Hà Nội

10 chấn thương hay gặp khi chạy bộ

03-09-2023 06:45 | Bài tập khỏe đẹp

SKĐS - Chạy bộ là môn thể thao đơn giản, vừa sức, dễ thực hiện và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, luyện tập quá sức, chạy bộ cũng có thể gây nhưng chấn thương nguy hiểm…

Phòng ngừa chấn thương trong tập luyện thể thaoPhòng ngừa chấn thương trong tập luyện thể thao

SKĐS – Chấn thương thể thao rất khó tránh khỏi đối với người tập luyện thể thao. Vậy có thể phòng ngừa được không?

1. Viêm gân bánh chè

Viêm gân bánh chè là một chấn thương phổ biến do chạy bộ. Viêm gân bánh chè thường xảy ra khi khớp gối hoạt động liên tục, kéo dài hoặc không khởi động kỹ trước khi chạy.

Người tập sẽ cảm thấy đau quanh xương bánh chè, đặc biệt khi lên/xuống cầu thang, ngồi xổm, ngồi gập đầu gối trong thời gian dài…

Người tập gặp chấn thương xương bánh chè cần nghỉ ngơi, chườm đá, tập các bài tập căng cơ, chuyển sang tập các bài tập nhẹ nhàng, có thể sử dụng thuốc giảm đau…

10 chấn thương khi chạy thường gặp - Ảnh 2.

Viêm gân bánh chè là một chấn thương phổ biến do chạy bộ

2. Rạn xương

Rạn xương (gãy xương do mỏi) là vết nứt nhỏ ở xương do các chạy bộ quá lâu không ngừng nghỉ. Gãy xương do mỏi gây đau đớn và khó chịu, thường ảnh hưởng đến cẳng chân, bàn chân, gót chân.

Cơn đau sẽ tăng lên khi hoạt động với các triệu chứng sưng và bầm tím tại vùng xương gãy. Nên nghỉ ngơi cho đến khi vết rạn khỏi hẳn. Có thể dùng các loại thuốc bôi ngoài.

3. Hội chứng căng xương chày

Đây là tình trạng đau dọc mặt trước hoặc trong của xương chày (ống đồng), đôi khi có sưng nhẹ mặt trước, đau tăng khi duỗi ngón chân, bàn chân. Chấn thương này thường gặp khi tăng mức độ luyện tập như chạy quãng đường dài hơn, tăng số ngày chạy…

Nếu không được điều trị kịp thời, lâu dần chấn thương này sẽ khiến người tập có thể đau cả khi không chạy. Nên trang bị giày chạy phù hợp, có lớp đệm lót tốt. Ngoài ra, nên chạy ở mặt đường bằng phẳng, hạn chế bước quá dài.

10 chấn thương khi chạy thường gặp - Ảnh 3.

Hội chứng căng xương chày gây sưng, đau khiến người tập khó vận động.

4. Viêm gân Achilles 

Đây là tình trạng gân Achilles hoạt động quá mức gây quá tải về lực và trọng lực, làm tổn thương vùng gót chân. Gân Achilles là gân lớn nối bắp chân với phía sau gót chân, nơi có ít mạch máu, gồm nhiều sợi collagen nhỏ nên chỉ cần một tác động bất ngờ cũng đủ gây tổn thương gót chân.

Viêm gân Achilles gây đau hoặc rát và cứng ở vùng gân, đặc biệt là vào buổi sáng và khi hoạt động. Viêm gân Achilles thường do sự căng thẳng lặp đi lặp lại đối với gân, chạy quá nhiều, chạy đường dài, chạy nước rút. Trong trường hợp này nên nghỉ ngơi, chườm đá vùng cấn thương, co giãn bắp chân.

5. Căng

Căng cơ thường xảy ra do cơ bắp bị căng quá mức gây tổn thương các cơ phía sau chân. Các cơ ở bắp chân bị căng gây khó chịu, khiến bàn chân, mắt cá chân, đầu gối không thể hoạt động bình thường. Căng cơ khiến người tập đau nhói khi chạy, đi lại khó khăn, sưng khớp, cơn đau kéo dài khi ngừng chạy.

Có thể giảm căng cơ bằng cách nghỉ ngơi, để chân thư giãn, chườm đá và nâng cao chân.

10 chấn thương khi chạy thường gặp - Ảnh 4.

Căng cơ thường xảy ra do cơ bắp bị căng quá mức.

6. Bong gân mắt cá chân

Bong gân mắt cá chân là hiện tượng bị giãn hoặc rách dây chằng quanh mắt cá chân, thường xảy ra khi bàn chân vặn hoặc cuộn vào trong.

Bong gân mắt cá chân thường thuyên giảm khi nghỉ ngơi, chườm đá, nén và nâng cao bàn chân.

7. Viêm cân gan chân 

Cân gan chân là dải mô dày ở lòng bàn chân kéo dài từ gót chân đến các ngón chân. Viêm cân gan chân thường biểu hiện bằng tình trạng đau gót chân nghiêm trọng, đặc biệt là khi bước những bước đầu tiên vào buổi sáng. 

Nguyên nhân thường là chấn thương lên cơ gan bàn chân khiến gân bàn chân bị kéo căng, mất đàn hồi và giảm chịu lực. Để giảm các triệu chứng người tập nên căng bắp chân, nghỉ ngơi, luôn mang giày tốt.

8. Hội chứng đau dải chậu chày

Hội chứng đau dải chậu chày (iliotibial band) là một chấn thương phổ biến ở những người chạy bộ quá mức. Dải chậu chày là dây chằng chạy dọc bên ngoài đùi, từ đỉnh hông đến bên ngoài đầu gối.

Hội chứng này xảy ra khi dây chằng này dày lên và cọ xát vào xương đầu gối, gây viêm, gây đau ở mặt ngoài đầu gối. 

Có thể xử trí bằng cách giảm việc tập thể dục, làm nóng và giãn cơ trước khi tập thể dục, đóng băng khu vực sau khi hoạt động.

9. Viêm bao hoạt dịch

Hoạt dịch giúp bôi trơn hệ thống xương khớp, nuôi dưỡng các sụn khớp trong cơ thể. Tuy nhiên, nếu vận động khớp quá mức sẽ gây quá tải ở vùng khớp gối từ đó dẫn tới viêm bao hoạt dịch.

Người tập sẽ cảm thấy đau nhức, sưng tấy vùng khớp gối, di chuyển khó khăn.

10. Chấn thương liên quan đến nhiệt độ

Chấn thương này thường gặp ở những người chạy bộ ngoài trời quá nắng nóng hoặc quá lạnh. Các chân thương bao gồm: Cháy nắng, kiệt sức do nhiệt, tê cóng, hạ thân nhiệt.

Có thể ngăn ngừa những chấn thương này bằng cách mặc quần áo phù hợp, uống đủ nước và sử dụng kem chống nắng.

Giảm chấn thương khi chạy bộ bằng cách:

  • Mang giày vừa vặn, phù hợp.
  • Thay giày mới khi đã bị mòn.
  • Khởi động và giãn cơ trước khi tập.
  • Không đột ngột tăng quãng đường chạy.
  • Nghỉ ngơi phù hợp.
  • Nếu có chấn thương cần đi khám sớm để được xử lý kịp thời, tránh tổn thương nặng thêm.

Xem thêm video đang được quan tâm:

8 thói quen đơn giản nên thực hiện để có trái tim khỏe mạnh

BS. Nguyễn Trọng Thủy
Ý kiến của bạn