Hà Nội

10 điều bệnh nhân hay "nói dối" bác sĩ

13-04-2015 16:05 | Y học 360
google news

SKĐS - Nói dối bác sỹ hay không kể hết về thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống hay tiền sử bệnh tật có thể cướp đi cơ hội được chữa khỏi bệnh.

Xu hướng kiểm tra sức khỏe định kỳ không còn quá mới lạ với mỗi người. 90% bệnh lý có nguy cơ tiềm ẩn sẽ được phát hiện sớm khi bạn lên lịch trình thường xuyên cho việc kiểm tra sức khỏe. Những bệnh lý như cao huyết áp, đái tháo đường, cholesterol cao, bệnh về tim mạch, gan, khớp,... và một số căn bệnh ung thư đều có thể được chẩn đoán qua việc xét nghiệm, khám sức khỏe.

Đó không chỉ là một việc làm khoa học còn là trách nhiệm với sức khỏe của bản thân. Nhưng không phải ai cũng “thành thật” khi được hỏi về thói quen sinh hoạt của bản thân. Bạn nghĩ điều đó không quan trọng nhưng nó thực sự đang tác động tiêu cực rất nhiều đến kết quả sức khỏe của mình. 10 điều “giấu kín” sau đây khá phổ biến trong quá trình kiểm tra sức khỏe.

1. “Tôi bỏ thuốc vài tháng trước”

Một nghiên cứu được đăng trên trang sức khỏe Health Education & Behavior (Giáo dục Sức khỏe&Hành vi) cho biết cứ 10 người được hỏi thông tin về thói quen hút thuốc sẽ có 1 người không “thành thật”. Cung cấp sai thông tin hay không kể chi tiết về thói hút thuốc của mình sẽ khiến bác sỹ khó khăn xây dựng một pháp đồ cai nghiện thuốc lá hay trở ngại trong quá trình điều trị.

Bác sỹ Y khoa Michael Guttenberg - Chủ tịch Y Khoa cấp cứu tai Bệnh viên Forest Hills của Tổ chức Y tế North Shore – LIJ, New York cho biết khi bác sỹ nắm rõ thông tin về một bệnh nhân hút thuốc lá bị viêm phế quản sẽ vạch ra pháp đồ điều trị hiệu quả hơn, và cũng đưa ra những lời khuyên cho những người không hút thuốc để tránh những tác hại của thuốc lá gây ra. Tác hại của thuốc lá đối với cơ thể con người sẽ ngấm dần vào trong cơ thể, phá hủy cơ chế miễn dịch. Hút thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ, mắc bệnh tim, bệnh phổi và các bệnh lý liên quan đến sức khỏe. Vì thế, đừng ngần ngại trả lời đúng những câu hỏi về thói quen hút thuốc mà bác sỹ cần biết.

2. “Rất ít khi uống rượu, bia”

Một chế độ uống rượu lành mạnh và hợp lý đều được khuyến khích nhất là rượu vang đỏ. Nhưng cũng khá nhiều trường hợp khi được hỏi đến vấn đề uống rượu đều trả lời không chi tiết. Bạn cần phải biết rằng uống quá mức cho phép ví dụ như một ly rượu với nữ và hai ly rượu với nam sẽ dẫn đến giảm tuổi thọ.

Bác sỹ Y khoa Nieca Goldberg – Giám đốc Y tế Trung tâm sức khỏe phụ nữ Tisch Joan H. thuộc Trung tâm Y tế Langone NYU, New York cảnh báo “Uống quá nhiều rượu sẽ gây tăng cân, dấu hiệu bất thường ở gan”. Kể cả bạn có nói chính xác hay không thì các bác sỹ vẫn sẽ kiểm tra được thông qua kết quả khám bệnh. Tại sao lại lãng phí thời gian vào việc “nói dối”, chưa kể nếu nói đúng thì sẽ có những can thiệp sớm đến những căn bệnh đang chuẩn bị “mọc rễ” trong người bạn.

3. “Chăm chỉ luyện tập thể dục

Chế độ tập thể dục cũng là điều quan trọng khi cung cấp thông tin với các bác sỹ. Bạn đừng lầm tưởng rằng dù không tập thể dục nhưng trả lời “có” thì cũng không có ảnh hưởng gì. Tiến sỹ Goldberg đưa ra các lời khuyên về việc thường xuyên tập các bài thể dục “cho dù bạn có một chế độ ăn hoàn hảo nhưng lại lười vận động thì mọi thứ cũng không có ý nghĩa gì”.

Hoạt động về thể chất là một trong những điều quan trọng nhất đối với mỗi người. Biết cách kếp hợp giữa chế độ ăn và những bài tập thể dục sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, khi mà công việc văn phòng đòi hỏi bạn phải ngồi hàng giờ. Nếu như quá bận để tham gia những bài tập thể dục, đến các câu lạc bộ thể thao thì chỉ cần mỗi ngày đi bộ từ 15- 20 phút cũng được coi là bài tập thể dục hiệu quả.

4. “Chắc chắn chỉ uống thuốc theo đơn”

Khi tham gia vào đợt khám sức khỏe định kỳ, dù đang điều trị căn bệnh gì, uống thuốc theo đơn hay tự mua thuốc, bạn cũng nên nói rõ với các bác sỹ. Thuốc giống như con dao hai lưỡi vậy. Nó có thể dẫn đến những bệnh đột quỵ, huyết áp cao, đau tim,.. và nhiều bệnh lý liên quan đến thuốc.

Mỗi loại thuốc đều có những đặc tính riêng của nó. Nếu bạn đưa ra đầy đủ những thông tin về các loại thuốc đang dùng, các bác sỹ sẽ cung cấp cho bạn một cách điều trị đúng hướng, và tránh tình trạng kết hợp nhiều loại thuốc gây ra phản ứng phụ nguy hiểm cho sức khỏe

5. “Hoàn toàn không bỏ qua các loại thuốc trong đơn”

Tình trạng bệnh nhân bỏ một số loại thuốc trong đơn hoặc ngưng đợt thuốc mà bác sỹ cung cấp không hề hiếm. Dù gặp bất cứ vấn đề gì khiến bạn ngừng đơn thuốc hoặc không sử dụng một số loại thuốc trong đơn cũng nên nói rõ cho bác sỹ. Đừng ngần ngại chia sẻ những mối lo mà bạn gặp phải khỉ sử dụng đơn thuốc.

Bác sỹ cần phải nắm rõ những điều bạn băn khoăn về từng loại thuốc như tác dụng, cách sử dụng,.. Kể cả những tác dụng phụ dù nhẹ nhất khi sử dụng thuốc. Chỉ khi bạn thẳng thắn trao đổi với bác sỹ về những thông tin dù tốt hay không tốt khi sử dụng một loại thuốc, điều đó sẽ rất có lợi khi điều chỉnh đơn thuốc sao cho hợp lý nhất.

6. “Tôi ăn uống có khoa học”

Ai cũng biết ăn uống không đúng cách, không hề điều độ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của chính bản thân. Nhưng lại không hề nói về chế độ ăn của mình khi bác sỹ hỏi. Điều đó sẽ gây khó khăn trong quá trình chẩn đoán sức khỏe của bạn.

Ví dụ như một bệnh nhân mắc tiểu đường loại 2 thì khẩu phần ăn phải phù hợp với các triệu chứng của căn bệnh như mỗi ngày ăn khoảng 400gr rau và trái cây tươi, tránh xa các loại đồ ngọt bánh kẹo, nước có ga, rượu,... Vì thế hãy cung cấp đầy đủ thông tin về chế độ ăn uống của bạn.

7. “Gặp vấn đề chăn gối? Không đời nào”

Những câu hỏi liên quan đến vấn đề quan hệ tình dục trong đời sống đều khá nhạy cảm khi bạn được hỏi. Đại đa số sẽ trả lời đại khái, thậm chí không đưa ra những điều chi tiết. Nhưng bạn có biết rằng chính những điều giấu diếm đó có thể dẫn đến những căn bệnh đáng sợ lây qua đường tình dục không?

Tiến sỹ Guttenberg nói rằng: “Khi bạn cung cấp cho chúng tôi những thông tin chính xác, đầy đủ thì việc điều trị sớm những căn bệnh liên quan đến tình dục đều có thể thực hiện được”. Hơn nữa nếu đời sống vợ chồng của bạn không hề có “cảm xúc, ham muốn” hoặc thấp hơn bình thường cũng nên chia sẻ với bác sỹ. Một đời sống tình dục lành mạnh cũng là một cách tốt để tăng cường sức khỏe lẫn đời sống tinh thần của bạn.

8. “Căn bệnh này thật khủng khiếp”

Marc I. Leavey, Bác sỹ gia đình tại Trung tâm Y tế Mercy, Baltimore nói rằng có rất nhiều người thường nói quá hoặc giảm nhẹ các triệu chứng bệnh tật. Đó cũng sẽ được coi là một lời nói dối nghiêm trọng. Khi bạn không nói đúng về các triệu chứng bệnh có thể dẫn đến việc làm các xét nghiệm không cần thiết hoặc cản trở các bác sỹ xây dựng một pháp đồ điều trị.

9. “Tôi không xác định được thời gian xảy ra các triệu chứng”

Có khá nhiều người không để ý đến các dấu hiệu bất thường trong cơ thể, cho dù các dấu hiệu đó khá nghiêm trọng. Nhưng thời gian xảy ra các triệu chứng vô cùng quan trọng trong pháp đồ điều trị. Có thể một dấu hiệu diễn ra trong một thời gian không có tính nghiêm trọng bằng một triệu chứng xảy ra chớp nhoáng với cường độ mạnh.

10. “ Gia đình tôi không có bất cứ tiền sử bệnh nào”

Che giấu hay quên bất cứ chi tiết nào về tiền sử bệnh trong gia đình cũng là một cách ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe và tuổi thọ của bạn. Thông thường, một loại bệnh nào đó sẽ có dấu hiệu lặp lại giữa các thành viên trong một gia đình. Về lâu về dài sẽ trở thành “lịch sử” bệnh trong gia đình. Khi các bác sỹ có đầy đủ những thông tin về các căn bệnh mà thành viên trong gia đình bạn đã từng mắc, họ sẽ chú ý hơn về các triệu chứng của bệnh đó và dễ nắm bắt các vấn đề sức khỏe một cách khoa học, chuẩn xác hơn.

Chìa khóa trong bất kỳ mối quan hệ nào kể cả với bác đó chính là sự trung thực. Dù bất cứ thông tin nhỏ nào mà được yêu câu trả lời từ bác sỹ bạn cũng nên chia sẻ thẳng thắn, bày tỏ những quan điểm, suy nghĩ của bản thân. Chính những sự thật đó biết đâu sẽ cứu bạn khỏi một căn bệnh đang chuẩn bị tấn công cơ thể.

Minh Trang (Theo Everyday Health)

 


Ý kiến của bạn