Hà Nội

10 lời khuyên phòng ngừa, giảm nguy cơ mắc bệnh sốt rét

SKĐS - Sốt rét là một bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng Plasmodium gây ra, dễ lây truyền từ người này sang người khác do muỗi đốt với các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, nhức đầu, đau cơ và mệt mỏi...

Ngày Sốt rét Thế giới là một sự kiện quốc tế được tổ chức hàng năm vào ngày 25 tháng 4 nhằm nâng cao nhận thức về bệnh sốt rét và huy động các nỗ lực kiểm soát và loại trừ căn bệnh này.

Những người dễ bị thương tổn nhất là trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi; người tị nạn, sống du canh, du cư, người dân bản địa. Khu vực châu Phi là nơi chịu gánh nặng bệnh tật nặng nề nhất. Chỉ riêng năm 2022, có tới 94,95% ca mắc và tử vong do sốt rét.

10 lời khuyên phòng ngừa, giảm nguy cơ mắc bệnh sốt rét- Ảnh 1.

Ngày Sốt rét Thế giới 25 tháng 4 nhằm nâng cao nhận thức về bệnh sốt rét và huy động các nỗ lực kiểm soát và loại trừ căn bệnh này.

Người dân sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa ở châu Phi đang sống trong tình trạng nghèo đói và ít có cơ hội tiếp cận với giáo dục bị tác động nhiều nhất. Bối cảnh tình hình như hiện nay khiến bước ngoặt quan trọng vào năm 2025 trong chiến lược sốt rét toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm giảm ca sốt rét và tử vong có thể bị bỏ lỡ.

Điều đáng lưu ý, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ là nhóm người dễ bị thương tổn nhất nhưng lại không được tiếp cận dịch vụ chăm sóc và chữa trị sốt rét.

Các nhóm dân di cư như thợ mỏ, người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, săn bắt cá, binh lính, người làm việc trong rừng có nguy cơ mắc sốt rét cao hơn. Đặc biệt, họ hay phải làm việc vào thời điểm muỗi xuất hiện nhiều, cao điểm là lúc hoàng hôn, chưa kể đến việc thường sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh, xa các cơ sở, dịch vụ y tế.

Để ngăn ngừa và giảm nguy cơ mắc bệnh sốt rét cần:

1. Sử dụng màn chống muỗi: Ngủ trong màn tẩm thuốc diệt côn trùng (ITN) giúp ngăn ngừa muỗi đốt vào ban đêm, đó là thời điểm muỗi truyền bệnh sốt rét hoạt động mạnh nhất.

10 lời khuyên phòng ngừa, giảm nguy cơ mắc bệnh sốt rét- Ảnh 2.

Ngủ trong màn tẩm thuốc diệt côn trùng (ITN) giúp ngăn ngừa muỗi đốt vào ban đêm.

2. Bôi thuốc chống côn trùng: Sử dụng thuốc chống côn trùng có chứa DEET, picaridin hoặc dầu bạch đàn chanh trên vùng da hở để xua muỗi đặc biệt là sau khi bơi hoặc khi cơ thể đổ mồ hôi.

3. Mặc quần áo dài tay: Mặc áo sơ mi dài tay, quần dài, tất và giày, đặc biệt là vào lúc bình minh và hoàng hôn khi muỗi hoạt động mạnh nhất. Quần áo sáng màu cũng có thể ít thu hút muỗi hơn.

4. Ở trong nhà khi muỗi hoạt động cao điểm: Muỗi truyền bệnh sốt rét hoạt động mạnh nhất vào đầu buổi tối (hoàng hôn) và sáng sớm (bình minh). Nếu có thể, hãy ở trong nhà trong thời gian này hoặc sử dụng các biện pháp phòng ngừa thích hợp nếu bạn cần ra ngoài.

5. Loại bỏ nước đọng: Muỗi sinh sản ở vùng nước tù đọng, vì vậy hãy loại bỏ mọi nguồn ao tù nước đọng xung quanh nhà bạn như trong chậu hoa, xô hoặc máng xối bị tắc, thay nước trong bát cho thú cưng.

6. Sử dụng phun tồn lưu trong nhà (IRS): Phun tồn lưu trong nhà (lên tường, trần nhà để diệt muỗi đậu trên các bề mặt này), làm giảm đáng kể số lượng muỗi trong nhà cũng như nguy cơ về sự lây truyền bệnh sốt rét.

7. Tham khảo lời khuyên của y bác sỹ trước khi đi du lịch đến các vùng sốt rét lưu hành.

8. Dùng thuốc chống sốt rét: Nếu được chuyên gia y tế khuyên dùng hãy sử dụng thuốc chống sốt rét trước, trong và sau chuyến đi đến vùng lưu hành bệnh sốt rét. Thực hiện đúng liều lượng để đảm bảo hiệu quả và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh sốt rét.

9. Giữ môi trường xung quanh bạn sạch sẽ: Duy trì môi trường sạch sẽ cả trong nhà và ngoài trời để ngăn cản muỗi sinh sản. Thường xuyên vứt rác, phát quang bụi rậm và giữ cho cỏ và thảm thực vật xung quanh nhà của bạn được chăm sóc tốt.

10. Luôn cập nhật thông tin: Cập nhật kiến thức về mức độ nguy cơ của bệnh và làm theo lời khuyên hoặc hướng dẫn của các chuyên gia y tế cung cấp. Cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp và tìm kiếm các dịch vụ chăm sóc y tế kịp thời.

Mời độc giả xem thêm video:

Lại phát hiện bệnh nhân mắc sốt rét ác tính nhập cảnh từ Châu PhiLại phát hiện bệnh nhân mắc sốt rét ác tính nhập cảnh từ Châu Phi

SKĐS - Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Quân Y 103 cho biết vừa tiếp nhận một nam bệnh nhân mắc sốt rét vừa nhập cảnh từ châu Phi.


Hoàng Yến
(Theo WHO)
Ý kiến của bạn