1. Đặc điểm của vị thuốc chỉ thực
Chỉ thực (Fructus Aurantii immaturi) còn gọi là xuyên chỉ thực, là quả hái vào lúc còn non nhỏ, phơi khô của hơn 10 cây chi Citrus và Poncitrus thuộc họ Cam Rutaceae.
Theo ThS.BS. Nguyễn Quang Dương – Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Tuệ Tĩnh chỉ thực có vị đắng, tính hơi hàn, vào hai kinh tỳ và vị. Tác dụng phá khí, tiêu tích, hóa đờm, trừ bĩ (báng ở bụng - ứ đọng dịch trong ổ bụng), lợi cách (tốt cho vùng cơ hoành), khoan hung (khoan khoái vùng ngực bụng đỡ đầy chướng).
Ngày dùng 6 đến 12g (có thể dùng hơn) dưới dạng thuốc sắc. Dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác.
2. Một số bài thuốc có chỉ thực
Theo ThS.BS. Nguyễn Quang Dương một số bài thuốc dưới đây có tác dụng chữa bệnh đường tiêu hóa có chỉ thực:
Bài 1: Chỉ thực 20g, bạch truật 6g, nước 600ml, sắc còn 200ml. Chia 3 lần uống trong ngày. Dùng trong những trường hợp dạ dày và gan kém hoạt động, bụng đầy chướng, khó đi ngoài.
Bài 2: Chỉ thực 20g, bồ kết 20g. Hai vị tán nhỏ, làm thành viên bằng hạt đậu xanh. Mỗi ngày uống 10 viên vào buổi tối, trước khi đi ngủ, chữa đại tiện khó khăn.
Bài 3: Chỉ thực 30g, bạch truật 90g. Các vị tán bột mịn, hồ hoàn viên. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 15g với nước lá sen.
Công dụng: Kiện tỳ vị, tiêu bí mãn (làm cho thông chỗ tắc, dùng trong bệnh đường tiêu hóa), chữa các chứng tỳ vị hư nhược không vận hóa được, ẩm thực đình trệ, bụng trướng đại tiện bí hoặc không đi được, bí tiểu...
Bài 4: Chỉ thực 30g, bạch truật 90g, bán hạ chế 30g, quất bì 30g. Các vị sao giòn tán mịn tinh, hồ hoàn viên. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 15g với nước lá sen.
Công dụng: Kiện tỳ, hóa đàm... chữa các chứng tỳ hư, đàm tích, ăn uống không tiêu, khí trệ, bí muộn, ậm ạch khó thở, người mệt mỏi.
Bài 5: Chỉ thực 30g, bạch truật 90g, sa nhân 30g, mộc hương 30g. Các vị tán mịn, hồ hoàn viên. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 15g với nước lá sen.
Công dụng: Kiện tỳ, phá khí, hành trệ, khai vị tỉnh thực... chữa các chứng tỳ hư khí trệ, ăn uống không tiêu, đầy chướng, đại tiện phân lỏng, ậm ạch khó tiêu, khó chịu, người mệt mỏi.
Bài 6: Chỉ thực, hậu phác, đại hoàng mỗi vị 6-8g. Sắc uống hoặc tán bột làm hoàn. Trị chứng táo bón do nhiệt kết.
Bải 7: Chỉ thực, bạch truật, phục linh, thần khúc, trạch tả, đại hoàng mỗi vị 12g; hoàng liên 4g, gừng sống 8g, hoàng cầm 8g. Nghiền thành bột mịn, làm hoàn hoặc sắc nước uống. Trị ruột, dạ dày tích nhiệt, bụng chướng đầy đau, đại tiện táo.
Bài 8: Chỉ thực 12g, bạch thược 12g. Nghiền bột hoặc sắc uống. Trị sau khi sinh con khí huyết tích trệ, đau bụng, buồn bực không yên.
Bải 9: Chỉ thực 20g, hoàng liên 20g, hậu phác 16g, gừng khô 4g; cam thảo, mầm mạch, phục linh, bạch truật mỗi vị 8g; bán hạ khúc 12g, nhân sâm 12g. Nghiền thành bột mịn, làm hoàn. Mỗi lần uống 8 - 12g, ngày 3 lần. Trị bụng chướng đầy, ăn kém ngon, tinh thần mệt mỏi, đại tiện khó.
Bài 10: Chỉ thực, bạch truật, mạch nha, thần khúc mỗi vị 12g. Tán bột, làm viên. Ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 10 - 12g. Kiện tỳ tiêu thực. Trị bụng ngực đầy tức khó chịu, thực tích đầy bụng.
Kiêng kỵ: Người không bị khí trệ tà thực không được dùng. Phụ nữ có thai dùng phải thận trọng.
Lưu ý: Những bài thuốc trên chỉ có tính tham khảo. Để áp dụng cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Những bệnh lý về đường tiêu hóa thường gặp trong dịp Tết | SKĐS