"Chậm 5 phút là không cứu được thai nhi…"
Chia sẻ về ca bệnh đặc biệt này, TTƯT.ThS.BSCKII Bùi Xuân Quyền - Trưởng khoa Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc - người trực tiếp mổ cấp cứu cho bệnh nhân nhận định: "Đây là trường hợp ít gặp, nguy hiểm, chỉ chậm 5 phút thôi là không thể cứu được thai nhi. Sản phụ nhập viện trong tình trạng dây rốn của thai nhi đã sa ra ngoài âm hộ, đe dọa tính mạng của trẻ. Sau hơn 1 giờ đồng hồ nỗ lực hết sức, chúng tôi đã mổ lấy thai thành công và cứu sống bé".
Sản phụ N.T.T.T (27 tuổi), mang thai 37 tuần 5 ngày, nhập viện khoảng 4 giờ 25 phút rạng sáng ngày 4/7 trong tình trạng vỡ ối đột ngột, thai ngôi mông, bắt đầu có cơn co tử cung nhẹ. Bước đầu thăm khám, BS Quyền phát hiện dây rốn của thai nhi bị sa ra ngoài âm hộ sản phụ khoảng 10cm, chẩn đoán sản phụ bị sa dây rau độ 3, sờ không thấy nhịp đập ở dây rốn, tim thai giảm xuống ở mức báo động, đập rời rạc dưới 60 nhịp/phút (nhịp tim thai nhi bình thường là 120-160 lần/phút).
Các bác sĩ đã hội chẩn nhanh, chỉ định mổ lấy thai, đây là ca suy thai cấp tính, cần cấp cứu tối cấp, nếu không mổ kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng của thai nhi.
Được sự đồng thuận của gia đình, ngay lập tức, sản phụ được chuyển lên phòng phẫu thuật cấp cứu theo quy trình và phát báo động đỏ nội viện.
4 giờ 32 phút, các bác sĩ tiến hành gây mê cho sản phụ, chỉ 8 phút sau, BS Bùi Xuân Quyền đã mổ lấy thai thành công, sản phụ an toàn.
Tuy nhiên, ngay sau đó, em bé có tình trạng ngạt trắng toàn thân, trương lực cơ nhão, không nghe được nhịp tim, không thở, chỉ số Apgar 0 điểm. Đây là giai đoạn cuối cùng và nguy hiểm nhất của ngạt ở trẻ sơ sinh. Nếu không cấp cứu kịp thời, nguy cơ di chứng suốt đời hoặc tử vong là rất cao.
Ngay lập tức, BS Vũ Mạnh Dũng - Khoa Nhi Bệnh viện Hồng Ngọc đã tiến hành hồi sức cấp cứu cho bé theo quy trình các bước chăm sóc thiết yếu sau sinh mà bệnh viện triển khai, kết hợp với kỹ năng chuyên môn và các phương tiện hỗ trợ. Sau 3 phút, 5 phút rồi 10 phút, nhịp thở của bé vẫn rất thưa thớt, nhịp tim rời rạc, cánh cửa sinh tử vẫn cận kề. Các y bác sĩ vẫn không từ bỏ, nỗ lực cố gắng hơn trong việc hồi sức cho bé, khoảng 30 phút sau cả ekip vỡ òa khi nhịp tim của bé tăng lên hơn 100 lần/phút, da toàn thân hồng trở lại, chỉ số Sp02 đạt 98,99%.
Quá trình giành giật sự sống cho bé dường như dài vô tận, thế nhưng nhờ sự nỗ lực và tràn đầy hy vọng, ekip ca mổ đã cấp cứu thành công cho bé thoát khỏi nguy hiểm. Sau đó, chuyển bệnh nhi sang Trung tâm sơ sinh viện Nhi Trung ương để hồi sức sơ sinh những bước tiếp theo. Quá trình hồi phục của trẻ đã tiến triển tốt dần. Sau 2 tuần nằm viện, bé đã phát triển khỏe mạnh và được ra viện.
Hạnh phúc đong đầy
Nhớ lại thời khắc sinh tử, chị N.T.T.T vẫn còn rưng rưng nước mắt: "Đây là lần đầu tiên mình mang thai, quá trình thai kỳ bình thường nên mình cũng không ngờ tới trường hợp này, khá bất ngờ và lúng túng. Nhưng cũng thật may mắn là mình đã lựa chọn bác sĩ Quyền và các bác sĩ sản ở Hồng Ngọc để theo dõi thai kỳ và sinh con ở đây, các bác sĩ y tá đã hỗ trợ cấp cứu kịp thời để cứu được em bé. Sau sinh mình không quá đau, chỉ lo nghĩ cho con và cũng buồn nhưng các bác sĩ, y tá vẫn động viên mình phải cố gắng vắt sữa để gửi sang cho con ăn, giúp con nhận được những giọt sữa quý giá đầu đời, tăng kháng thể phục hồi nhanh hơn".
Chia sẻ về ca sinh đặc biệt này, BS Bùi Xuân Quyền – bác sĩ phẫu thuật chính cho sản phụ N.T.T.T không thể nào quên được khoảnh khắc nguy hiểm cận kề cả mẹ và bé: "Nhận được điện thoại của sản phụ N.T.T.T báo nước ối đã chảy xuống chân, dự đoán khả năng xấu xảy ra, tôi bảo sản phụ phải nhập viện ngay. Đồng thời thông báo cho toàn khoa và liên hệ các bác sĩ liên quan chuẩn bị thiết bị y tế, sẵn sàng ứng phó khi sản phụ tới viện. Do đó, khi có phát sinh thì chúng tôi bình tĩnh, phản ứng nhanh và cứu sống bệnh nhân thành công. Đến thời điểm hiện tại, hai mẹ con đã được xuất viện. Các kết quả tái khám cũng rất tốt, không còn gì phải lo lắng. Đội ngũ bác sĩ và gia đình đều vui mừng hạnh phúc bởi kết quả này".
BS Vũ Mạnh Dũng cũng chia sẻ thêm, trẻ bị ngạt sau sinh do sa dây rốn là tình trạng nguy hiểm, cần được phát hiện kịp thời để có thể chuẩn bị trước cho tất cả các tình huống xảy ra. Ekip đã vận dụng các kỹ năng chuyên môn vốn có cùng kiến thức mới được cập nhật trong dự án đào tạo Hồi sức sơ sinh của Hội đồng Hồi sức Châu Âu kết hợp với tổ chức Newborns Vietnam thực hiện. Việc thực hành thuần thục các biện pháp cùng sự phối hợp ăn ý của các thành viên trong ekip đã giúp sớm cứu được em bé thành công.
Mỗi ngày tại Khoa Sản Bệnh viện Hồng Ngọc không những vui mừng đón các bé sơ sinh chào đời mà còn đong đầy niềm vui khi có thể giúp sản phụ và thai nhi vượt cửa tử.