Sau khi biết tin Hải Dương có những ca mắc COVID-19 mới, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế đã cử đoàn chuyên gia của Bộ về ngay Hải Dương.
"Chúng ta đã làm nên những kỳ tích"
Đoàn công tác do PGS.TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm trưởng đoàn trực tiếp chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”.
Hàng loạt các chỉ đạo kịp thời, nhanh, mạnh của Bộ trưởng Bộ Y tế được đoàn công tác thực hiện nghiêm túc và rất có hiệu quả.
Thể hiện tầm nhìn và khả năng ứng phó với tình huống dịch cấp bách.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế làm việc về công tác phòng chống dịch tại Hải Dương ngày 14/2/2021 (ngày mùng 3 Tết Tân Sửu). Ảnh: TM
Điển hình như chỉ trong 8 giờ, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới Trung ương đã thiết lập xong BV Dã chiến số 1 tại TTYT Chí Linh.
Và chưa đầy 22 giờ sau chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, BV Dã chiến số 2 đặt tại Trường đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương do BV Bạch Mai thiết lập với quy mô ban đầu hơn 300 giường cũng đón những bệnh nhân COVID-19 đầu tiên.
Trong đó, Đơn nguyên Cấp cứu tương đương BV Bạch Mai tại Hà Nội.
“Chúng ta đã làm nên những kỳ tích. Chúng tôi luôn hỗ trợ địa phương nên địa phương vững tin, yên tâm cùng nhau chiến thắng dịch bệnh"- GS.TS Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói trong buổi giao ban phòng chống dịch với các địa phương trong chiều 25 Tết.
GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Bạch Mai chia vui với bệnh nhân và thầy thuốc trong ngày công bố bệnh nhân khỏi bệnh vào chiều 30 Tết
Xây dựng sớm 2 cơ sở y tế điều trị bệnh nhân COVID-19 ngay ở Hải Dương đã đáp ứng được nhu cầu có nơi điều trị riêng, bảo đảm an toàn cho những bệnh nhân khác, không để lây nhiễm chéo xảy ra trong BV.
Với nỗ lực của thầy thuốc và người bệnh, sau đúng 1 tháng thực hiện điều trị bệnh nhân COVID-19, BV Dã chiến số 1 đã hoàn thành nhiệm vụ.
Kết quả ban đầu hiện nay trong điều trị bệnh nhân COVID-19 ngay tại Hải Dương là nhờ chi viện kịp thời của 2 BV đầu ngành của Bộ Y tế: BV Bạch Mai và BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Có thời điểm, BV Bạch Mai đã tăng cường mạnh mẽ nhân lực, vật lực đến Hải Dương.
Số chuyên gia của BV Bạch Mai tăng cường về hơn 30 người. Đứng đầu là GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Bạch Mai trực tiếp tham gia chỉ đạo, xây dựng Bệnh viện Dã chiến số 2 - Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương.
Họ đều là những chuyên gia giỏi, nhiều kinh nghiệm, đã được “thử lửa” trong điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 ở Đà Nẵng.
Trong Tết Tân Sửu, BV Bạch Mai duy trì “cắm chốt” 9 cán bộ y tế tại BV Dã chiến số 2, trực tiếp tham gia đi buồng, điều trị bệnh nhân.
Khi xuất hiện tình huống mới hoặc khẩn cấp lực lượng tăng cường của BV Bạch Mai, chỉ sau hơn 1 giờ đồng hồ đã có mặt tại Hải Dương.
BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đã tung chuyên gia giỏi của bệnh viện về TTYT Chí Linh ngay từ những giờ đầu, ngày đầu.
“Thời gian đầu bệnh nhân COVID-19 nhập viện dồn dập, số lượng lớn, trong khi nhân lực của TYTT Chí Linh không phải là mạnh về các bệnh truyền nhiễm. Chúng tôi phải vừa thiết lập hệ thống buồng bệnh, vừa đào tạo, chuyển giao kỹ thuật ngay tại gường bệnh để cán bộ y tế có thể đảm đương nhiệm vụ được ngay”, BS CKII Nguyễn Trung Cấp - Phó giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương kể.
Niềm vui của bệnh nhân khi được công bố khỏi bệnh.
Đến khi tỉnh Hải Dương quyết định bổ sung xây dựng BV Dã chiến số 3, TP Chí Linh, các “chiến binh” của BV Bạch Mai, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp tục có mặt, tham gia thiết kế, đào tạo kiểm soát nhiễm khuẩn, tập huấn điều trị cho 106 cán bộ y tế của tỉnh để họ tự tin đảm đương điều trị bệnh nhân.
Đêm giao thừa không quên
Chia sẻ với những khó khăn, vất vả của các thầy thuốc nơi tuyến đầu, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long luôn quan tâm và động viên.
Ông nói: Chúng tôi rất cảm động khi đoàn Bộ Y tế và các đơn vị tuyến trên về địa phương có lúc phải ngủ đất, phải đi lau dọn, giúp cách ly, hình thành sớm BV Dã chiến. Các sinh viên Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã hết sức cố gắng, tự nguyện tham gia và sẵn sàng ở lại qua Tết để phục vụ công tác phòng chống dịch; hình ảnh cán bộ y tế chống dịch mệt quá ngủ gục làm lay động nhiều người.
28 Tết, ngày làm việc cuối cùng của năm Canh Tý, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đã đến thăm hỏi, động viên ngành y tế - ngành đi đầu trên mặt trận chống COVID-19.
Phát biểu tại đây, Thủ tướng nói: Các đồng chí đã nêu cao ý thức, trách nhiệm, không ngại gian khổ, hy sinh để ngăn ngừa, kiểm soát COVID-19. Ngành y tế phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, sẵn sàng trụ vững tại nhiều điểm nóng. Vì thế, chúng ta đã khống chế các ổ dịch ở nhiều đợt khác nhau.
Đêm giao thừa, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã dành thời gian chúc tết đến 18 điểm cầu là các cơ sở y tế đang điều trị bệnh nhân COVID-19 trên toàn quốc.
Trong thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm Canh Tý và Tân Sửu, hình ảnh vị Tư lệnh ngành, đứng đầu ngành y tế gửi lời thăm hỏi đến toàn thể thầy thuốc nơi tuyến đầu đi vào lòng người. “Đó là đêm giao thừa không bao giờ quên trong tâm trí tôi” - giọng run run, chị Trần Thị Dung cán bộ của BV Bạch Mai bồi hồi.
Phát huy 4 tại chỗ và chống dịch mạnh mẽ hơn
Chiều mùng 3 Tết Tân Sửu, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã trực tiếp về làm việc với Hải Dương và trực tiếp có những chỉ đạo ngay tại “mặt trận”.
Tại đây, Bộ trưởng chỉ đạo: Với quan điểm hỗ trợ tuyệt đối cho Hải Dương, Bộ Y tế sẽ tiếp tục điều nhân lực, trang thiết bị nhưng mong tỉnh Hải Dương phát huy phương châm 4 tại chỗ và quyết liệt trong chống dịch hơn nữa.
4 ngày sau, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã cử Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn trực tiếp đi kiểm tra công tác chống dịch của Hải Dương. Điều đó cho thấy, lãnh đạo Bộ Y tế đã chỉ đạo rất quyết liệt và sát sao, với tinh thần cao nhất, sớm mang lại cuộc sống bình an cho nhân dân.
Với sự chi viện thần tốc của các đơn vị “tinh nhuệ” nhất của Bộ Y tế, ngay từ sớm, các lực lượng chức năng đã khoanh vùng, xác định các đối tượng lấy mẫu.
Xác định đây là biến chủng virus, với tốc độ lây lan nhanh nên mức độ khoanh vùng, truy vết và lấy mẫu được tiến hành rộng hơn, mạnh hơn. Kịp thời “khóa chặt” ổ dịch tại Công ty TNHH Poyoun.
Chỉ trong ít ngày, năng lực lấy mẫu, xét nghiệm của Hải Dương đã tăng lên, gấp 20 lần đáp ứng được yêu cầu xét nghiệm, tầm soát diện rộng tại các khu vực cách ly, phong tỏa, đồng thời thực hiện được ngay các biện pháp khoanh vùng, truy vết, cách ly khi xuất hiện những ổ dịch mới ở Cẩm Giàng, Kinh Môn, TP. Hải Dương.
Từ ngày 3/3/2021, Hải Dương chuyển sang trạng thái bình thường mới.
PGS.TS. Trần Như Dương, Trưởng đoàn công tác phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Hải Dương, nói: Sau 33 ngày, đoàn công tác của Bộ Y tế cùng sát cách với Hải Dương chống dịch, chúng tôi thấy rằng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương đã rất nỗ lực, quyết liệt và kịp thời trong chống dịch.
Chống dịch lần này tại Hải Dương rất phức tạp và khó khăn bởi: Do biến chủng Anh của virus có khả năng lây lan rất nhanh và mạnh.
Tỷ lệ người lành mang trùng rất cao, cao gấp đôi so với các vụ dịch trước đây, lên tới 80% theo thống kê của hệ điều trị. Chính vì vậy vô cùng khó khăn để giám sát phát hiện ca bệnh thông qua các biện pháp giám sát thông thường.
Bắt buộc phải thông qua xét nghiệm diện rộng, nhanh. Các vụ dịch trước đây tỷ lệ người lành mang trùng chỉ 35-40%.
Ngày 3/3/2021, tỉnh Hải Dương bước sang trạng thái bình thường mới. Vừa phòng chống dịch, vừa thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH.
Tỉnh Hải Dương đã chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng. Những bài học quý báu rút ra từ đợt chống dịch 1 tháng qua cho thấy chúng ta vẫn phải tiếp tục cảnh giác. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý: Chúng ta phải chuẩn bị tất cả tình huống, kịch bản, không được chủ quan lơ là với công tác phòng chống dịch bệnh. Chuẩn bị sẵn 4 tại chỗ, là phương châm chống dịch đã quán triệt từ 2020 đến nay, để khi dịch xảy ra không bị động.
Hỗ trợ Hải Dương, Bộ Y tế đã tăng cường đội ngũ thầy thuốc và những máy móc tốt nhất phục vụ điều trị cho bệnh nhân.
Thay mặt thầy thuốc ở các bệnh viện, chúng tôi gửi lời tri ân đến các thầy thuốc làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng ở tất cả các tuyến đã vất vả ngày đêm, chịu nhiều hy sinh, gian khổ và cũng rất thầm lặng để kiểm soát dịch.
Nhờ đó, bệnh viện không quá tải bệnh nhân COVID-19. Giảm nguy cơ cho các thầy thuốc bệnh viện cũng như giảm nguy cơ cho cộng đồng. Chúng ta không được quên công lao của thầy thuốc y tế dự phòng.