10 câu hỏi thường gặp liên quan đến trào ngược dạ dày thực quản

19-05-2024 13:52 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh lý tiêu hóa phổ biến ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị. Tuy nhiên trên thực tế còn có nhiều người bệnh chủ quan với căn bệnh này.

1. Trào ngược dạ dày thực quản có nguy hiểm không?

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là tình trạng dịch và thức ăn trong dạ dày trào ngược lên vùng thực quản, họng, thậm chí là miệng và gây ra các triệu chứng như: ợ nóng, ợ chua, buồn nôn, đau tức, nóng rát ngực, viêm họng...

Nếu không điều trị dễ gây nên các biến chứng như viêm loét thực quản, hẹp thực quản, thậm chí là ung thư thực quản. Thời gian mắc bệnh càng dài, triệu chứng xuất hiện thường xuyên và nghiêm trọng, nguy cơ biến chứng sẽ cao hơn.

Đối với người có mắc các bệnh lý khác như: hen suyễn, viêm phổi, viêm loét dạ dày, GERD làm trầm trọng thêm các bệnh lý này.

2. Các biến chứng thường gặp do trào ngược dạ dày thực quản

Biến chứng nguy hiểm của GERD bao gồm:

Viêm thực quản: Acid dạ dày trào ngược lên thực quản có thể gây viêm và loét niêm mạc thực quản.

Viêm thanh quản: Acid dạ dày trào ngược có thể gây kích ứng thanh quản, dẫn đến viêm thanh quản.

Viêm phổi do trào ngược: Acid dạ dày trào ngược có thể xâm nhập vào phổi, gây viêm phổi.

Hẹp thực quản: Viêm thực quản kéo dài có thể dẫn đến hẹp thực quản, khiến việc nuốt thức ăn trở nên khó khăn.

Barrett thực quản: Đây là tình trạng thay đổi tế bào ở phần dưới của thực quản, làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.

Ung thư thực quản: Nguy cơ ung thư thực quản cao hơn ở những người mắc Barrett thực quản.

10 câu hỏi thường gặp liên quan đến trào ngược dạ dày thực quản- Ảnh 1.

Trào ngược dạ dày thực quản gây nhiều triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Ảnh minh họa.

3. Ai dễ mắc trào ngược dạ dày thực quản?

Những đối tượng có nguy cơ mắc trào ngược dạ dày thực quản bao gồm:

Người thừa cân, béo phì: Thừa cân, béo phì tạo áp lực lên ổ bụng, đẩy dạ dày lên cao, khiến acid dạ dày dễ dàng trào ngược lên thực quản.

Phụ nữ mang thai: Phụ nữ mang thai có nguy cơ cao bị GERD, đặc biệt là ở những tháng cuối thai kỳ do sự thay đổi nội tiết tố và áp lực từ thai nhi lên cơ hoành.

Một số trường hợp khác như người có rối loạn nhu động thực quản, có tiền sử gia đình mắc GERD; thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, hóa chất; có thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh… làm tăng nguy cơ mắc GERD.

4. Dấu hiệu nhận biết trào ngược dạ dày thực quản

Ợ nóng: Đây là triệu chứng phổ biến nhất của GERD. Ợ nóng là cảm giác nóng rát, khó chịu sau xương ức, lan lên cổ họng. Ợ nóng thường xảy ra sau khi ăn, khi nằm xuống hoặc khi cúi người.

Ợ chua: Ợ chua là cảm giác có vị chua hoặc đắng trong miệng do acid dạ dày trào ngược lên thực quản.

Khó nuốt: Nhiều người bệnh GERD gặp khó khăn khi nuốt thức ăn, đặc biệt là thức ăn rắn hoặc thức ăn lạnh.

Buồn nôn, nôn: Dấu hiệu này khá phổ biến, đặc biệt là vào buổi sáng.

Ho, khàn giọng: Ho khan hoặc ho có đờm có thể do acid dạ dày kích thích cổ họng. Acid dạ dày trào ngược lên thực quản kích thích thanh quản, dẫn đến khàn giọng hoặc mất tiếng.

Khó ngủ: Acid dạ dày trào ngược gây khó chịu và ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Đau ngực: Đau ngực do GERD thường xuất hiện sau xương ức, lan ra vai, cổ hoặc hàm.

Khó thở: Trong trường hợp nghiêm trọng, acid dạ dày có thể trào ngược vào khí quản và gây khó thở.

Lưu ý: Một số triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý khác, do đó người bệnh cần đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác.

5. Khám trào ngược dạ dày thực quản ở đâu?

Khi có dấu hiệu nghi ngờ trào ngược dạ dày thực quản, người bệnh nên đến cơ sở y tế chuyên khoa bao gồm: các bệnh viện có chuyên khoa tiêu hóa; trung tâm kỹ thuật cao và tiêu hóa; các phòng khám chuyên khoa tiêu hóa uy tín được cấp phép… để khám và điều trị.

6. Người bệnh cần làm xét nghiệm gì?

Để chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản, người bệnh cần được bác sĩ chuyên khoa thăm khám cẩn thận và thực hiện một số xét nghiệm như: Nội soi dạ dày; Chụp X quang ngực; Xét nghiệm pH thực quản; Chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ… để chẩn đoán chính xác và đưa ra hướng điều trị phù hợp.

7. Điều trị trào ngược dạ dày - thực quản như thế nào?

Trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản, ngoài việc dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ thì chế độ ăn uống, sinh hoạt có vai trò rất quan trọng. Người bệnh cần kiểm soát tốt cân nặng, tránh thừa cân, béo phì thông qua chế độ ăn, chế độ vận động, thể dục thường xuyên. Khi ngủ nên gối cao đầu. Tránh mặc quần áo quá chật…

Trên thực tế, có một số loại thực phẩm có thể giúp giảm các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản và có một số loại thực phẩm có xu hướng làm trầm trọng hơn triệu chứng của bệnh. Vì vậy người bệnh thường được khuyên nên ăn hoặc hạn chế, tránh hoặc thay thế bằng những thực phẩm khác có lợi hơn.

Người bệnh trào ngược dạ dày thực quản nên ăn các loại thức ăn giàu chất xơ, đạm dễ hấp thu như: rau xanh, trái cây, cá, trứng, thịt gia cầm bỏ da, hải sản… Nên ăn các món luộc, hấp.

Hạn chế ăn một số loại quả chua có tính acid như cam, chanh, bưởi…; Nước ngọt có gas. Nên tránh các loại đồ ăn có thể gây kích ứng dạ dày, thực quản như thức ăn cay, gia vị mạnh, thực phẩm chế biến sẵn và các loại đồ ăn nhiều chất béo như: mỡ động vật, đồ ăn chiên, xào, rán, nướng…

10 câu hỏi thường gặp liên quan đến trào ngược dạ dày thực quản- Ảnh 3.

Người bị trào ngược dạ dày - thực quản cần được bác sĩ chuyên khoa khám và hướng dẫn điều trị đúng cách. Ảnh minh họa.

8. Đông y có chữa được trào ngược dạ dày - thực quản không?

Đông y có thể hỗ trợ điều trị trào ngược dạ dày - thực quản bằng các bài thuốc giúp điều hòa khí huyết, tăng cường chức năng tiêu hóa, tăng cường hệ miễn dịch, trung hòa acid dạ dày, giúp cải thiện các triệu chứng và giảm nguy cơ tái phát.

Tuy nhiên, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ Đông y có chuyên môn để được kê đơn thuốc phù hợp. Tuyệt đối không sử dụng các bài thuốc theo mách bảo không được kiểm chứng.

9. Lưu ý đối với phụ nữ mang thai bị trào ngược dạ dày - thực quản

Trào ngược acid thường xảy ra ở phụ nữ mang thai, gây nhiều khó chịu cho thai phụ. Để cải thiện những triệu chứng khó chịu của trào ngược acid trong thai kỳ, điều quan trọng đối với phụ nữ mang thai là cần được khám theo dõi sức khỏe và quản lý thai kỳ đều đặn theo chỉ định của bác sĩ.

Nên vận động nhẹ nhàng thường xuyên, không hút thuốc lá và tránh hít phải khói thuốc lá; Không uống rượu bia, không mặc quần áo chật, cố gắng thư giãn; Khi ngủ nên nâng cao phần đệm gối đầu và vai cao hơn; Ăn các bữa nhỏ hơn, đều đặn hơn trong ngày, cần chú ý hạn chế một số thực phẩm có thể gây chứng ợ nóng, ợ chua như: trái cây chứa nhiều acid, cà phê, các loại đồ uống có gas hoặc nước ngọt, chất béo, đồ ăn nhiều dầu mỡ, thực phẩm cay, cà chua; sô cô la…

Nếu tình trạng trào ngược dạ dày - thực quản gây nhiều khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe cần thông báo với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn điều trị phù hợp. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc sẽ không an toàn cho cả mẹ và con.

10. Chi phí khám, điều trị trào ngược dạ dày - thực quản

Chi phí khám, điều trị trào ngược dạ dày - thực quản có thể thay đổi tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh, việc thực hiện các xét nghiệm cần thiết và phương pháp điều trị cũng khác nhau như dùng thuốc hay phẫu thuật. Người bệnh nên chọn các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để được khám và điều trị đúng cách. Những trường hợp có bảo hiểm y tế sẽ được chi trả theo đúng quy định.

Xem thêm:

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có dẫn đến ung thư không?Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có dẫn đến ung thư không?

SKĐS -Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng trào ngược axit xảy ra thường xuyên. Người bệnh có cảm giác nóng rát ở ngực hoặc cổ họng.


Thu Phương
Ý kiến của bạn