Vấn đề khó ở đây, do có nhiều thành viên cùng ở trong một ngôi nhà, lại thường đóng kín các cửa nhằm tránh gió lạnh…, chỉ mới chừng đó bạn đã thấy nguy cơ lây nhiễm các virus, vi khuẩn gây bệnh hô hấp luôn hiện hữu.
Vậy cách nào hiệu quả nhất, nhằm tránh lây cho các thành viên đang khỏe mạnh, nhưng lại sống chung với người đang cảm cúm, nhiễm siêu vi trong cùng một ngôi nhà. Có các cách cơ bản mang tính nguyên tắc sau:
1. Rửa tay nhiều lần trong ngày
Ngoài tất cả những lần bạn nên rửa chúng, chẳng hạn như sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn, bạn cũng nên rửa tay bất cứ khi nào bạn chạm vào những thứ mà các thành viên gia đình bị bệnh đã chạm vào. Nếu bạn không có sẵn xà phòng và nước, và tay của bạn không bị bẩn rõ ràng, hãy sử dụng gel khử trùng khô hoặc khăn lau tay sát trùng.
2. Không gắp chung thức ăn, không dùng chung cốc uống nước hoặc dụng cụ ăn uống
Tốt nhất, nên ăn cơm dĩa riêng hoặc mâm riêng, không gắp chung thức ăn. Tuyệt đối không dùng chung cốc uống nước của người bệnh.
Đảm bảo tất cả bát đĩa, đũa muỗng, dao thớt... được rửa sạch sau khi sử dụng. Cần rửa sạch bát đĩa, đũa muỗng…bằng nước nóng và xà phòng sau khi sử dụng. Nếu có điều kiện, nên trang bị máy rửa chén bát, vừa rửa sạch chén bát, đũa muỗng, dao thớt... vừa sấy khô rất tiện lợi vào mùa lạnh ẩm. Đũa muỗng, dao thớt, dụng cụ làm bếp…lên mốc là nguồn lây bệnh tiềm ẩn cho cả nhà.
3. Tránh chạm tay vào khuôn mặt của bạn, không chung phòng với người ốm
Virus, vi trùng dễ dàng di chuyển từ tay bị bẩn vào mắt, mũi hoặc miệng của bạn. Vì vậy, cần tránh chạm tay vào mặt. Nếu bạn đang ngủ chung với người bị ốm, có lẽ tốt nhất là nên ngủ riêng phòng. Nếu không có phòng ngủ riêng, ít nhất hãy cố gắng ngủ quay mặt về hướng ngược lại và thường xuyên giặt chăn ga trải giường bằng nước nóng hoặc đeo khẩu trang khi ngủ.
4. Tránh hôn và ôm người bị bệnh
Cảm cúm và nhiều bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác lây lan qua đường truyền giọt bắn. Về cách lây lan bệnh, virus và vi trùng sống bám vào niêm mạc mũi và đường hô hấp, sẽ lây lan qua nước bọt và nước mũi, hôn hoặc tiếp xúc gần có thể khiến bạn tiếp xúc với nguồn lây.
5. Tránh cầm các các thiết bị, đồ vật mà người bệnh đã cầm nắm
Bạn cần lưu ý rằng, hầu hết mọi thứ mà một thành viên trong gia đình bị bệnh chạm vào, chẳng hạn như thiết bị điều khiển từ xa, máy điện thoại…đều có thể có virus, vi trùng trên đó. Một số loại virus gây bệnh có thể sống trên đồ vật trong nhiều ngày, vì vậy cần phải làm sạch kỹ lưỡng mọi thứ mà các thành viên trong gia đình có thể dùng chung.
6. Không dùng chung khăn, bàn chải với người bệnh
Bạn có thể có khăn lau mặt, khăn tắm riêng cho mỗi người. Nhưng bạn dễ tiếp xúc nguồn lây khi dùng khăn lau tay chung.
Cũng không dùng chung bàn chải đánh răng, không để bàn chải đánh răng gần nhau. Rõ ràng, rất ít người dùng chung bàn chải đánh răng, nhưng bạn cũng cần lưu ý không để bàn chải đánh răng của bạn tiếp xúc với bàn chải đánh răng của người bệnh.
7. Lưu ý đến chế độ ăn để tăng sức đề kháng
Cần có một chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng, giữ đủ nước và nghỉ ngơi đầy đủ. Ưu tiên làm ấm và tăng đề kháng
Thật khó để làm những điều đó khi đang chăm con ốm hay nhiều người cùng mắc bệnh trong một ngôi nhà, nhưng hãy cố gắng duy trì những thói quen ăn uống tốt nhất có thể để cơ thể không bị suy nhược.
Có thể cân nhắc ăn thêm tỏi, hành và các gia vị, uống mật ong pha gừng…giúp làm ấm và tăng đề kháng. Cụ thể, nên ăn tỏi, hành, ớt…giúp làm ấm và tăng đề kháng cơ thể trong những ngày lạnh ẩm. Uống mật ong pha gừng với nước ấm cũng là một biện pháp giúp tăng đề kháng.
8. Dạy con bạn tuân theo những thói quen lành mạnh
Trẻ em mang tất cả các loại virus, vi trùng từ trường học hoặc nhà trẻ về nhà, sau đó lây lan cho các thành viên khác trong gia đình. Dạy trẻ các thói quen tốt cho sức khỏe có thể giúp giảm bớt bệnh tật trong gia đình bạn.
Cần làm sạch đồ chơi mà trẻ bị bệnh đã chơi một cách kỹ lưỡng và thường xuyên. Rửa sạch bằng xà phòng dưới vòi nước đang chảy các đồ chơi mà trẻ bị bệnh đã sử dụng, dùng khăn sạch lau khô hoặc phơi nắng khi có thể.
Khi ho hoặc hắt hơi đúng cách và vứt bỏ khăn giấy bẩn ngay sau khi sử dụng. Ho hoặc hắt hơi vào khăn giấy hoặc khuỷu tay của bạn, không phải bàn tay của bạn. Điều này sẽ giúp giảm thiểu khả năng bạn truyền virus, vi trùng qua giọt bắn hoặc khi chạm vào các đồ vật xung quanh nhà. Để khăn giấy bẩn xung quanh có thể giúp lây lan virus, vi trùng xung quanh nhà của bạn.
9. Giữ khoảng cách với người ốm và vệ sinh sạch nhà ở
Khi gia đình có người ốm cần cân nhắc việc đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc gần người bệnh khi có thể nhất là người dễ lây bệnh và phải tiếp xúc gần với người bị cảm, chẳng hạn như em bé hay người già mà bạn cần chăm sóc.
Cố gắng giảm thiểu thời gian dành cho các thành viên trong gia đình đang bị cảm cúm và giữ khoảng cách tối thiểu khi bạn ở trong cùng một phòng để tránh lây bệnh. Vệ sinh nhà cửa thông thoáng, tránh ẩm nhưng đủ ấm, vệ sinh lau chùi sạch sẽ.
Không để gió lạnh lùa vào nhà, nhưng cũng phải giữ thông thoáng tối thiểu. Nếu có thể, nên dùng máy hút ẩm khi trời ẩm, dùng máy sưởi phòng ngủ khi trời quá lạnh. Thường xuyên lau chùi nhà cửa, các bề mặt...hạn chế phát triển và nơi trú ngụ của mầm bệnh.
10. Giữ vận động cơ thể và thể dục hàng ngày, tiêm phòng cúm
Dù trời lạnh rét khó đi ra ngoài, nhưng bạn cũng cần giữ vận động, thể dục đi bộ, yoga… trong nhà nhằm tăng đề kháng cho cơ thể.
Điều cuối cùng như một biện pháp phòng ngừa, hãy tiêm phòng cúm hàng năm. Trong đó, ưu tiên tiêm phòng vaccine cúm cho người cao tuổi, người có nhiều bệnh nền, trẻ nhỏ…
Mời độc giả xem thêm video:
Cúm A: 7 Loại Gia Vị Hỗ Trợ Điều Trị