Nếu ho lâu ngày, ho ra máu, có thể bạn đã mắc bệnh ung thư phổi
Ho dai dẳng, khàn giọng
“Hầu hết các cơn ho không phải do ung thư. Tuy nhiên, nếu ho dai dẳng, bạn nên đi khám vì có thể bạn đã mắc bệnh ung thư phổi” - bác sĩ Therese Bartholomew Bevers từ Trung tâm Phòng chống Ung thư Anderson – Mỹ cho biết. Trong trường hợp ho khan kèm máu, các chuyên gia khuyên bạn nên đi chụp X-quang hoặc CT scan để loại trừ khả năng mắc bệnh ung thư.
Có sự khác biệt khi đi ngoài
Nếu việc đi tiêu không dễ dàng như trước đây hoặc phân có dấu hiệu khác thường, đó có thể là dấu hiệu của ung thư ruột kết, bác sĩ Bartholomew Bevers cho biết. Nếu gặp triệu chứng này, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để được nội soi.
Có máu trong nước tiểu
Tương tự, nếu trong nước tiểu có máu, bạn có khả năng mắc bệnh ung thư bàng quang hoặc thận. Tuy nhiên, đây cũng là dấu hiệu của việc nhiễm trùng đường tiết niệu. Các chuyên gia khuyên bạn nên đến bệnh viện kiểm tra xem mình có bị nhiễm trùng hay không, sau đó tìm hiểu các khả năng khác.
Đau dai dẳng không rõ nguyên nhân
“Hầu hết các cơn đau không phải dấu hiệu ung thư nhưng nếu bạn đau đớn trong thời gian dài, nên đi kiểm tra” - bác sĩ Bartholomew Bevers tư vấn. Ví dụ, đau đầu dai dẳng có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư não, đau ngực dai dẳng là dấu hiệu của ung thư phổi, đau nhiều ở vùng bụng có thể là ung thư buồng trứng.
Xuất hiện nhiều nốt ruồi lạ
Không phải tất cả nốt ruồi là dấu hiệu của khối u ác tính nhưng đốm đen mới xuất hiện hoặc một nốt ruồi phát triển thành hình dạng lạ là điều đáng chú ý. Trong trường hợp này, chuyên gia Bartholomew Bevers khuyên bạn cần đến bác sĩ da liều để tầm soát ung thư da.
Vết thương không lành
Nếu bạn có một vết loét suốt 3 tuần vẫn chưa lành, nên nói điều này cho bác sĩ vì đây có thể là dấu hiệu của ung thư biểu mô (carcinoma).
Cháy máu bất ngờ
Chảy máu âm đạo ngoài chu kỳ có thể là dấu hiệu sớm của bệnh ung thư cổ tử cung, trong khi chảy máu từ trực tràng có thể là dấu hiệu ung thư ruột kết, bác sĩ Bartholomew Bevers cho biết.
Sụt cân không rõ nguyên nhân
Nếu trọng lượng bạn sút nhanh không kiểm soát (không phải do bạn tự giảm cân), nên đến bệnh viện kiểm tra vì có khả năng bạn có khối u lành tính hoặc ác tính trên người.
U, bướu lạ
Khi có bất cứ khối u, bướu lạ nào mới xuất hiện trên cơ thể, bạn nên đến bác sĩ ngay. Có thể khối u chỉ là nang lành tính nhưng thỉnh thoảng đó có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư ảnh hưởng các mô nằm sâu dưới da. Ví dụ: U ở ngực là triệu chứng phổ biến của bệnh ung thư vú.
Khó nuốt
Hai bệnh ung thư đứng sau triệu chứng này là ung thư cổ và ung thư thực quản. Những người xuất hiện triệu chứng này sẽ bắt đầu có dấu hiệu thay đổi chế độ ăn uống, thường muốn dùng thức ăn mềm nhiều hơn. Nếu triệu chứng này kéo dài, bạn cần đến bác sĩ để được tư vấn.