Hà Nội

10 lưu ý giúp bạn ăn uống lành mạnh trong kỳ nghỉ Tết

22-01-2023 09:41 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Bạn đừng bỏ qua 10 lời khuyên về những cách lành mạnh hơn để đón Tết Nguyên đán khỏe mạnh, an toàn.

Tết đến xuân về là dịp để mọi gia đình đoàn viên, sum họp, cùng nhau đi thăm người thân, họ hàng hoặc cùng nhau đi du lịch.

Trong những lúc gặp mặt đầu năm mới, mọi người thường tổ chức những bữa tiệc gia đình với những món ăn truyền thống hấp dẫn.

Tuy nhiên, chúng ta cần chú ý đến chế độ sinh hoạt lành mạnh cũng như dinh dưỡng cân bằng, hợp lý để giữ gìn sức khỏe.

Nhất là đối với những người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh thận, tăng huyết áp, mỡ máu cao,… càng cần chú ý đến vấn đề ăn uống trong dịp Tết để tránh tình trạng bệnh trở nặng, có thể gây nguy hiểm. Hãy tham khảo một số mẹo dưới đây để bạn duy trì được chế độ ăn uống lành mạnh trong kỳ nghỉ Tết:

1. Ăn sáng đầy đủ

Dù Tết có bận rộn đến đâu, bạn cũng không nên bỏ bữa sáng, vì đây là một trong những mẹo đơn giản nhất để đảm bảo sức khỏe. Bữa sáng khởi động quá trình trao đổi chất của bạn, giúp bạn đốt cháy calo suốt cả ngày.

Bỏ bữa sáng khiến cơ thể bạn bị thiếu hụt năng lượng, làm tăng cảm giác đói và bạn dễ có xu hướng ăn nhiều hơn trong ngày. Quá trình trao đổi chất thay đổi sẽ làm tăng nguy cơ viêm nhiễm và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến chuyển hóa như đái tháo đường, tăng huyết áp, mỡ máu cao,…

10 lưu ý giúp bạn ăn uống lành mạnh khi nghỉ Tết - Ảnh 1.

Mâm cỗ Tết thường có nhiều món ăn chứa nhiều dầu mỡ gây hại cho sức khỏe.

2. Kiểm soát lượng thức ăn một cách chủ động

Cho dù bạn ăn ở nhà hay đi ăn tiệc, hãy chủ động kiểm soát lượng thức ăn bạn ăn vào. Việc di chuyển hay đi chúc Tết nhiều nơi khiến bạn có khả năng ăn nhiều bữa hơn mà bạn không nhận ra. Nếu bạn không thực sự đói mà vẫn được mời dùng bữa, hãy ngồi xuống theo phép lịch sự nhưng nên ăn uống chừng mực.

Để tránh ăn quá nhiều trong các bữa tiệc, bạn nên chú ý đến kích thước khẩu phần ăn. Tuân theo quy tắc 1/2 khẩu phần là rau xanh và trái cây tươi, 1/4 khẩu phần là protein và 1/4 còn lại là tinh bột tùy chọn, tốt nhất chọn loại ngũ cốc nguyên hạt.

3. Tránh các món nhiều dầu mỡ

Theo ThS. Lê Thị Hải - nguyên Giám đốc Trung tâm khám và tư vấn Dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong mâm cơm ngày Tết mọi người thường chuẩn bị nhiều món ăn cầu kỳ hơn bình thường. Các món xào, chiên, rán, nướng dùng nhiều dầu mỡ thường rất hấp dẫn và ngon miệng. Một số món xào sử dụng tim, gan, cật dễ làm lượng cholesterol máu tăng cao.

Ngoài ra, mâm cỗ Tết có rất nhiều món chứa mỡ động vật như canh măng nấu chân giò, thịt đông, giò thủ (giò xào)… làm mỡ máu tăng cao, gây xơ vữa động mạch, cũng có thể dẫn đến đột quỵ như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não...

Vì vậy, nên hạn chế các món ăn nhiều dầu mỡ để tránh các hệ lụy sức khỏe trong dịp Tết.

4. Chú ý đến lượng protein hàng ngày

Protein là thành phần quan trọng của mọi tế bào trong cơ thể. Protein tạo cho cơ thể cảm giác no nhanh hơn so với khi sử dụng carbohydrate và chất béo. Trong mâm cơm ngày Tết lại quá nhiều chất đạm và chất béo từ các món: thịt, cá, giò, chả, nem, thức ăn nhanh (thịt hun khói, xúc xích, lạp xưởng), thịt kho tàu, thịt nấu đông… Do vậy chúng ta cần chú ý đến lượng protein tiêu thụ hàng ngày, hạn chế ăn nhiều thịt đỏ và thịt gia cầm, tăng cường nguồn protein lành mạnh từ cá và hải sản và cân đối lượng đạm từ thực vật.

10 lưu ý giúp bạn ăn uống lành mạnh khi nghỉ Tết - Ảnh 2.

Tích trữ thực phẩm quá nhiều làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

5. Không nên tích trữ thực phẩm quá nhiều

Ngày Tết mọi người thường có xu hướng tích trữ rất nhiều thực phẩm trong tủ lạnh. Nhưng bạn cần hiểu rằng, chất kín thức ăn trong tủ lạnh khiến bạn càng ăn nhiều hơn và có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm cao hơn. Chỉ nên mua một lượng thực phẩm vừa đủ trong vài ngày và tận dụng cơ hội mua những loại thực phẩm tươi ngon tại chợ địa phương thường được mở từ sau mùng 2 Tết.

6. Hạn chế đồ ngọt

Ngày Tết mọi người thường có xu hướng tiêu thụ quá nhiều đường từ mứt kẹo, nước ngọt, các loại quả sấy khô… Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường.

Bên cạnh việc làm tăng cân, hàm lượng đường trong bánh kẹo Tết có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến, nhiều khi dẫn đến hôn mê do đường huyết quá cao.

10 lưu ý giúp bạn ăn uống lành mạnh khi nghỉ Tết - Ảnh 3.

Giảm bớt lượng đường tiêu thụ bằng cách giảm ăn mứt, bánh kẹo ngọt,…

7. Uống đủ nước

Uống đủ nước giúp vận chuyển chất dinh dưỡng, loại bỏ chất thải và giúp chuyển hóa chất béo. Vì vậy, giữ cơ thể đủ nước là điều cần thiết để có một sức khỏe tốt. Hãy mang theo bên mình sẵn một chai nước. Điều này có thể giúp thỏa mãn cơn thèm nếu bạn cảm thấy đói và thức ăn luôn sẵn có.

8. Ăn nhiều rau và chất xơ

ThS. Lê Thị Hải lưu ý, rau xanh, trái cây là những thực phẩm tốt cho sức khỏe nên ăn nhiều trong mỗi bữa ăn thì lại rất thiếu trong các bữa ăn ngày Tết. Đây là nhóm thực phẩm cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ - một nhóm chất quan trọng đối với sức khỏe.

Nên chú ý ăn càng nhiều rau càng tốt. Lượng chất xơ và nước sẽ giúp bạn no và giúp bạn không ăn thêm các thức ăn giàu calo khác.

10 lưu ý giúp bạn ăn uống lành mạnh trong kỳ nghỉ Tết - Ảnh 7.

Các món rau vừa chống ngán cho mâm cỗ ngày Tết lại tốt cho sức khỏe.

9. Giảm thiểu tiêu thụ muối

Khi nấu ăn và chuẩn bị thức ăn, hãy sử dụng muối một cách tối thiểu và giảm sử dụng nước sốt và gia vị mặn (như nước tương, nước dùng hoặc nước mắm). Đối với đồ ăn nhẹ, hãy chọn rau, các loại hạt không ướp muối và trái cây tươi thay vì thực phẩm có nhiều đường, chất béo hoặc muối.

10. Hạn chế uống rượu bia

Rượu bia và đồ uống có cồn thường được phục vụ trong các bữa tiệc mừng năm mới. Tuy nhiên, chúng gây hại cho cơ thể nhiều hơn lợi. Bạn có thể cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ sức khỏe của việc sử dụng rượu bia. Và chính bạn là người quyết định có nên uống rượu hay không và quan trọng là liều lượng như thế nào phù hợp với bạn.

ThS. BS. Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm khám và tư vấn Dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia

Chúng ta đều biết chế độ dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng với sức khỏe. Muốn khỏe mạnh, bữa ăn hàng ngày phải cân bằng 4 nhóm chất dinh dưỡng chính là chất đạm (protein), chất béo (lipid), chất bột đường (gluxid hoặc carbonhydrat), nhóm vitamin, khoáng chất và chất xơ. Dinh dưỡng cân bằng và hợp lý luôn là "chìa khóa vàng" để bảo vệ sức khỏe, do đó trong những ngày Tết, nên cố gắng thu xếp những bữa ăn cân bằng hợp lý.

4 lưu ý về an toàn thực phẩm để không "đổ bệnh" ngày Tết4 lưu ý về an toàn thực phẩm để không 'đổ bệnh' ngày Tết

SKĐS - Để có những giây phút trọn vẹn bên người thân những ngày Tết, bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý thì vệ sinh an toàn thực phẩm là điều kiện cần lưu tâm để đảm bảo sức khỏe trong những ngày Tết.

Xem thêm video đang được quan tâm

6 lợi ích của việc cắt bỏ đường.


Thiên Châu
Ý kiến của bạn