Hà Nội

10 bài thuốc dân gian chữa sởi theo từng giai đoạn

SKĐS – Bệnh sởi trong Đông y gọi là ma chẩn hoặc sa tử. Điều trị bằng bệnh sởi bằng Đông y, được chia ra theo các thời kỳ bệnh...

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, phổ biến ở trẻ em. Nguồn lây từ người sang người chủ yếu qua đường hô hấp. Bệnh có thể phát triển thành dịch trong cộng đồng…

Các triệu chứng thường gặp của bệnh sởi là:

  • Sốt
  • Phát ban.
  • Kèm theo ít nhất một trong các triệu chứng: Ho, chảy mũi, đau mắt đỏ, nổi hạch (cổ, chẩm, sau tai), sưng đau khớp...

Nếu không điều trị kịp thời bệnh nhân dễ bị biến chứng như mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não... Nặng hơn bệnh nhân có thể bị tàn phế, tử vong, nhất là với trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng...

Sau mắc sởi, sức đề kháng cơ thể suy giảm, dễ bị mắc các bệnh khác. Phụ nữ đang mang thai bị bệnh sởi có thể sảy thai, đẻ non, thai lưu.

Trong quá trình điều trị bệnh sởi việc cách ly các trẻ bị bệnh với trẻ lành là rất cần thiết để tránh lây lan, ngăn ngừa sởi phát triển thành dịch trên diện rộng.

10 bài thuốc dân gian chữa sởi theo từng giai đoạn- Ảnh 1.

Rau diếp cá là vị thuốc nam tốt hỗ trợ điều trị bệnh sởi.

Bệnh sởi trong Đông y gọi là ma chẩn hoặc sa tử. Một số bài thuốc nam, thuốc bắc có thể hỗ trợ điều trị bệnh. Điều trị bằng bệnh sởi bằng Đông y, được chia ra theo các thời kỳ bệnh như sau:

1. Thời kỳ phát sốt (khởi phát, sởi chưa mọc) trong bệnh sởi

Người bệnh chỉ có các triệu chứng: Ho, chảy nước mũi, chảy nước mắt, mệt mỏi, sốt cao dần, niêm mạc miệng có thể có ban chẩn.. dùng một trong các bài thuốc sau:

- Bài 1: Lá diếp cá tươi 30g, lá mùi tàu 20g, củ riềng 6g giã dập, nước 600 ml. Nấu còn 200 ml, chia uống lấy 3-5 lần trong ngày.

- Bài 2: Cam thảo đất 15g, lá diếp cá 15g, rau dệu 15g, nước 400 ml. Sắc còn 150- 200 ml, uống chia 3 -4 lần trong ngày.

- Bài 3: Kim ngân hoa 10g, ngưu bàng 12g, sắn dây củ 10g, lá bạc hà 10g, kinh giới 8g. Cho tất cả vào nồi, đổ nước ngập, đậy kín, sắc kỹ rồi lấy nước uống chia 3-5 lần trong ngày. Cũng có thể dùng nồi nước này xông trước, rồi lấy nước uống sau.

- Bài 4: Liên kiều 15g, huyền sâm 15g, mẫu đơn bì 10g, cam thảo 4g, nước 600 ml. Sắc uống ngày một thang, chia 3-4 lần trong ngày.

2. Thời kỳ sởi mọc

Người bệnh xuất hiện nốt ban sởi bắt đầu đến khi mọc dày toàn thân, khoảng thời gian 3-4 ngày. Thông thường sởi mọc tuần tự từ đầu mặt, thân mình, tay chân, lòng bàn tay chân, ngày càng dày, kèm theo sốt cao, ho nhiều, đại tiện phân nhão, hoặc tiêu lỏng… dùng một trong các bài thuốc sau (với mục đích làm sởi chóng mọc và mọc đều):

- Bài 1: Lá tre 25g, sài đất 20g, kim ngân hoa 20g, cam thảo đất 15g, nước 600ml. Sắc uống ngày một thang chia làm 2-3 lần.

- Bài 2: Cỏ mần chầu 30g, quả khế chua 25g, lá nọc sởi 25g, nước 500ml. Sắc uống mỗi ngày một thang, uống chia 2-3 lần.

- Bài 3: Hoa kim ngân 25g, sâm đại hành 10g, lá bỏng 15g, nước 200- 300 ml. Dùng tươi giã nhỏ, thêm nước, gạn uống.

3. Thời kỳ sởi bay

Trong giai đoạn này người bệnh có dấu hiệu mất nước, rối loạn điện giải vì sốt kéo dài, biểu hiện miệng khô, rát họng, ho… dùng một trong các bài thuốc sau:

- Bài 1: Lá đỏ ngọn 30g, lá dâu 30g, lá đinh lăng 30g, nước 600 ml. Sắc còn 400 ml, chia uống 2-3 lần trong ngày

- Bài 2: Sa sâm 12 g, ngân sài hồ 10g, huyền sâm 10g, đảng sâm 8g, cam thảo 4g, nước 500 ml. Sắc uống ngày một thang.

- Bài 3: Hạt sen 30g, đậu đỏ 30g, lá dâu non 30g, đường 20g, nước 500ml. Sắc còn 300 ml, ăn cái và uống hết nước.

Lưu ý, trong quá trình điều trị trẻ bị bệnh sởi, phải tăng cường thêm các chất dinh dưỡng như thịt, cá trứng, sữa, ăn thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa; cho trẻ uống nhiều nước, thêm nước chanh, cam, nước ép hoa quả… và chú trọng vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân, cách ly để trách lây nhiễm cho trẻ khác.

Việc sử dụng bài thuốc trên cần có sự hướng dẫn của bác sĩ đông y có chuyên môn không được tự ý thực hiện.


Mời độc giả xem thêm:

Bệnh sởi có thuốc điều trị đặc hiệu không, cách phòng ngừa thế nào?Bệnh sởi có thuốc điều trị đặc hiệu không, cách phòng ngừa thế nào?

SKĐS - Mới đây TP. Hồ Chí Minh đã công bố dịch sởi trên toàn thành phố. Về tính chất, mức độ bệnh sởi thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B. Người có nguy cơ mắc bệnh là người chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ...

BSCK2. Lương y Trần Ngọc Quế
(Chủ tịch Hội Đông y Quảng Bình)
Ý kiến của bạn