Ở tuổi 60, công việc kết thúc. Bước vào giai đoạn nghỉ hưu, cần làm gì để hạnh phúc và khỏe mạnh, kéo dài tuổi thọ? Dưới đây là 10 điều bác sĩ khuyên để lứa tuổi 60 bắt đầu một thời kỳ mới.
Không bao giờ là quá muộn cho một lối sống lành mạnh
Đừng bao giờ nghĩ rằng, ở độ tuổi 60, mọi “cơ quan đoàn thể” đã trục trặc và sắp “hết hạn sử dụng” thì chả còn gì cứu vãn được tuổi già sầm sập đến. Chỉ cần chủ động thay đổi lối sống là có thể cải thiện đáng kể sức khỏe, thậm chí đảo ngược một số thiệt hại đã chuốc phải trong những năm tuổi trẻ. Ví dụ, kiểm soát cân nặng bằng cách thực hiện chế độ ăn khoa học, ăn nhiều rau, trái cây, tập thể dục đều đặn, không hút thuốc lá... sẽ cải thiện sức khỏe dù ở bất kỳ lứa tuổi nào.
Nâng cao chất lượng đời sống tình dục
Tình dục là một phần quan trọng của cuộc sống và sức khỏe. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, cuộc sống tình dục lành mạnh giúp tăng tuổi thọ và đó là lý do để người cao tuổi không nên tặc lưỡi bỏ qua quyền lợi này của bản thân. Tất nhiên, tuổi 60 có những vấn đề sức khỏe làm ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động tình dục. Nhưng việc tìm hiểu các vấn đề đó, hành động phù hợp để duy trì một đời sống tình dục bổ ích cho sức khỏe là rất cần thiết.
Tập thể dục cùng mọi người có lợi cho sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần của người cao tuổi.
Dành thời gian để chăm sóc não
Não cần được thử thách thường xuyên. Các nghiên cứu cho thấy, để não người cao tuổi chậm lão hóa, các trò chơi giải đố rất thích hợp. Tiếp tục học tập, nghiên cứu, sáng tạo sẽ kích thích não bộ một cách tích cực. Các trò chơi điện tử cũng có tác dụng tương tự để tạo nên những thử thách giúp não người cao tuổi không bị lão suy. Tránh rơi vào lối mòn của thói quen. Hãy không ngừng vận động trí óc để tuổi 60 được hạnh phúc.
Chăm sóc cơ thể
Đừng để cơ thể nghỉ hưu dù không đi làm nữa. Trước đây, mọi chú ý là dồn cho công việc. Giờ khi đã nghỉ hưu, hãy dành thời gian để tập thể dục, nấu bữa ăn ngon lành, làm vườn, trồng hoa... Sử dụng thời gian để sửa chữa những thói quen không lành mạnh gây hậu quả không tốt cho cơ thể. Lên kế hoạch và thực hiện những điều có lợi cho cơ thể. Giữ cơ thể bận rộn và năng động - Không chỉ tâm trạng sẽ tốt hơn mà người cao tuổi còn có khả năng sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn.
Suy nghĩ tích cực về lão hóa
Nếu người cao tuổi có một thái độ tích cực đối với quá trình lão hóa của bản thân, họ có thể sống thêm đến 7,5 năm. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, một thái độ tích cực ảnh hưởng tốt đến cơ thể, đẩy lùi stress, tác động tích cực đến hành vi của cá nhân.
Kiểm soát việc điều trị bệnh
Người cao tuổi thường có bệnh. Hãy là một người bệnh thông thái, hiểu biết. Nghiên cứu cho thấy rằng những bệnh nhân không đặt câu hỏi với bác sĩ hoặc không hiểu các phương pháp điều trị hoặc quản lý thuốc có nguy cơ gia tăng các biến chứng và tử vong. Hãy cho mình cơ hội học hỏi về chính cơ thể mình và sự hiểu biết để hợp tác tốt với thầy thuốc nhằm làm mình khỏe mạnh hơn và sống lâu hơn.
Kiểm tra sức khỏe thường xuyên
Khi bạn còn trẻ hay còn đi làm, bạn thường tránh đi kiểm tra sức khỏe, lý do nhiều khi chỉ vì quá bận. Nhưng giờ bạn nên sử dụng lợi thế về thời gian để chăm sóc, phòng ngừa và kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Tuy nó sẽ làm bạn sốt ruột vì phải trải qua nhiều test này, xét nghiệm nọ, nhưng những cuộc hẹn với bác sĩ có thể giúp phát hiện bệnh sớm và khi đó có thể được điều trị với tỷ lệ thành công cao nhất. Tuân thủ chỉ định và tư vấn của bác sĩ.
Thận trọng khi sử dụng liệu pháp hormon
Một số người tin rằng, những thay đổi trong nội tiết tố là nguyên nhân gây lão hóa. Sự thật phức tạp hơn thế. Vì vậy, trước khi tìm kiếm các liệu pháp hormon, nên bàn bạc kỹ với bác sĩ.
Sử dụng thời gian hiệu quả
Nghỉ hưu nghĩa là chủ động tất cả thời gian của bản thân và có thời gian để làm những gì mình muốn. Nhưng có một vài mối nguy tiềm ẩn liên quan đến điều này, chẳng hạn như việc ít vận động, dành quá nhiều thời gian xem tivi. Theo một nghiên cứu ở Mỹ, những người đã nghỉ hưu trung bình ngồi trước tivi 4 giờ đồng hồ một ngày. Đó là thời gian trì trệ, ít vận động. Thời gian này nên làm những điều lành mạnh cho bộ não và cơ thể như tập thể dục, hoạt động xã hội, nấu ăn và làm những việc khác mà mình yêu thích. Hãy kiểm soát thời gian của bản thân và sử dụng nó để làm cho mình khỏe mạnh, hạnh phúc hơn.
Duy trì đời sống xã hội
Trước khi nghỉ hưu, thậm chí là từ trước đó rất lâu, nhiều người đã lên kế hoạch tài chính cho sau khi nghỉ hưu, nhưng lại quên chuẩn bị cho mình một cuộc sống xã hội tiếp theo trong giai đoạn mới. Rời khỏi môi trường làm việc năng động, nơi mọi người tương tác với nhau suốt cả ngày để nghỉ ở nhà là một sự thay đổi to lớn. Vì thế, tạo lập các mối quan hệ xã hội mới và duy trì thường xuyên sẽ có lợi cho sức khỏe của người đã nghỉ hưu. Nhờ tương tác với mọi người, một cá nhân sẽ quản lý tốt hơn cảm xúc, stress, duy trì thói quen tốt như chăm sóc bản thân, sống điều độ hơn...
Tóm lại, khi bước vào độ tuổi 60, cần lập kế hoạch cho việc chăm sóc tâm trí và cơ thể của mình trong nhiều năm tới. Nhớ là nghỉ hưu nhưng đừng để cơ thể hưu.