Nhu cầu về dinh dưỡng đối với mỗi người phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi, giới, cân nặng, tình trạng sinh lý, lao động và hoạt động thể lực... Để cơ thể khỏe mạnh và phòng tránh bệnh tật, mỗi chúng ta cần có một chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Đó là một chế độ dinh dưỡng đủ về số lượng thực phẩm, cân đối giữa các chất dinh dưỡng và đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.
Tháp dinh dưỡng.
Dinh dưỡng lành mạnh là chủ đề của “Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới” (WCRD) 2015. Khi nói đến “Dinh dưỡng lành mạnh” tức là nói đến Dinh dưỡng hợp lý: “Ăn đủ” - đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể, “Cân đối” giữa các chất dinh dưỡng và “ăn đa dạng thực phẩm”. Đảm bảo an toàn thực phẩm và hạn chế uống rượu bia cũng là một thành tố quan trọng của dinh dưỡng lành mạnh.
Bữa ăn hợp lý là bữa ăn cung cấp đủ năng lượng, chất đạm, chất béo, chất khoáng, vitamin và đủ nước cho cơ thể. Bữa ăn cân đối là bữa ăn trong đó các chất dinh dưỡng cân đối hợp lý; Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng - BYT thì khẩu phần năng lượng từ chất đường bột chiếm khoảng 68%, chất đạm là 14%, chất béo là 18%. Muốn đảm bảo một bữa ăn đủ chất dinh dưỡng và cân đối, chúng ta cần thực hiện đa dạng hóa bữa ăn, sử dụng nhiều loại thực phẩm khác nhau. Vậy “Dinh dưỡng lành mạnh” là dinh dưỡng đủ về số lượng thực phẩm, cân đối giữa các chất dinh dưỡng và đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Thức ăn, đồ uống phải đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, không trở thành nguồn gây bệnh.
Việc ăn uống không lành mạnh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể dẫn đến rất nhiều bệnh như: thừa cân béo phì, tăng huyết áp, đường huyết cao... Hiện nay, mô hình bệnh tật, tử vong của người Việt Nam đang chuyển từ các bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm trong đó đứng đầu là các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, loãng xương, gout... Chẳng hạn như tỷ lệ tăng huyết áp cao gấp 2 lần sau 13 năm từ 11,2% (1992) lên 20,7% (năm 2005).
Từ năm 2000 - 2005, tỷ lệ người thừa cân và béo phì đã tăng gấp 2 lần ở người trưởng thành (từ 3,5% lên 6,6%). Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân béo phì tăng gấp 9 lần sau 10 năm (2000-2010) và năm 2013 tỷ lệ này đã ở mức 6,3%. Tỷ lệ đái tháo đường tăng gấp 2 lần sau 10 năm từ 2,7% (2002) lên 5,7% (2012). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến gia tăng các bệnh mạn tính không lây trong đó chế độ dinh dưỡng không hợp lý và lối sống không lành mạnh là quan trọng hơn cả. Thực hiện chế độ “Dinh dưỡng lành mạnh”, lối sống năng động sẽ giảm rủi ro bệnh tật và tử vong.
GS.TS. Lê Thị Hợp (Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam)
Ðể đảm bảo an toàn thực phẩm và chế độ “Dinh dưỡng lành mạnh” người tiêu dùng cần có kiến thức và kỹ năng về lựa chọn, chế biến, bảo quản thực phẩm và thực hiện “10 Lời khuyên dinh dưỡng hợp lý đến năm 2020”.
Lời khuyên số 1: Ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm và đảm bảo đủ 4 nhóm: chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng.
Lời khuyên số 2: Phối hợp thức ăn nguồn đạm động vật và thực vật, nên ăn tôm, cua, cá và đậu đỗ.
Lời khuyên số 3: Ăn phối hợp dầu thực vật và mỡ động vật hợp lý, nên ăn vừng lạc.
Lời khuyên số 4: Nên sử dụng muối iốt, không ăn mặn.
Lời khuyên số 5: Cần ăn rau quả hàng ngày.
Lời khuyên số 6: Ðảm bảo an toàn vệ sinh trong lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm.
Lời khuyên số 7: Uống đủ nước sạch hàng ngày.
Lời khuyên số 8: Cho trẻ bú mẹ ngay sau khi sinh, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, ăn bổ sung hợp lý và tiếp tục cho bú mẹ đến 24 tháng.
Lời khuyên số 9: Trẻ sau 6 tháng và người trưởng thành nên sử dụng sữa và các sản phẩm của sữa phù hợp với từng lứa tuổi.
Lời khuyên số 10: Tăng cường hoạt động thể lực, duy trì cân nặng hợp lý, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, nước có ga và ăn, uống đồ ngọt.
Hội Dinh dưỡng Việt Nam đã chính thức tham gia “Mạng lưới dinh dưỡng y tế công cộng khu vực Đông Nam Á” (SEA-PHN) được thành lập ngày 2/6/2014 gồm Hội Dinh dưỡng của các nước: Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam. Mục tiêu của “Mạng lưới dinh dưỡng y tế công cộng khu vực Đông Nam Á” nhằm tăng cường sự hợp tác với các nước trong khu vực góp phần cải thiện dinh dưỡng cho cộng đồng. Năm 2015, dự kiến Hội Dinh dưỡng Việt Nam sẽ hưởng ứng triển khai “Tháng Dinh dưỡng” của SEA-PHN với chủ đề “Ăn đúng, tăng cường vận động nhằm phòng chống thừa cân béo phì và các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng”. Tháng 6/2015, Hội Dinh dưỡng Việt Nam sẽ phối hợp với Viện Dinh dưỡng Quốc gia tổ chức tháng hành động “Tháng Dinh dưỡng”: Lễ phát động “Tháng Dinh dưỡng” sẽ được tổ chức tại Đại học Y Dược Thái Bình ngày 30/5 và các hoạt động “Ngày vi chất dinh dưỡng”, Dinh dưỡng học đường và các Hội thảo khoa học do các Chi hội của Hội Dinh dưỡng Việt Nam sẽ được triển khai nhằm tăng cường chăm sóc dinh dưỡng và sức khỏe cho cộng đồng, góp phần cải thiện và nâng cao tầm vóc của người Việt Nam.