Hà Nội

10 bài thuốc phòng, trị bệnh cúm

SKĐS - Bệnh cúm là bệnh viêm cấp tính đường hô hấp do virut. Bệnh mang tính lây truyền, rất dễ phát thành dịch, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Cúm là bệnh viêm cấp tính đường hô hấp do virut. Bệnh mang tính lây truyền, rất dễ phát thành dịch, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Cấu trúc của một virút cúm A
Cấu trúc của một virút cúm A

Theo YHCT, bệnh cúm còn gọi cảm mạo, có 2 loại: cảm mạo phong hàn (cảm lạnh) và cảm mạo phong nhiệt (cảm nóng), đều do các nguyên nhân bên ngoài tức hàn tà (lạnh) hoặc nhiệt tà (nóng) gây ra. Cúm virut cũng do nguyên nhân bên ngoài, song cụ thể là do virut, do đó còn gọi là “cảm mạo tính lưu hành”.

Nguyên nhân và các triệu chứng của cúm virut gần giống với bệnh cảm mạo nói chung, như sốt cao, rét nhiều, đau đầu... Song, nhiều triệu chứng trong đó biểu hiện giống với cảm mạo phong nhiệt, như sốt, ho nhiều, đờm nhiều... Thời gian ủ bệnh thường chỉ độ một ngày, rồi người bệnh đột ngột bị sốt cao (39 - 400C), rét run, thường kéo dài tới 3 - 5 ngày, thậm chí tới 7 ngày. Sau đó thân nhiệt hạ dần, người bệnh mệt mỏi, đau đầu dữ dội, đau các khớp, chân tay vô lực, da khô nóng, đôi khi phát ban, mắt đỏ, chói mắt, rát họng, nhiều đờm, sổ mũi, đôi khi chảy máu cam, miệng đắng, chán ăn, buồn nôn, táo bón... Sau 5 - 7 ngày, các triệu chứng giảm dần.

Tuy nhiên, cần đề phòng các biến chứng như viêm phổi cấp dẫn đến khó thở, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tử vong. Chính vì thế, cần theo dõi và có những xử lý kịp thời để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Sau đây là một số bài thuốc phòng và trị bệnh cúm:

Bài 1: Rễ quán chúng 5 - 10g, sắc uống, ngày một thang, có thể hãm như chè để uống trong ngày. Uống liên tục nhiều ngày, khi có dịch cúm, để phòng bệnh, hoặc sau sốt có phát ban.

Cát cánh
Cát cánh

Bài 2: Rễ dành dành, rễ bạch đồng nữ, mỗi vị 30g; cúc hoa 9g, rễ sài hồ, rễ kim ngân, rễ hậu phác, mỗi vị 15g. Sắc uống ngày một thang. Uống liên tục nhiều ngày, khi có dịch cúm để phòng bệnh.

Bài 3: Thanh cao 3g; kim ngân hoa, mã tiên thảo, tang diệp mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang, uống liên tục nhiều ngày, khi có dịch cúm để phòng bệnh.

Bài 4: Cúc hoa 15g; rau dấp cá, dây kim ngân mỗi vị 10g. Sắc uống ngày một thang, uống liên tục nhiều ngày, khi có dịch cúm để phòng bệnh.

Mạch môn đồng

Mạch môn đông

Bài 5: Cúc hoa 8g; rau dấp cá, dây kim ngân, mỗi vị 30g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần, dùng để phòng và trị cúm virut.

Bài 6: Mạch môn đông, dây kim ngân, mỗi vị 20g; bạc hà 12g. Sắc uống, cứ 3 ngày uống một lần, mỗi lần 1 bát. Dùng để phòng và trị cúm virut.

Bài 7: Khi bị cúm kèm theo ho, dùng bài: tô diệp, tiền hồ, cát cánh, hạnh nhân, mỗi vị 15g, sắc uống ngày một thang; hoặc bối mẫu, tri mẫu, tang diệp, hạnh nhân, mỗi vị 9g, tô diệp 6g, sắc uống ngày 1 thang.

Tô diệp (tía tô)

Tô diệp (tía tô)

Bài 8: Khi bị cúm kèm theo ho, họng sưng thũng, đau, dùng bài: ngưu bàng tử 15g; kinh giới, cát cánh, mỗi vị 10g; sinh cam thảo 5g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 9: Khi cúm bị ho kèm theo khó thở, dùng bài: tiền hồ, hạnh nhân, mỗi vị 15g; tô tử, cát cánh, mỗi vị 10g; hoặc hạnh nhân, tiền hồ mỗi vị 15g; kinh giới, cát cánh mỗi vị 10g, sinh cam thảo 5g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 10: Khi bị cúm có ho kèm theo đau tức sườn ngực, dùng bài: trần bì, tiền hồ mỗi vị 6g; cát cánh 9g; tô diệp, gừng tươi mỗi vị 3g. Sắc uống ngày một thang. 

GS. TS. Phạm Xuân Sinh



Ý kiến của bạn