Bị rắn lục cắn khi đi phát rừng, chị Cháng Thị T. (18 tuổi, Vị Xuyên, Hà Giang) rơi vào tình trạng “thập tử nhất sinh”. May mắn thay, bệnh nhân (BN) đã được các bác sĩ của Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cứu sống với số lần thay huyết tương (PEX) kỷ lục – 10 lần. Tổng số máu và chế phẩm truyền cho bệnh nhân gần 46 lít. Đây được coi là giải pháp tình thế lần đầu tiên áp dụng cho BN nguy kịch vì rắn lục cắn do không có huyết thanh kháng nọc để điều trị đã mang lại kết quả tốt.
Suýt chết vì rắn cắn
Bệnh nhân Cháng Thị T. với vết rắn lục cắn sưng nề, hoại tử, lan xa. |
Trong lúc đi vào rừng (ngày 31/5/2013), chị Cháng Thị T. bất ngờ bị một con rắn màu xám lao ra cắn vào cánh tay trái. Khoảng một giờ sau, khi thấy cánh tay bắt đầu sưng nề, đau buốt, chảy máu tại chỗ cắn, chị T. mới vào BV Đa khoa tỉnh Hà Giang. Tại đây, BN được điều trị kháng sinh, truyền dịch, giảm đau… nhưng không đỡ nên đã được chuyển dến Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) điều trị ngày 1/6. Lúc vào viện, BN rơi vào tình trạng mệt xỉu, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt. Đặc biệt, BN xuất huyết nhiều nơi, tại chỗ cánh tay trái nhiều mảng xuất huyết kèm phỏng nước, hoại tử; sưng nề toàn bộ tay trái lan lên vai và ngực trái. Mạch 170 l/p; Huyết áp 95/40 mmHg; SpO2 94%; Tim nhịp nhanh, phổi không ran, không có liệt cơ - giãn đồng tử, dấu hiệu khu trú.
Kết quả xét nghiệm máu rất đáng lo ngại, hồng cầu giảm mạnh 1,25 triệu/l (bình thường khoảng 4 triệu/l). Test đông máu tại giường 180 phút không đông... Do đó, các bác sĩ chẩn đoán, BN bị rối loạn đông máu nguy kịch do rắn lục cắn.
Tổn thương tại chỗ (ngày 1 và sau điều trị ngày 12). |
TS. Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết: “Với BN này cần có huyết thanh kháng nọc gấp để trung hòa nọc độc của rắn. Tuy nhiên, do chưa có loại huyết thanh kháng nọc cho loại rắn lục này nên Trung tâm Chống độc đã quyết định thay huyết tương phối hợp với các biện pháp hồi sức chống độc tích cực toàn diện, kết quả là đã cứu sống cho BN”.
Truyền gần 46 lít máu và chế phẩm cứu bệnh nhân
Nhờ được thay huyết tương và điều trị chăm sóc tích cực nên dù chức năng sống của BN bị đe dọa ngay từ lúc vào viện nhưng tình trạng bệnh tiến triển dần và đến ngày điều trị thứ 12, BN đã gần như phục hồi hoàn toàn. Nói về quá trình điều trị cho BN, ThS. Lê Quang Thuận cho biết, trong vòng 6 ngày điều trị đầu tiên, rối loạn đông máu hầu như không cải thiện dù được thay huyết tương liên tục 2 lần/ngày (5 cuộc thay huyết tương trong vòng 70 giờ). Đến cuộc PEX lần thứ 6, tình trạng rối loạn đông cầm máu mới có biểu hiện cải thiện nhưng trong tình trạng bấp bênh và tiếp tục tái xuất hiện. Tiếp tục thay huyết tương đến lần thứ 10 thì tình trạng rối loạn đông máu giảm nhẹ hẳn nên không phải thực hiện thay mà chỉ truyền bổ sung huyết tương tươi, BN tiếp tục hồi phục dần.
Sức khỏe bệnh nhân ổn định sau 12 ngày hồi sức chống độc. |
Sau 12 ngày hồi sức chống độc, BN được thay huyết tương 10 lần với tổng số huyết tương được lấy ra là 24,2 lít và số này được thay bằng 24,2 lít huyết tương tươi từ ngân hàng máu. Ngoài ra, trước và sau giai đọan thay huyết tương, BN còn được truyền thêm nhiều máu và các chế phẩm máu như: khối hồng cầu, huyết tương giầu tiểu cầu, crio….. Tổng cộng số lần cả thay và truyền máu cùng các chế phẩm khác, BN đã được tiếp 45,7 lít.
“Tần suất thay huyết tương đã được thực hiện 8-12 giờ/cuộc trong giai đoạn nguy kịch, 12-24 giờ/cuộc trong giai đoạn nguy hiểm và cho tới khi prothrombin, tiểu cầu tự hồi phục. Tuy nhiên, do đây là BN đầu tiên được cứu sống bằng phương pháp này nên chúng tôi sẽ tiếp tục có những nghiên cứu thêm về thay huyết tương cho điều trị rối loạn đông máu do rắn lục cắn...”- ThS. Thuận cho biết thêm.
TS. Phạm Duệ khuyến cáo, nếu chẳng may bị rắn độc cắn cần sơ cứu ngay, sau đó chuyển BN đến BV điều trị. Người thân cần động viên BN yên tâm, đỡ lo lắng, không để BN tự đi lại. Bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn). Cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề. Áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường) để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt. Đặc biệt lưu ý, không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm. Vận chuyển BN bằng phương tiện đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động. Nếu BN khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay...). Không nên mất thời gian đi tìm thầy lang thuốc lá nhưng nếu có sẵn các bài thuốc cổ truyền thì vẫn nên dùng và ngay sau đó phải đưa BN đến viện càng sớm càng tốt.
Dương Hải