Hà Nội

1/5 trẻ vị thành niên Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần

18-11-2022 16:44 | Y học 360

SKĐS – Kết quả nghiên cứu “Điều tra sức khỏe tâm thần vị thành niên Việt Nam” do Viện Xã Hội học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam công bố ngày 18/11/2022 cho thấy: trong 12 tháng qua, 21,7% số trẻ vị thành niên Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần, trong đó 3,3% đáp ứng các tiêu chí đối với một rối loạn.

Theo báo cáo, rối loạn tâm thần trong vị thành niên ở Việt Nam chưa được biết đến nhiều. Điều tra sức khỏe tâm thần vị thành niên Việt Nam là cuộc điều tra đầu tiên nhằm xác định mức độ phổ biến của các rối loạn tâm thần trong một mẫu hộ gia đình mang tính đại diện toàn quốc ở Việt Nam.

Cuộc điều tra sức khỏe tâm thần vị thành niên ở Việt Nam đã được thực hiện với kết quả mẫu phỏng vấn thành công là 5.996 cặp cha mẹ - vị thành niên, diễn ra từ tháng 9 - 2021 đến tháng 12 - 2021, với sự tham gia của 127 điều tra viên thực hiện việc thu thập dữ liệu ở 38 tỉnh, thành phố.

photo-1668760662122

Hội thảo Phổ biến kết quả nghiên cứu sức khỏe tâm thần vị thành niên Việt Nam

Kết quả điều tra cũng cho thấy, lo lắng là vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến nhất (18,6%), tiếp theo là trầm cảm (4,3%).

Trong 12 tháng qua, chỉ 8,4% vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần đã tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn cho các vấn đề về cảm xúc và hành vi.

Xét tổng thể, chỉ 6,5% vị thành niên đã tiếp cận các dịch vụ này trong 12 tháng qua và hơn 1 nửa (50.8%) chỉ được tiếp cận 1 lần.

Chỉ 5,1% cha mẹ xác định rằng vị thành niên của họ cần được giúp đỡ với các vấn đề về cảm xúc và hành vi trong 12 tháng qua, mặc dù 21,7% thanh thiếu niên đã gặp phải vấn đề sức khỏe tâm thần trong cùng thời kỳ.

Đại dịch COVID -19 đã ảnh hưởng tới cuộc sống vị thành niên với 7,7% vị thành niên cho biết họ thường gặp ít nhất một vấn đề về cảm xúc hoặc hành vi nhiều hơn bình thường trong thời gian đại dịch COVID -19.

Từ kết quả điều tra trên cho thấy, mức độ phổ biến các vấn đề sức khỏe tâm thần trong vị thành niên ở Việt Nam là một vấn đề sức khỏe cộng đồng cần được các nhà lập kế hoạch và hoạch định chính sách quan tâm. Để giải quyết các vấn đề sức khỏe tâm thần vị thành niên ở Việt Nam, các kế hoạch sức khỏe tâm thần quốc gia trong tương lai cần xem xét những nhu cầu cụ thể của vị thành niên bên cạnh những kế hoạch rộng hơn cho người lớn.

Cha mẹ và gia đình chính là nguồn hỗ trợ khả dĩ nhất cho những trẻ vị thành niên có nhiều lo lắng và các mối bận tâm. Việc thiết kế các chiến lược để nâng cao hiểu biết về sức khỏe tâm thần, giảm kỳ thi và nâng cao nhận thức về các dịch vụ sẵn có cho các gia đình có thể hỗ trợ con em có vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Chỉ một số ít vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần được hưởng dịch vụ (8,4%) cho thấy, để hỗ trợ vị thành niên thì điều quan trọng là tầm soát sức khỏe tâm thần phải được lồng ghép vào các dịch vụ y tế đa khoa hiện có, đồng thời cung cấp giáo dục và đào tạo về sức khỏe tâm thần và lộ trình chuyển tuyến cho các bác sĩ đa khoa.

Kết quả 7.7% vị thành niên thường gặp các vấn đề về cảm xúc và hành vi nhiều hơn bình thường trong thời gian diễn ra đại dịch COVID -19 làm nổi bật tầm quan trọng của việc bao gồm sức khỏe tâm thần trong việc lập kế hoạch trước các biến cố ở cấp độ dân số trong tương lai như đại dịch, thiên tai và xung đột.

Mời xem video hấp dẫn:

5 loại thực phẩm bà bầu cần bổ sung để con khoẻ, thông minh

M.Thuy
Ý kiến của bạn