bệnh ung thư rất lạ, gặm mòn cả xương quai hàm, sống mũi, răng và vòm miệng. Năm 2003, sau ca phẫu thuật cắt bỏ 3 khối u, khả năng sống sót chỉ còn lại 2%, khi đi ra ngoài phải mang mặt nạ, nhưng lại bị nhiễm trùng, thậm chí còn đe dọa cả não, phải nhập viện, điều trị liên tiếp 2 tuần mới khỏi bệnh, kết quả để lại một lỗ sâu hoắm trên khuôn mặt. Sau hơn 10 năm kiên trì chữa trị, với 35 lần phẫu thuật, và nhờ những tiến bộ khoa học trong lĩnh vực chỉnh hình mà ông Donnie đã lấy lại được niềm tin, có được khuôn mặt như ý, bắt đầu trao nụ hôn đầu tiên cho người vợ chung thủy sau 24 năm chung sống, có với nhau 3 mặt con nay đã khôn lớn.
Ung thư biểu mô, căn bệnh hiếm gặp
Ung thư biểu mô (Ameloblastic carcinoma) là một dạng khối u ác tính rất hiếm gặp, nó bắt đầu phát triển từ xương quai hàm. Được y học phân loại như là một khối u do răng, xuất phát từ biểu mô hình thành nên men răng của con người. Các dạng tăng trưởng biểu mô như mầm răng tiến triển và đủ để tách ra khỏi các biểu mô ác tính khác. Triệu chứng, gồm đau và sưng hàm theo kiểu tăng tiến, nó cũng di căn, ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể.
Do hiếm gặp nên những người mắc bệnh thường không có bất kỳ triệu chứng nào để nhận biết. Triệu chứng phổ biến như đau và sưng hàm tiến triển, kèm theo chảy máu, đau đầu. Đôi khi người bệnh mở miệng hoặc phát âm khó, khàn giọng, suy nhược cơ thể, ngứa ran hoặc tê miệng. Trường hợp hiếm, có thể bị mất giọng, khó ăn, khó nuốt, thậm chí khối u lớn có thể gây tắc nghẽn hoặc làm cho răng mọc sai vị trí, răng hai hàm không khớp nhau, khó nhai khi ăn uống. Đặc biệt, đối với bệnh ung thư biểu mô, hàm dưới được xem là "xuất phát điểm" còn hàm trên lại là nơi chứa nhiều khối u nguyên phát. Giống như các dạng ung thư khác, ung thư biểu mô cũng tiến triển, di căn, nhất là sang phổi, xương, gan và não, có mức độ biến chứng, tái phát cao, đe dọa tính mạng. Ung thư biểu mô thường được phân thành ung thư xương type II, (PICC II). Còn PIOC type I đề cập đến ung thư phát sinh từ u do răng, PIOC type III đề cập đến ung thư biểu mô của hàm không có nguyên nhân mang tính tiền sử. Đây cũng là căn bệnh hai giới mắc ngang nhau, độ tuổi trung bình mắc bệnh là 30. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh được phát hiện tình cờ.
Nguyên nhân gây ung thư biểu mô đến nay y học vẫn chưa rõ. Hầu hết các trường hợp phát sinh một cách tự nhiên mà không có tiền sử. Các nhà nghiên cứu suy đoán, các bất thường di truyền và miễn dịch, yếu tố môi trường (như tiếp xúc với tia cực tím, hóa chất độc hại, bức xạ ion hóa), chế độ ăn uống, căng thẳng, và các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, các nhà khoa học còn nghi đến những vấn đề bất thường của ADN, đây là những chất mang mã di truyền của cơ thể, khi biến đổi có thể tạo ra các tế bào ác tính. Những thay đổi bất thường về di truyền có thể xảy ra một cách tự nhiên không rõ lý do, hoặc hiếm hơn, có thể được thừa hưởng từ cha mẹ, ông bà.
Liệu pháp chẩn đoán được thực hiện dựa trên việc đánh giá toàn diện lâm sàng, tiền sử bệnh, kiểm tra bằng kính hiển vi khối u. Ngoài việc sinh thiết, các kỹ thuật X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) để giúp đánh giá kích thước, vị trí khối u, hỗ trợ cho các thủ tục phẫu thuật trong tương lai. Thủ tục điều trị tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, chẳng hạn như vị trí khối u, mức độ khối u nguyên phát, mức độ ác tính, tuổi tác và sức khỏe nói chung của người bệnh. Phẫu thuật cắt bỏ khối u là cơ hội tốt nhất để kiểm soát bệnh, tiếp đến là các bước điều trị phụ trợ giống như các dạng ung thư khác. Tái phát có thể xảy ra trong vòng một năm sau phẫu thuật nên người bệnh phải khám sức khỏe định kỳ và tư vấn bác sĩ cũng như thực hiện tốt các khuyến cáo của chuyên môn.
Duy Hùng (Theo Daily mail)