Người dân cần đảm bảo ăn chín, uống sôi, phòng tránh bệnh lây qua đường tiêu hoá
Trong mùa mưa bão, Cục Y tế dự phòng mạnh mẽ khuyến cáo người dân triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm sau những ngày mưa bão.
Theo đó, cần thiết phải thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường sau mưa lớn, lũ lụt, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Ngoài ra, tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật tránh phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm; phối hợp với nhân viên ngành y tế phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.
Cục Y tế dự phòng cho biết, ngành y tế sẽ giám sát, phát hiện và xử lý các nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm xảy ra sau mưa bão như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm; đặc biệt các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như dịch tả, lỵ, thương hàn…
Tuy nhiên, người dân cần chủ động đảm bảo vệ sinh môi trường quanh khu vực mình sinh sống, thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế tại địa phương.
Nhằm phòng tránh các dịch, bệnh nguy hiểm sau mùa mưa bão, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân: Thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt.
Bảo đảm vệ sinh môi trường: Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật. Sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để xử lý khi chôn cất. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.
Cán bộ y tế hướng dẫn người dân cách khử trùng nước sinh hoạt sau mưa bão
Giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra sau bão và ngập lụt
Trước đó, hôm qua, Cục Y tế dự phòng cũng đã có công điện gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố đề nghị chủ động triển khai các phương án ứng phó về y tế và công tác phòng chống dịch bệnh, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường trước, trong và sau bão, lũ lụt.
Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế các địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng nguy cơ bị ảnh hưởng bão lụt triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác súc vật chết và các biện pháp vệ sinh khác theo các khuyến cáo về các biện pháp phòng chống dịch bệnh sau bão lụt đã được đăng tải trên website của Cục Y tế dự phòng http://www.vncdc.gov.vn.
Tổ chức giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra sau bão và ngập lụt như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết, đặc biệt cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn... Duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch để sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới.
Ngành y tế các địa phương hỗ trợ cung cấp hóa chất, hướng dẫn người dân triển khai thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt bằng Chloramin B, Aquatabs hoặc những hóa chất khử khuẩn khác tại các vùng bị mưa lũ, ngập lụt và sạt lở đất. Bảo đảm nhân lực, thuốc, hóa chất, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm cho các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng của mưa bão, sạt lở đất và ngập lụt.
Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tính đến thời điểm 13h, ngày 3/8, hậu quả của bão số 3 không gây thiệt hại về người. Tuy nhiên, bão đã làm sạt lở 1 điểm trên quốc lộ 279 với khối lượng đất đá khoảng 35m3. Hiện cơ quan chức năng đã tiến hành dọn đảm bảo an toàn giao thông. Sáng 3/8, trên sông Ka Long đoạn thuộc km2 đã có 1 đò chở bột mì đứt neo bị nước lũ cuốn trôi. Rất may, Đội kiểm soát Biên phòng km1, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái đã kịp thời cứu hộ, giúp chủ đò neo đậu an toàn.
Tại Hà Nội, mặc dù không nằm trong tâm bão nhưng do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 nên trên địa bàn Hà Nội đã có mưa to, gió lớn kéo dài gây ngập lụt, đổ cây và sạt lở đê tại nhiều nơi trên địa bàn Thủ đô.
Đối với đất liền: Chủ động vận hành hồ chứa để đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du. Kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập; nhất là các công trình đang thi công; triển khai phương án chống ngập úng tại đô thị.
Rà soát khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Sẵn sàng phương án ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất.
Tổ chức cắm biển cảnh báo; tuần tra, canh gác tại các ngầm tràn, các tuyến đường dễ xảy ra ngập, chia cắt.