Tính đến năm 2012, đã có tới hơn 2.375 nhạc sĩ đăng ký cậy nhờ đến Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) bảo vệ quyền lợi cho mình. So với năm 2002, khi mới thành lập chỉ có 274 nhạc sĩ ủy thác cho VCPMC thì con số hơn 2 nghìn thành viên chứng tỏ các nhạc sĩ đã có niềm tin ở “nhà bảo vệ” của mình.
Tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập (2002 – 2012) vừa tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nhạc sĩ Phó Đức Phương – Giám đốc VCPMC đã thông tin những con số thật ấn tượng: năm 2002 – năm đầu tiên VCPMC chỉ thu được hơn 78 triệu đồng tiền bản quyền thì 10 năm sau, năm 2012, số tiền thu được xấp xỉ 47 tỷ đồng. Tổng cộng hơn 10 năm nay, VCPMC thu được khoảng 175 tỷ đồng và đã phân phối được hơn 120 tỷ đồng (sau khi trừ hành chính phí và một số tác giả chưa đến kỳ phân phối). Có những nghệ sĩ được nhận hơn 300 triệu đồng/năm tiền bản quyền và có tới 99 nhạc sĩ được nhận từ 100 triệu đồng trở lên/năm.

Tính cho đến nay, VCPMC vẫn đang là tổ chức quyền tác giả âm nhạc và lời trên thế giới tại Việt Nam, trên lĩnh vực quyền biểu diễn hoặc trên cả hai lĩnh vực quyền biểu diễn và quyền sao chép. 10 năm qua, số lượng nhạc sĩ ủy thác gia tăng hàng năm, số tiền thu được cũng lớn lên gấp nhiều lần. Nhưng để có được những con số này thì mấy chục con người ở khắp các tỉnh thành cũng vô cùng gian truân để pháp luật được thực thi trong lĩnh vực mới mẻ này. Không ít vụ phải đấu tranh quyết liệt để đòi quyền lợi cho các nhạc sĩ khi quyền hạn của các cấp có thẩm quyền còn chồng chéo, khi chính các tác giả không thực hành nghiêm chỉnh các qui định khi cam kết ủy thác… Trên hết, mục đích của VCPMC là kêu gọi mọi người cùng chung tay để xây dựng một văn hoá sử dụng âm nhạc có bản quyền.
Hiện nay, VCPMC đã ký hợp đồng với hơn 50 tổ chức quyền tác giả âm nhạc tương ứng trên thế giới có phạm vi điều chỉnh trên 138 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vì thế, các tác giả Việt Nam ở trên thế giới nếu nằm trong các tổ chức có ký hiệp định song phương thì VCPMC cũng thực hiện thu và trả tiền bản quyền. Thế nhưng, đại diện của VCPMC cũng cho biết thêm rằng, hiện nay, số tiền VCPMC thu cho các nhạc sĩ quốc tế lớn hơn các Trung tâm bản quyền âm nhạc quốc tế thu cho các nhạc sĩ Việt Nam bởi các thông tin từ phía các nhạc sĩ Việt Nam không đầy đủ, chỉ cần thiếu một điều kiện là các tổ chức quốc tế sẽ treo lại đó. Mục tiêu của VCPMC trong những năm tới là nỗ lực giải quyết những khiếm khuyết đó.
Từ con số 0 tới 47 tỷ đồng là hành trình 10 năm gian truân, vất vả của VCPMC, nhưng theo đánh giá khiêm tốn của Giám đốc thì VCPMC mới thực hiện được 20%, tới 80% công việc vẫn còn ở phía trước. Nếu đem con số của Hàn Quốc năm 2011 thu được 100 triệu đô-la thì con số 47 tỷ đồng của Việt Nam là quá nhỏ bé. Chỉ khi mọi người cùng nâng cao trách nhiệm và ý thức sử dụng âm nhạc phải trả tiền bản quyền thì quyền lợi của tác giả, của người nghe mới được đảm bảo.
Hiện tại, VCPMC đang tích cực hợp tác với 13 website trong nước cung cấp tác phẩm âm nhạc đến với công chúng qua mạng internet để thực hiện thí điểm thu phí nhạc số. Từ tháng 11 đến ngày 26/12/2012, số tiền thu phí nhạc số mới chỉ đạt khoảng 17 triệu đồng, còn rất khiêm tốn. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giai đoạn thử nghiệm, chỉ thu phí một số album nhạc, tiến tới trong năm 2013 sẽ tiến hành thu phí toàn bộ các album nhạc số, thu phí nghe online trên mạng chứ không dừng ở thu phí tải nhạc xuống như hiện nay. Tuy nhiên, cái khó của việc thu phí nhạc số hiện nay đang đặt ra và cần phải giải quyết nhanh chóng là kênh thanh toán chưa được thuận lợi cho khách hàng sử dụng. Việc thu phí tất cả các album nhạc và nghe nhạc online sẽ bắt đầu vào quý II năm 2013 nhằm từng bước hướng người nghe nhạc đến việc nghe nhạc có bản quyền, tôn trọng quyền tác giả.
Lan Hương
Những cố gắng không mệt mỏi của tập thể ban lãnh đạo và nhân viên của VCPMC trong 10 năm qua đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2007, Bằng khen của Bộ Văn hóa – Thông tin năm 2007 và năm 2012, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Trung tâm và cho Giám đốc Trung tâm. |