Kình ngư sinh năm 1996 Nguyễn Thị Ánh Viên giành tấm huy chương lịch sử cho bơi lội Việt Nam ở đấu trường Asiad. Tuy chỉ giành HC đồng ở nội dung 400m hỗn hợp, thành tích 4 phút 39 giây 65 của chị là nỗ lực lớn đủ để ghi dấu son cho bơi lội Việt Nam. Ngày 26/9, cô gái người Cần Thơ tiếp tục tranh tài ở hai nội dung khác là 200m hỗn hợp và 200m ngửa.
Để trở thành “siêu kình ngư” ở Việt Nam và đang tiến dần với những mục tiêu thế giới, Ánh Viên đã hy sinh rất nhiều cho sự nghiệp thể thao chị đang theo đuổi. Chị có rất nhiều bí mật không phải ai cũng biết…
1. Yêu môn lịch sử
Ánh Viên thích môn học này bởi “cô dạy lịch sử kể nhiều câu chuyện thú vị, cuốn hút”. Do liên tục đi xa tập luyện, thi đấu, Ánh Viên hiện đang hoàn thành chương trình học lớp 10 và khi về Việt Nam là chị lại tất bật… trả nợ các môn.
2. Người thầy đầu tiên
Ông nội Nguyễn Văn Tới là người bên chị trong những lần xuống nước đầu tiên. Ánh Viên sinh ra ở gần rạch Ba Cau (ấp Ba Cau, xã Gai Xuân, huyện Phong Điền, Cần Thơ). Bố mẹ tất bật việc ruộng đồng, sợ Ánh Viên rơi xuống nước nên ông Tới sớm dạy bơi cho cháu. Ban đầu khi các HLV của Quân khu 9 về thuyết phục cho Ánh Viên theo môn bơi, bố mẹ không muốn con gái nhỏ đi xa và theo nghề này. Thuyết phục mãi, ông Nguyễn Văn Tác và vợ mới đồng ý.
3. Thần tượng
Người hùng trong lòng Ánh Viên là VĐV Michael Phelps của tuyển Mỹ trước đây. Có nhiều hình kỷ niệm ở những địa điểm, giải đấu từng tham dự, chị rất quý tấm hình chụp chung với Michael Phepls. Với Ánh Viên, thần tượng cùng lĩnh vực cho chị nhiều cảm hứng, động lực.
4. Ngán nhất khi phải… ăn
Hàng ngày, Ánh Viên tuân thủ chế độ ăn uống nghiêm ngặt của VĐV đỉnh cao gồm một kg thịt bò, 50 con tôm, một đĩa mỳ cỡ lớn, một đĩa rau trộn và kết thúc bằng một lít sữa tươi và trái cây. Vì vậy, kình ngư họ Nguyễn thường hay nói vui: “Ăn cũng là bài tập và nó rất… ngán. Có lúc, tôi như đổ thức ăn vào người chứ không còn cảm giác ngon miệng”. Nhiều lúc vì thương cô học trò, HLV Anh Tuấn vào bếp nấu cho Viên ăn.
5. Sải tay dài đặc biệt
- Hình thể đặc biệt cùng sự tập luyện miệt mài giúp Ánh Viên thành công. Ảnh: Kỳ Lân.
Ánh Viên được biến đến như VĐV bơi số một Việt Nam nhờ vào sự tập luyện miệt mài cũng như những yếu tố hình thể đặc biệt. Chẳng hạn như chị có khả năng nổi nước lâu hơn người thường và sải tay của chị là 1m93 (ở thời điểm chị cao 1m73 tại SEA Games 2013), bàn chân to và các nhóm cơ dài.
6. Giúp bố mẹ xây nhà
Cách đây vài năm, Ánh Viên dùng số tiền mà chị tích lũy được để giúp bố mẹ xây lại căn nhà mới khang trang hơn. Ánh Viên được biết đến là người con rất có hiếu. Tiền thu nhập, chị gửi về bố mẹ để bố mẹ giữ và lo trang trải cuộc sống cho bớt khó khăn. Cô không có thói quen mua sắm và thời gian chị dành cho tình yêu lớn nhất là bơi lội.
7. Em trai nối nghiệp chị
Em trai Ánh Viên hiện mới 8 tuổi nhưng đã thể hiện mình có năng khiếu trong môn bơi lội và cũng đầu quân cho Quân khu 9. Thần tượng của cậu bé chính là người chị của mình.
8. Số ngày ở nhà đếm trên đầu ngón tay
Hàng năm, thời gian chị về nhà rất ngắn ngủi do quá bận với lịch tập, thi đấu. Năm 2013, chị có một buổi gặp gia đình tại TP HCM rồi lên đường sang Myanmar dự SEA Games. Sau Đại hội, Ánh Viên về TP HCM tập chứ không về quê rồi tháng 1, chị đi tập huấn ở Mỹ cho đến nay.
9. Kỷ lục gia về huy chương
Ánh Viên từng thừa nhận, chị khó có thể nhớ hết mình có cụ thể bao nhiêu tâm huy chương. Hiện nay, bộ sưu tập của chị có trên 150 chiếc với hơn một nửa là HC vàng. Tuy nhiên, tấm huy chương đầu tiên chị nhớ rất rõ, đó là HC đồng tại giải bơi ở tỉnh Đồng Tháp khi chị 10 tuổi và mới tập bơi ở Quân khu 9 được ba tháng. Bộ sưu tập huy chương của Ánh Viên chắc chắn sẽ còn dày lên nhanh chóng thời gian tới.
10. Thượng úy khi mới 17 tuổi
Ngày 26/8/2013, Ánh Viên đón nhận vinh dự lớn khi được Bộ tư lệnh Quân khu 9 trao quân hàm thượng úy quân nhân chuyên nghiệp.