Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), rất ít trẻ em được ăn thực phẩm bổ sung an toàn và đầy đủ dinh dưỡng, ở nhiều quốc gia, chưa đến một phần tư trẻ sơ sinh từ 6 đến 23 tháng tuổi đáp ứng được tiêu chí về chế độ ăn đa dạng và tần suất ăn phù hợp với độ tuổi.
WHO cho biết, chế độ ăn uống lành mạnh giúp bảo vệ chống lại mọi hình thức suy dinh dưỡng, cũng như các bệnh không lây nhiễm (NCD) như đái tháo đường, bệnh tim, đột quỵ và ung thư.
WHO cũng khuyến nghị, việc hạn chế lượng đường tự do nạp vào dưới 10% tổng lượng năng lượng nạp vào là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh. Việc giảm thêm xuống dưới 5% tổng lượng năng lượng nạp vào được đề xuất để có thêm lợi ích cho sức khỏe. Duy trì lượng muối tiêu thụ dưới 5 g mỗi ngày (tương đương với lượng natri tiêu thụ dưới 2 g mỗi ngày) giúp ngăn ngừa tăng huyết áp và giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ ở người lớn.
Chính vì thế, việc lựa chọn thực phẩm lành mạnh cho trẻ rất quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tinh thần và trí tuệ, ngăn ngừa bệnh tật. Cha mẹ nên biết những loại thực phẩm có vẻ lành mạnh nhưng thực chất nếu ăn thường xuyên lại có hại cho trẻ em.
1. Đồ uống có đường là thực phẩm không tốt cho trẻ em
Đồ uống có gas, đồ uống thể thao, nước ép trái cây đều chứa nhiều đường và calo rỗng. Một cốc nước ép đóng gói thường chứa 5 đến 6 thìa cà phê đường. Lượng đường này được hấp thụ vào máu, không tốt cho quá trình chuyển hóa carbohydrate. Thêm vào đó, màu thực phẩm và chất bảo quản gây hại nhiều hơn lợi.
Vì vậy, hãy chọn trái cây tươi thay vì nước ép trái cây. Hàm lượng chất xơ trong trái cây giúp đường được hấp thụ dần dần. Sữa và nước không hương vị là những thức uống tốt nhất cho trẻ em. Thỉnh thoảng có thể cho trẻ uống nước ép trái cây nguyên chất 100%.
2. Sữa chua có hương vị
Hầu như tất cả các loại sữa chua có hương vị và sữa chua phủ hoa quả, thậm chí cả các sản phẩm được bán cho trẻ sơ sinh, đều chứa thêm đường, có thể gây sâu răng và béo phì. Hướng dẫn của USDA (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) khuyến nghị trẻ em dưới 2 tuổi không nên ăn thêm đường trong chế độ ăn của mình. Chọn sữa chua không đường là cách dễ nhất để tránh thêm đường.
Sữa chua có hoa quả chứa nhiều đường, chất béo và calo dễ khiến trẻ bị thừa cân và tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Tốt nhất cho trẻ ăn sữa chua tự làm hoặc sữa chua tự nhiên. Nếu trẻ không thích sữa chua thông thường không nên thay thế bằng sữa chua có hương vị.
3. Ngũ cốc có đường
Ngũ cốc dạng mảnh, muesli và các loại thực phẩm tương tự khác được quảng cáo là bữa sáng tốt nhất chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Trên thực tế, nhiều thực phẩm lại chứa đường. Các thành phần lành mạnh như ngô, lúa mì và yến mạch dễ bị hao hụt chất dinh dưỡng trong quá trình sản xuất và chỉ còn lại carbohydrate. Những thực phẩm này không làm thỏa mãn cơn đói và trẻ dễ mau đói. Thay thế ngũ cốc ăn sáng bằng yến mạch, thêm trái cây và các loại hạt giúp bữa sáng ngon hơn và lành mạnh hơn.
4. Đồ uống bổ dưỡng
Nếu đọc kỹ thành phần của một số loại đồ uống bổ dưỡng phổ biến dành cho trẻ em, sẽ thấy lượng đường của loại đồ uống này. Những thức uống này được cho là có thể tăng cảm giác thèm ăn, chiều cao và cân nặng ở trẻ em nhưng cần chú ý đến lượng đường kết hợp với hóa chất và chất bảo quản. Hãy chọn những bữa ăn tươi nấu tại nhà để cung cấp các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho con bạn.
5. Vitamin tổng hợp
Bất kể vitamin có hình dạng động vật được quảng cáo là vô hại như thế nào, trẻ em chỉ nên dùng vitamin đã được bác sĩ kê đơn. Tốt nhất là trẻ em nên nhận được các vitamin cần thiết từ thực phẩm qua chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, đủ chất hàng ngày.
6. Sữa lắc
Sữa lắc thường cho một ít kem vào sữa, xay trong máy xay sinh tố. Thường xuyên uống sữa lắc cũng nguy hiểm như soda vì hàm lượng đường và chất béo cao. Uống đồ uống có chất béo liên tục có thể dẫn đến phát triển các bệnh tim mạch.
7. Đồ ăn vặt từ trái cây
Đồ ăn vặt từ trái cây chứa nhiều đường, xi-rô ngô có hàm lượng fructose cao, màu nhân tạo và chất bảo quản, được làm ngọt bằng nước trái cây và chứa rất ít trái cây thực sự. Chúng bám vào răng trẻ em và gây sâu răng. Hãy chọn trái cây tươi cho trẻ.
8. Kẹo và kẹo mút
Đây cũng chỉ là đường, màu nhân tạo, chất bảo quản và hương vị. Lượng đường này nằm trong miệng trong thời gian dài và tăng nguy cơ sâu răng.
9. Mì ống và mì sợi đóng gói
Mì ống và mì sợi đóng gói có nhiều natri trong một khẩu phần ăn hơn mức khuyến nghị cho trẻ trong cả một ngày. Chúng được làm từ bột tinh chế, thiếu chất xơ và chất dinh dưỡng. Hãy chọn mì ống nguyên cám thay thế và nấu với nước sốt rau tự làm sẽ ngon và lành mạnh hơn nhiều.
10. Mật ong
Trẻ em dưới một tuổi không nên dùng mật ong. Mật ong có thể chứa bào tử vi khuẩn gây ngộ độc thịt.
Cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần lưu ý, ăn các loại thực phẩm trên thường xuyên sẽ khiến vị giác của trẻ quen với lượng đường/natri cao. Về lâu dài, những thứ này có thể gây hại. Đồ ngọt là món tráng miệng và không nên thay thế thức ăn thông thường, vì vậy hãy cho trẻ ăn các loại thực phẩm nguyên chất giàu chất xơ, ít đường và muối.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Thực hư việc uống nước ngọt làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan?