Hà Nội

1 phụ nữ sốc độc tố virus SARS-CoV-2, tổn thương phổi trên 75% vẫn sống sót kỳ diệu

27-06-2021 18:54 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Đây là bệnh nhân rất nặng, có sốc do độc tố virus SARS-CoV-2 phải lọc máu liên tục để thải độc tố, huyết áp tụt thấp, mức độ tổn thương phổi nghiêm trọng trên 75%... Bệnh nhân tưởng như không thể qua khỏi nhưng các bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới TW đã sát cánh cùng bệnh nhân chiến thắng tử thần, xuất viện trong hôm nay 27/6.

Ngày 27/6/2021, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có 12 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh được ra viện, trở về địa phương tiếp tục cách ly theo quy định. Trong số 12 bệnh nhân khỏi bệnh có 2 bệnh nhân nguy kịch điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực đã hồi phục, xuất viện.

TS.BS Vũ Đình Phú - Trưởng khoa Hồi sức tích cực cho biết: “Mỗi ca bệnh vào viện trong một bệnh cảnh lâm sàng riêng, đánh giá chăm sóc đều cần chi tiết, tỉ mỉ, theo dõi sát sao mới mong cứu sống người bệnh. Bởi với các bệnh nhân COVID-19 nặng, sinh mạng của họ đều trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”, toàn thể các bác sĩ và điều dưỡng đã nỗ lực hết mình để cứu chữa, giành lại sự sống cho những bệnh nhân nguy kịch này”.

Trường hợp nguy kịch đã khỏi bệnh, xuất viện hôm nay là bệnh nhân N.T.H, 57 tuổi (nữ, ở Chí Linh, Hải Dương), vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 23/5/2021.

Trước đó bệnh nhân khỏe mạnh, có yếu tố dịch tễ, được cách ly. Đến ngày 17/5, bệnh nhân có sốt và phát hiện dương tính SARS-CoV-2 vào ngày, sau đó bệnh chuyển biến nặng dần lên, chuyển tuyến đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Tại Khoa Cấp cứu, bệnh nhân được can thiệp oxy lưu lượng rất cao. Đến ngày 26/5/21 bệnh nhân khó thở, vật vã kích thích, co kéo toàn bộ các cơ hô hấp. Vì vậy, bác sĩ bắt buộc phải can thiệp đặt ống thở và chuyển vào khoa Hồi sức tích cực để chăm sóc hô hấp tích cực.

Theo BS. Phú, bệnh nhân vào khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng an thần, thở máy với thông số cao tối đa, nhưng độ bão hòa oxy máu mới chỉ gần đạt mức tối thiểu của giá trị bình thường. Ngay lập tức bệnh nhân được tầm soát lại tất cả chỉ số xét nghiệm và đánh giá can thiệp lọc máu liên tục. Huyết áp của bệnh nhân tụt thấp, bác sĩ bắt buộc phải can thiệp nâng huyết áp bằng thuốc vận mạch.

Điều trị cho một trường hợp bệnh nhân COVID-19 tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Với nhận định bệnh nhân trong giai đoạn nhiễm độc tố của virus SARS-CoV-2 rất nặng, bệnh nhân được lọc máu 4 lần liên tiếp để thải độc tố, thở máy thông số kĩ thuật cao dài ngày..., bác sĩ đã có những tiên lượng xấu với bệnh nhân do bệnh tiến triển chậm. Ngày 5/6, bệnh nhân được phẫu thuật mổ khí quản tại giường, chăm sóc hô hấp tích cực.

"Hội chẩn các bác sĩ trong khoa nhận định đây là bệnh nhân rất nặng, có sốc do độc tố virus SARS-CoV-2, phải dùng thuốc nâng huyết áp rất nhiều ngày. Hình ảnh chụp CT phổi cho thấy mức độ tổn thương phổi nghiêm trọng trên 75% diện tích phổi. Quá trình điều trị cần chăm sóc tích cực, đảm bảo các chức năng sống, và mục tiêu kiểm soát bội nhiễm mới mong cứu sống người bệnh" - BS. Phú chia sẻ về quá trình gian nan giành giật sự sống cho người bệnh.  

Rất may mắn cho bệnh nhân, ngày 12/6, sau 17 ngày điều trị tối ưu, bệnh nhân chuyển biến đáng mừng, bệnh nhân tỉnh và hợp tác được, các bác sĩ tập cho bệnh nhân tự thở. Đến ngày 19/6, bệnh nhân đã không còn phải thở oxy, bệnh chuyển sang giai đoạn hồi phục. 

Người phụ nữ nhiều lần thập tử nhất sinh nay đã hồi phục, trở về với gia đình.

Ca bệnh rất nặng thứ 2 là bệnh nhân B.T.D, nam (46 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội), vào viện ngày 7/6/2021. Bệnh nhân tiền sử khỏe mạnh, có yếu tố dịch tễ, được cách ly, sau đó phát hiện dương tính vào ngày 3/6. Do bệnh tình tiến triển xấu, bệnh nhân được tuyến dưới chuyển đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 7/6.

Tại khoa Cấp cứu, các bác sĩ can thiệp thở oxy lưu lượng lớn qua máy HFNC. Tuy nhiên tình trạng bệnh không cải thiện, tình trạng suy hô hấp tiến triển nặng hơn. Các bác sĩ bắt buộc can thiệp thở máy xâm nhập cho bệnh nhân qua ống nội khí quản.

Sau đặt ống nội khí quản, bệnh nhân được chuyển tới khoa Hồi sức tích cực điều trị, tại đây bệnh nhân được thở máy theo chế độ ARDS kĩ thuật cao bảo vệ phổi, theo dõi huyết áp động mạch xâm lấn liên tục, lọc máu hấp phụ cytokines. Sau 15 ngày thở máy và 4 lần lọc máu hấp phụ cytokines, bệnh nhân dần hồi phục.

Ngày 22/6, bệnh nhân tỉnh, tự làm được các động tác đơn giản. BS. Đặng Văn Dương đã tiến hành cai thở máy và rút nội khí quản cho bệnh nhân thành công. Đến nay bệnh nhân đã hồi sức khoẻ đủ điều kiện để ra viện trở về với gia đình.

Bệnh nhân D. đã có 15 ngày thở máy và 4 lần lọc máu hấp phụ cytokines đã khỏe mạnh, xuất viện.

Đây là hai trường hợp bệnh nhân COVID-19 nguy kịch thứ 18, 19 đã được cứu sống ngoạn mục tại bệnh viện tuyến đầu chống dịch này, và là động lực, tiếp thêm niềm tin để các bệnh nhân, thầy thuốc chiến thắng dịch bệnh trong một ngày không xa.


Dương Hải
Ý kiến của bạn