10 kỹ thuật cao y tế năm 2012

07-02-2013 08:00 | Tin nóng y tế
google news

Những tiến bộ trong chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ Việt Nam thời gian gần đây làm cho bè bạn năm châu phải thán phục... Báo Sức khỏe&Ðời sống xin giới thiệu 10 kỹ thuật cao nổi bật trong năm 2012.

Những tiến bộ trong chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ Việt Nam thời gian gần đây làm cho bè bạn năm châu phải thán phục. Chính từ những đột phá đó mà Việt Nam đã trở thành điểm đến để nhiều chuyên gia ghép tạng và ngoại khoa của các nước trên thế giới sang học tập về kỹ thuật mổ nội soi, mổ vi phẫu, ghép tạng... Báo Sức khỏe&Ðời sống xin giới thiệu 10 kỹ thuật cao nổi bật trong năm 2012.

1. Phẫu thuật cột sống bằng robot: Viện Chấn thương Chỉnh hình, BV Việt Đức đã thực hiện phẫu thuật cột sống bằng robot định vị chính xác. Đây là BV đầu tiên trong nước và trong khu vực Đông Nam Á ứng dụng công nghệ cao này. Đã có gần 20 bệnh nhân bị bệnh lý cột sống được phẫu thuật bằng robot trong tháng 12 vừa qua. Kết quả phẫu thuật bằng robot có độ chính xác cao (98,3%), giảm nguy cơ phải mổ lại, bệnh nhân mất máu ít hơn, ít sẹo hơn, ít đau hơn, thời gian hồi phục nhanh hơn.

2. Ca ghép thận cho bệnh nhân có 2 thận dị dạng (hình móng ngựa) đã được thực hiện thành công tại BV Trung ương Huế vào ngày 10/7/2012. Đây là trường hợp bị cắt nhầm 2 quả thận tại BVĐK Cần Thơ ngày 6/12/2011. Theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, bệnh nhân đã được chuyển đến Huế để điều trị và chờ ghép thận. Sau 8 tháng điều trị và trải qua 10 lần mổ, sự sống của bệnh nhân Hứa Cẩm Tú đã hồi sinh. Ca ghép đã đi vào lịch sử ngành ghép thận khi phải mổ liên tiếp 10 lần để điều chỉnh các thông số trong cơ thể bệnh nhân Tú không tương hợp.  

10 kỹ thuật cao y tế năm 2012 1
Bộ trưởng Bộ Y tế thăm bệnh nhân ghép 2 thận tại BV Trung ương Huế. Ảnh: Xuân Hồng.

3. Ca ghép gan cho bệnh nhi suy gan tối cấp ở BV Nhi Trung ương. BV Nhi Trung ương vừa thực hiện thành công ca ghép gan thứ 3 cho bệnh nhi Ngô Quang Đ., 4 tuổi, ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Người cho gan là mẹ đẻ của bé. Bệnh nhi được xác định suy gan tối cấp chưa rõ nguyên nhân, hôn mê gan độ II-III và được chỉ định lọc gan nhân tạo để làm bước đệm tái sinh gan trước khi ghép. Bệnh nhi tỉnh và tự thở lại, được rút ống nội khí quản, bé ăn uống được bình thường, chức năng khối ghép ổn định.

4. Triển khai thành công kỹ thuật Hybrid (cùng lúc phẫu thuật và can thiệp tim mạch) trên một bệnh nhân 78 tuổi bị phồng quai động mạch chủ do các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tim mạch lồng ngực, BV Việt Đức và Trung tâm Tim mạch, BV Đại học Y Hà Nội phối hợp thực hiện tại BV Việt Đức. Đây cũng là lần đầu tiên kỹ thuật Hybrid đặt stent quai động mạch chủ được thực hiện thành công tại Việt Nam. Có thể nói, kỹ thuật Hybrid mở ra một triển vọng mới cho chuyên ngành tim mạch Việt Nam thực hiện được các ca mổ phức tạp: can thiệp - phẫu thuật đồng thời, ngang tầm như các trung tâm tim mạch lớn trong khu vực và trên thế giới.

10 kỹ thuật cao y tế năm 2012 2

5. Thay van tim qua da: Lần đầu tiên tại Việt Nam, các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, BV Đại học Y Hà Nội đã thực hiện thành công thay van động mạch chủ qua da cho một bệnh nhân 79 tuổi, bị suy tim nặng. Thành công này đánh dấu bước tiến mới trong lĩnh vực can thiệp tim mạch, mở ra hướng điều trị hiệu quả cho những bệnh nhân mắc bệnh lý van động mạch chủ nhưng không thể phẫu thuật, một lần nữa khẳng định trình độ và sự vươn lên không ngừng của các bác sĩ Việt Nam trong hành trình chinh phục các kỹ thuật đỉnh cao, tiến lên cùng thế giới.

6. Bệnh viện Việt Đức là nơi đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam thực hiện ghép nhiều tạng (tim, gan, thận) cùng lúc từ một người cho chết não. Để có thành công này, ngoài trình độ và tay nghề của các bác sĩ luôn đi đầu nắm bắt và làm chủ các kỹ thuật tiên tiến là nỗ lực của một tập thể đoàn kết, sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các chuyên khoa (gan mật, tim mạch, tiết niệu, gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh...). Nếu như ghép tạng từ người cho sống có sự chuẩn bị đầy đủ trước đó vài ngày thì với người cho chết não, quá trình chuẩn bị chỉ được phép diễn ra trong ngày. PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV cho biết: Trước khó khăn thách thức về nguồn tạng ghép, BV chủ trương ghép nhiều tạng cùng lúc từ người cho đa tạng để sử dụng tối đa nguồn tạng hiến. Trong năm 2012, BV đã 4 lần tiến hành ghép đa tạng cùng lúc từ một người cho chết não.

7. Ca nối tai vi phẫu đầu tiên: Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện thành công ca nối tai vi phẫu cho một bệnh nhân nam bị cắt đứt rời một bên tai. Đây là ca bệnh hy hữu không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Hai kíp mổ đặc biệt tiến hành song song: kíp phẫu thuật trên tai đứt rời: dùng kính hiển vi phẫu thuật, soi tìm mạch máu nào có thể nối được ở phần tai bị đứt; kíp thứ hai phẫu tích và tìm mạch máu tại vùng gốc tai và thái dương bệnh nhân quanh chỗ tai, rồi đưa tai đứt rời ghép nối với cơ thể. Trong hơn 7 giờ phẫu thuật, bệnh nhân luôn được các bác sĩ gây mê hồi sức dùng thuốc chống đông máu, đồng thời truyền máu để bù số máu chảy ra ở vùng tai. Ca mổ thành công ngoài dự kiến.

8. Bệnh viện Bạch Mai đã ứng dụng thành công quy trình tách tế bào gốc từ mô mỡ tự thân để điều trị bệnh thoái hóa khớp. Đây thực sự là tin vui cho người bệnh thoái hóa khớp, mở ra một triển vọng mới trong điều trị bệnh lý vốn được coi là mạn tính này. BV Bạch Mai cũng là nơi đầu tiên trong cả nước được Bộ Y tế cấp giấy phép cho 2 quy trình: sản xuất tế bào gốc mô mỡ tự thân và điều trị thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc mô mỡ tự thân.

10 kỹ thuật cao y tế năm 2012 3

9. Ca ghép tế bào gốc đồng loại điều trị ung thư máu giai đoạn cuối. Viện Huyết học và Truyền máu TW đã ghép tế bào gốc đồng loại thành công cho bệnh nhân Hoàng Thị Diệu Thuần bị ung thư máu giai đoạn cuối và bị viêm gan C từ người anh trai có chỉ số tương đồng chưa lý tưởng (chỉ đạt 5/6 allen so với quy định chỉ số này phải là 6/6 allen). Thành công này đã mở ra hy vọng cho nhiều bệnh nhân bị ung thư máu có chỉ số tương đồng giữa người cho và người ghép chưa tuyệt đối.

10. Sản phụ thay van tim đã vượt cạn thành công tại Bệnh viện E Trung ương. Sản phụ Nguyễn Thị Thanh Hoa 28 tuổi, bị thấp tim, mổ tim 2 lần (mổ sửa chữa và thay van tim). Sau 7 tháng được thay van tim, bệnh nhân đã có thai. Quá trình 9 tháng mang thai, sản phụ hoàn toàn khỏe mạnh. Tháng cuối, sản phụ được theo dõi chờ sinh tại Khoa Sản, Bệnh viện E. Đây là ca thay van tim đầu tiên ở nước ta đã mang thai và sinh đẻ an toàn.
 
10 kỹ thuật cao y tế năm 2012 4

SK&ĐS bình chọn


Ý kiến của bạn