1/3 nhiễm khuẩn bệnh viện có thể phòng ngừa được

15-08-2017 20:48 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo các chuyên gia kiểm soát nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn bệnh viện đang là một trong những nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh.

Ngày 15/8, BV Bạch Mai đã tổ chức hội thảo về nhiễm khuẩn bệnh viện và triển khai kế hoạch điều tra cắt ngang nhiễm khuẩn bệnh viện năm 2017 tại các Khoa lâm sàng, khoa Vi sinh và Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn.

TS.BS Trương Anh Thư, Phó trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, BV Bạch Mai cho biết, nhiễm khuẩn được coi là nhiễm khuẩn bệnh viện khi ngày biến cố xuất hiện sau 2 ngày tính từ ngày nhập viện (ngày nhập viện là ngày 1). Ngày biến cố là ngày xuất hiện dấu hiệu/ triệu chứng đầu tiên đáp ứng một trong số các tiêu chuẩn chẩn đoán nhiễm khuẩn. 

Điều tra cắt ngang nhiễm khuẩn bệnh viện được tiến hành lần này nhằm xác định tỉ lệ mắc, tác nhân gây bệnh và các yếu tố liên quan nhiễm khuẩn bệnh viện. Bên cạnh đó lập kế hoạch tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện. Đối tượng điều tra cắt ngang là mọi bệnh nhân nội trú có thời gian nằm viện từ 2 ngày trở lên, kể cả bệnh nhân xuất viện trong ngày điều tra.



Tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện được coi là một trong các chỉ số đánh giá chất lượng trong Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế và Mục tiêu chất lượng bệnh viện theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008.

Theo các chuyên gia kiểm soát nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn bệnh viện đang là một trong những nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh, làm tăng tỉ lệ người bệnh tử vong, tăng biến chứng, tăng ngày nằm điều trị, tăng mức sử dụng kháng sinh, tăng sự kháng thuốc của vi sinh vật, tăng chi phí dùng thuốc và tăng gánh nặng bệnh tật cho cả người bệnh và hệ thống y tế.

Đặc biệt, nhiễm khuẩn bệnh viện do vi khuẩn đa kháng kháng sinh khó điều trị, khó kiểm soát lây truyền và để lại hậu quả nặng nề cho người bệnh do làm tăng gấp 2 lần ngày nằm viện, chi phí điều trị và tăng tỷ lệ tử vong (30-40%). Trong khi đó, 1/3 nhiễm khuẩn bệnh viện có thể phòng ngừa được.

"Loại bỏ nhiễm khuẩn phải loại bỏ nguồn cư trú của vi sinh vật gây nhiễm khuẩn bệnh viện. Vi sinh vật này ở ngay mỗi con người gọi là vi sinh vật nội sinh (như vi khuẩn đường tiêu hóa, hô hấp, da, đường sinh dục tiết niệu...) trong điều kiện hệ thống bảo vệ cơ thể khỏe mạnh, bình thường thì cơ thể chung sống hòa bình. Nhưng nếu gặp điều kiện thuận lợi thì cơ thể dễ dàng bị nhiễm khuẩn do vi sinh vật trên chính cơ thể mình hoặc từ người nhà, nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân gây nên..."- TS. Thư nói.

Do đó, để hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện, theo các chuyên gia, mọi nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình vô khuẩn trong chăm sóc ở mọi bệnh nhân; phát hiện và tổ chức cách ly sớm bệnh nhân mắc nhiễm khuẩn bệnh viện để phòng ngừa lan truyền các vi khuẩn đa kháng kháng sinh. Đồng thời, có chương trình đào tạo kiểm soát nhiễm khuẩn cơ bản cho học viên tại các trường đạo tạo Y trước khi tới thực hành tại các bệnh viện.

Bên cạnh đó, cần cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng kiểm soát nhiễm khuẩn: nơi xử lý đồ bẩn, phương tiện vệ sinh, hệ thống xử lý nước sinh hoạt, nước thải. Những khu vực cần tập trung nguồn lực là các đơn vị Hồi sức tích cực, cấp cứu, chống độc, nhi sơ sinh và ngoại khoa... Duy trì phương tiện kiểm soát nhiễm khuẩn cơ bản phục vụ công tác vệ sinh tay, vệ sinh môi trường, khử khuẩn tiệt khuẩn dụng cụ, đồ vải....

Trong 146 chủng vi sinh vật phân lập được ở 102 bệnh nhân nhiễm khuẩn bệnh viện, trực khuẩn gram (-) như Acinetobacter baumanii, Pseudomonas aeruginosa và Candida spp chiếm > 70% các tác nhân gây nhiễm khuẩn bệnh viện phân lập được.

Những vi sinh vật này thường cư trú ở bề mặt môi trường ẩm ướt và dễ dàng xâm nhập vào bệnh nhân khi điều kiện thuận lợi: sức đề kháng của cơ thể suy giảm, nằm viện kéo dài...

Hơn nữa, việc điều trị nhiễm khuẩn bệnh viện do các trực khuẩn gram (-) và nấm còn gặp nhiều khó khăn do hầu hết các vi sinh vật này đều đề kháng với các kháng sinh thông dụng. Do vậy, các bác sĩ lâm sàng cần thận trọng khi đưa ra quyết định điều trị kháng sinh cho bệnh nhân nhiễm khuẩn bệnh viện.

D.Hải
Ý kiến của bạn