Trong mỗi giai đoạn cuộc đời, hệ miễn dịch của cơ thể có những thay đổi khác nhau. Hệ miễn dịch của một em bé khi mới sinh ra còn sơ khai, chưa hoàn chỉnh về cả thành phần và chức năng.
Trải qua quá trình phát triển, trưởng thành, hệ miễn dịch tối ưu nhất ở giai đoạn thanh niên. Khi cơ thể lão hóa, khả năng miễn dịch sẽ dần suy giảm.
Những thay đổi của hệ miễn dịch chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Một chế độ dinh dưỡng đầy đủ là rất quan trọng để đảm bảo cho sự phát triển, duy trì và biểu hiện của các phản ứng miễn dịch.
Các nhà nghiên cứu đã nhận diện một số vi chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng với hệ miễn dịch trong suốt cuộc đời.
1. Nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng theo từng giai đoạn
1.1 Trẻ sơ sinh và trẻ em
Với trẻ sơ sinh, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chính. Trong sữa mẹ cũng có chứa các các thành phần miễn dịch khác nhau như kháng thể IgA, cytokine chống viêm và các vi chất dinh dưỡng khác. Tuy nhiên, hàm lượng vitamin D, kẽm trong sữa mẹ rất thấp và thường không đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ bú mẹ hoàn toàn. Một số vi chất dinh dưỡng hòa tan trong nước và chất béo như vitamin A, vitamin B1, B2, B6, B12, và vitamin C trong sữa mẹ phụ thuộc vào lượng ăn của người mẹ.
Trong thời kỳ cai sữa và những năm đầu đời, cả vitamin A và kẽm đều đóng vai trò chính trong khả năng miễn dịch của trẻ đối với bệnh truyền nhiễm. Mặc dù lượng vi chất trẻ cần thấp hơn so với người lớn, nhưng tình trạng thiếu vi chất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ mầm non vẫn xảy ra.
Trên thế giới, những vi chất thiếu hụt thường gặp nhất ở trẻ là vitamin A, sắt, i-ốt, kẽm. Ngoài ra, do trẻ thường ăn ít các loại rau xanh nên cũng có thể thiếu hụt vitamin C hoặc các vitamin nhóm B.
1.2 Thanh thiếu niên và người trưởng thành
Giai đoạn này cần một lượng đầy đủ tất cả các vi chất dinh dưỡng cho chức năng miễn dịch tối ưu với hàm lượng cao hơn so với trẻ sơ sinh và trẻ em. Đặc biệt do những thói quen sinh hoạt, làm việc ở lứa tuổi này, hệ miễn dịch cần được cung cấp các chất chống oxy hóa (ví dụ như vitamin A, C, E) và các vi chất là thành phần của enzym chống oxy hóa (ví dụ như kẽm, đồng, sắt và selen) để chống lại các stress oxy hóa.
Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng được ghi nhận ở thanh thiếu niên và người trưởng thành thường gặp nhất là vitamin C, D, A, E, axit folic, sắt, kẽm, selen.
1.3 Người cao tuổi
Nhu cầu năng lượng của người cao tuổi thấp hơn so với người trẻ, nhưng nhu cầu vi chất dinh dưỡng lại không có sự khác biệt. Tuy nhiên lượng thức ăn ít đi, khả năng hấp thu của cơ thể kém hơn là một trong các nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt vi chất ở người già.
Vitamin A, C, D, E, sắt, kẽm là những vi chất được báo cáo thiếu hụt thường xuyên nhất. Bên cạnh đó, cơ thể người cao tuổi mất khả năng sản xuất chất chống oxy hóa nội sinh, da ít có khả năng tổng hợp vitamin D hơn góp phần khiến hệ miễn dịch suy giảm.
2. 10 vi chất dinh dưỡng quan trọng với hệ miễn dịch
2.1 Vitamin A
Giúp duy trì tính toàn vẹn về cấu trúc và chức năng của các tế bào niêm mạc trong hàng rào miễn dịch bẩm sinh (như da, đường hô hấp); giúp các tế bào miễn dịch như tế bào tiêu diệt tự nhiên (NK), đại thực bào, tế bào lympho T, lympho B hoạt động một cách bình thường.
Vitamin A có nhiều trong các loại rau củ có màu đỏ, vàng cam như cà rốt, bí đỏ, khoai lang, dưa lưới, hoặc các loại rau ăn lá màu xanh đậm.
2.2 Vitamin C
Là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Ngoài việc chống lại các gốc tự do, vitamin C còn có khả năng tái tạo các chất chống oxy hóa khác như vitamin E, glutathion về trạng thái hoạt động. Vitamin C giúp bảo vệ hàng rào biểu mô thông qua tác dụng thúc đẩy tổng hợp collagen; kích thích sản xuất, hỗ trợ chức năng và khả năng di chuyển của bạch cầu; có vai trò biệt hóa và tăng sinh tế bào lympho, tăng nồng độ protein bổ thể trong huyết thanh…
Vitamin C có nhiều trong các loại trái cây có múi như cam, quýt, bưởi. Ngoài ra, vitamin C cũng rất dồi dào trong rau chân vịt, cải xoăn, ớt chuông, dâu tây, đu đủ hay quả ổi.
2.3 Vitamin D
Thụ thể vitamin D được tìm thấy trong các tế bào miễn dịch tự nhiên. Vitamin D giúp tăng sự biệt hóa bạch cầu đơn nhân thành đại thực bào, kích thích tăng sinh tế bào miễn dịch và sản xuất cytokine giúp bảo vệ chống lại nhiễm trùng.
Vitamin D còn được gọi là vitamin ánh nắng do cơ thể có thể tổng hợp được khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Nguồn thực phẩm tự nhiên chứa vitamin D không có nhiều, thường ở trong các loại cá biển sâu như cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá mòi.
2.4 Vitamin E
Là một chất chống oxy hóa quan trọng hòa tan trong chất béo. Vitamin E giúp bảo vệ tính toàn vẹn của màng tế bào khỏi hư hại do các gốc tự do gây ra, tăng cường các chức năng qua trung gian tế bào T và tăng sinh tế bào lympho.
Vitamin E có nhiều trong các loại thực phẩm thực vật giàu chất béo như lạc, hạt hoa hướng dương, dầu hướng dương, cây rum, dầu đậu nành.
2.5 Vitamin B6
Giúp điều chỉnh các phản ứng viêm của cơ thể, có vai trò trong sản xuất cytokin và hoạt động của tế bào NK. Ngoài ra, vitamin B6 cần thiết cho quá trình tổng hợp và chuyển hóa nội sinh của các axit amin, sản xuất kháng thể, tăng sinh, biệt hóa các tế bào lympho.
Vitamin B6 có thể được lấy từ sữa bò, trứng, gan, cá hồi, cá ngừ…
2.6 Vitamin B12
Vitamin B12 có vai trò duy trì chức năng của các tế bào NK. Nó hoạt động như một chất điều hòa miễn dịch, tạo điều kiện để sản xuất các tế bào lympho. Vitamin B12 tham gia vào cả miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào.
Thực phẩm giàu vitamin B12 là gan động vật, ngao, thịt bò, cá mòi, cá hồi, trứng, sữa…
2.7 xit Folic/ folate
Axit folic hay còn gọi là vitamin B9 là dạng tổng hợp của folate tự nhiên. Axit folic giúp duy trì khả năng miễn dịch bẩm sinh, hỗ trợ phản ứng miễn dịch qua trung gian tế bào.
Hạt đậu, quả bơ, các loại rau lá xanh là những thực phẩm tự nhiên chứa nhiều folate. Ngoài ra trong rất nhiều loại thực phẩm chế biến như mỳ ống, bánh mỳ, sữa cũng được bổ sung thêm axit folic.
2.8 Kẽm
Kẽm là một chất chống oxy hóa, giúp duy trì tính toàn vẹn của da và niêm mạc. Kẽm giúp điều chỉnh sự giải phóng cytokine và gây ra sự tăng sinh tế bào T CD8+. Kẽm có vai trò trung tâm trong tăng trưởng và biệt hóa các tế bào miễn dịch. Kẽm cần thiết cho sự gắn kết nội bào của tyrosine kinase với các thụ thể tế bào và hoạt hóa tế bào lympho T.
Kẽm có nhiều trong các loại hải sản như cua, hàu hay thịt nạc, thịt gia cầm, đậu xanh, sữa chua…
2.9 Sắt
Tham gia vào việc điều chỉnh hoạt động và sản xuất các cytokine. Sắt cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu diệt vi khuẩn bởi bạch cầu trung tính, trong sự biệt hóa và tăng sinh tế bào lympho T. Sắt là thành phần của các enzym quan trọng cho hoạt động của tế bào miễn dịch.
Thịt đỏ, thịt gà, hàu, sò huyết, cá mòi, cá ngừ, cải xoăn, bông cải xanh… là những thực phẩm giàu sắt.
2.10 Selen
Là thành phần của các enzyme phụ thuộc selen (selenoprotein) có thể hoạt động như chất điều hòa oxy hóa khử và chất chống oxy hóa tế bào, có khả năng chống lại các gốc tự do. Selenoprotein ảnh hưởng đến chức năng của bạch cầu và tế bào NK, đồng thời tham gia vào quá trình tăng sinh tế bào lympho T, tham gia sản xuất globulin miễn dịch.
Selen có trong cá ngừ, cá bơn, cá mòi, hoặc trong các loại thịt gia cầm, gan động vật, phô mai.
Mời độc giả xem thêm video:
Tăng sức khỏe cho F0 tại nhà