1. Các loại thuốc giảm đau không kê đơn (OTC)
Thuốc giảm đau OTC có hai loại chính:
- Acetaminophen (Tylenol) hay paracetamol.
- Thuốc giảm đau chống viêm không steroid - hay còn gọi là NSAID, bao gồm ibuprofen (advil, motrin), aspirin và naproxen natri (aleve)...
Các thuốc này đều giúp giảm đau và hạ sốt, được sản xuất dưới nhiều dạng thuốc khác nhau, bao gồm: Viên nén, viên nang, viên đạn và dung dịch…
2. Một số lưu ý khi chọn và dùng thuốc giảm đau
2.1 Tuổi tác có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của thuốc giảm đau
Trước đây, cha mẹ thường cho con uống aspirin khi bị sốt và đau. Giờ đây, các bác sĩ đã biết nhiều hơn về hội chứng Reye - một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng ảnh hưởng đến não, thận và gan – do đó, aspirin là thuốc không nên dùng đối với trẻ em và thanh thiếu niên trong thời gian bị bệnh.
Trẻ bị bệnh có thể dùng ibuprofen và acetaminophen một cách an toàn, miễn là liều lượng phù hợp với độ tuổi và cân nặng của trẻ. Người cao tuổi cũng nên thận trọng khi dùng thuốc giảm đau không kê đơn )(OTC), vì người lớn tuổi có nhiều khả năng gặp phải các tác dụng phụ của thuốc hơn.
Tuổi tác ảnh hưởng tới việc dùng thuốc giảm đau.
2.2 Đồ uống ảnh hưởng tới hiệu quả của thuốc giảm đau
Dùng thuốc giảm đau và đồ uống có cồn là sự kết hợp nguy hiểm. Nhiều loại thuốc - bao gồm cả thuốc giảm đau - có cảnh báo về việc uống rượu nếu bạn đang dùng thuốc. Luôn đọc nhãn và làm theo hướng dẫn.
2.3 Thuốc giảm đau ảnh hưởng đến huyết áp
Một số thuốc giảm đau OTC có thể tương tác với một số loại thuốc trị tăng huyết áp hoặc có thể làm tăng huyết áp ở những người trước đây chưa được chẩn đoán mắc bệnh này.
Nếu bạn dùng thuốc điều trị tăng huyết áp theo đơn, hãy thường xuyên theo dõi huyết áp và tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm ra loại thuốc giảm đau OTC nào phù hợp nhất với bạn.
2.4 Dạ dày có thể nhạy cảm với thuốc giảm đau
Một số thuốc giảm đau NSAID, chẳng hạn như ibuprofen và naproxen natri, có thể tác động xấu đến đường tiêu hóa, gây kích ứng niêm mạc dạ dày, dẫn đến loét và chảy máu, hoặc làm nặng thêm vết loét từ trước.
Nếu bạn phải sử dụng thuốc giảm đau NSAID, hãy bảo vệ dạ dày của bạn bằng cách dùng liều thấp nhất có thể, trong thời gian ngắn nhất và dùng chúng cùng với thức ăn. Nếu bạn cần NSAID hàng ngày trong hơn một tuần, hãy hỏi bác sĩ để biết cách ứng phó, ví dụ dùng thêm thuốc chống loét.
Thuốc giảm đau có thể gây hại dạ dày.
2.5 Thuốc giảm đau có thể làm thận quá tải
Thận giúp lọc chất thải, giữ cân bằng chất lỏng và chất điện giải, nhưng NSAID có thể cản trở khả năng thực hiện những công việc này của thận. Việc sử dụng thường xuyên các loại thuốc này có thể làm nặng thêm bệnh thận và dẫn đến suy thận.
Nếu bạn bị bệnh thận mạn tính, hãy hỏi bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc giảm đau NSAID nào. Có nhiều lựa chọn thay thế thân thiện với thận hơn. Ngoài ra, kết hợp rượu với acetaminophen có thể gây tổn thương thận.
2.6 Thuốc giảm đau và vấn đề tim mạch
Thuốc giảm đau OTC có thể là con dao hai lưỡi đối với những người có vấn đề về tim. Dùng aspirin liều thấp hàng ngày có thể giúp ngăn ngừa cục máu đông có thể dẫn đến đột quỵ hoặc đau tim. Mặt khác, việc sử dụng NSAID không chứa aspirin trong thời gian dài, đặc biệt là ở liều cao, có thể cản trở tác dụng làm loãng máu của aspirin. Nó cũng có thể làm tăng huyết áp và tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ.
Những người mắc bệnh tim hoặc huyết áp cao nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng NSAID, vì các thuốc này thường không được khuyến khích cho những người mắc bệnh thận, suy tim hoặc xơ gan.
2.7 Đọc nhãn để biết các thông tin về thuốc
Các sản phẩm kết hợp không kê đơn - chẳng hạn như thuốc chữa cảm lạnh và cúm - thường chứa một số loại thuốc. Để tránh dùng quá nhiều, hãy xem danh sách các hoạt chất. Ví dụ, nếu một loại thuốc có chứa acetaminophen, bạn sẽ biết để tránh dùng riêng lẻ. Đọc nhãn cũng có thể giúp bạn tránh được các loại thuốc mà bạn bị dị ứng.
Đọc kỹ nhãn thuốc để biết các thông tin về thuốc.
2.8 Thuốc giảm đau và mối nguy đến gan
Thuốc có chứa acetaminophen và các thuốc giảm đau khác thường an toàn và hiệu quả khi sử dụng theo chỉ dẫn, nhưng tất cả các loại thuốc đều có rủi ro.
Acetaminophen có tác dụng giảm đau rất tốt nhưng nó có thể ảnh hưởng đến gan. Tổn thương gan nghiêm trọng có thể xảy ra nếu bạn dùng quá liều acetaminophen. Luôn đọc nhãn và làm theo hướng dẫn.
Để ngăn ngừa các vấn đề về gan, không dùng nhiều hơn tổng liều khuyến cáo hàng ngày. Không uống rượu trong khi dùng thuốc có chứa acetaminophen và dùng liều thấp nhất có thể trong thời gian ngắn nhất.
Những người bị xơ gan nên tránh dùng NSAID hoàn toàn và chỉ sử dụng acetaminophen với liều lượng nhỏ. Trao đổi với bác sĩ để xem loại thuốc giảm đau nào phù hợp với bạn.
2.9 Thuốc giảm đau với phụ nữ mang thai
Khi bạn mang thai, hầu hết mọi thứ đi vào cơ thể bạn đều đến được với em bé. NSAIDS thường không được khuyến cáo cho phụ nữ mang thai trong tam cá nguyệt thứ ba do tăng nguy cơ biến chứng ở trẻ sơ sinh.
Nếu bạn bị đau, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ sản phụ khoa để đánh giá lý do khiến bạn khó chịu. Các biện pháp điều trị tại nhà có thể hữu ích, chẳng hạn như mát-xa hoặc ngâm nước ấm để giảm đau. Trước khi dùng bất kỳ loại thuốc giảm đau nào, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn cho bạn và con bạn.
2.10 Tương tác thuốc
Một số loại thuốc có tác dụng tốt, nhưng khi dùng cùng nhau có thể dẫn đến tương tác nguy hiểm. Ví dụ, NSAID làm tăng nguy cơ chảy máu khi dùng warfarin làm loãng máu và acetaminophen cũng có thể làm tăng tác dụng này.
Một số tương tác thuốc có thể đe dọa đến tính mạng, do đó, bạn hãy cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết về tất cả các loại thuốc và chất bổ sung mà bạn đang dùng, thậm chí cả thuốc không kê đơn, vitamin hoặc thuốc thảo dược.
Mời độc giả xem thêm video:
Hai loại rau giúp thanh nhiệt, giải độc