Hà Nội

Y tế Quảng Nam tích cực xử lý môi trường và phòng bệnh sau bão lụt

15-11-2017 16:10 | Thời sự
google news

SKĐS - Cơn bão số 12 đã đi qua nhưng nguy cơ gia tăng ô nhiễm môi trường và bùng phát dịch bệnh tại nhiều địa phương do ngập lụt là rất lớn, ngày 07 tháng 11 năm 2017, ngành Y tế Quảng Nam đã ban hành công văn số 1812/SYT – NVY đề nghị các đơn vị Y tế trên địa bàn toàn tỉnh tích cực triển khai công tác khắc phục hậu quả thiên tai bão lũ.

Sở Y tế đã tổ chức các đoàn công tác do Lãnh đạo Sở làm trưởng đoàn, trực tiếp chỉ đạo và giám sát công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường tại các tuyến cơ sở.

TTYT dự phòng tỉnh Quảng Nam đã chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị vật tư y tế để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh của toàn ngành; Hướng dẫn y tế các địa phương các biện pháp vệ sinh môi trường, xử lý nước, giám sát, phòng chống dịch và thống kê báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh trước, trong và sau bão lụt.

Trung  tâm TTGDSK tỉnh đã kịp thời có công văn chỉ đạo các tổ Truyền thông GDSK tuyến huyện/xã tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Đồng thời, đơn vị cũng đã xây dựng các đĩa hình/đĩa tiếng (thông điệp, Hướng dẫn) về “Cách xử lý nước và vệ sinh môi trường, Phòng chống bệnh Đau mắt đỏ, Tiêu chảy, Nước ăn chân, An toàn vệ sinh thực phẩm trong mùa mưa lũ,…” để cấp cho 18 huyện/thị xã/thành phố và phát trên các Đài phát thanh/truyền hình tỉnh/thị xã/thành phố,…

Các Trung tâm y tế huyện/thị xã/ thành phố thực hiện tốt công tác xử lý môi trường trong và sau bão lụt, nước lũ rút đến đâu thì tổ chức khử khuẩn các giếng nước đến đấy nhằm đảm bảo 100% hộ dân trong vùng lũ lụt có nước sạch để sử dụng; Dọn dẹp bùn ứ đọng; Vận động nhân dân thu gom và xử lý rác thải, hướng dẫn nhân dân thực hiện xử lý phân và xác súc chết theo đúng quy định; Tiến hành phun tồn lưu dung dịch chloraminB 0,5% để tẩy uế tiệt trùng tại các nơi công cộng như bến xe, chợ, bãi rác,….; Chỉ đạo các Trạm Y tế xã /phường/thị trấn triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường, loại bỏ các dụng cụ phế thải; Phun hóa chất diệt muỗi tại các vùng nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ Sốt xuất huyết nhằm ngăn chặn không để dịch Sốt xuất huyết bùng phát. Đồng thời các TTYT cũng tăng cường giám sát và phát hiện kịp thời các loại bệnh dịch thường xảy ra trong và sau mưa lũ như bệnh Sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, nấm kẻ chân, cúm, tiêu chảy,…; chuẩn bị đầy đủ các cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện phòng chống dịch và bão lụt,…

Trung tâm y tế huyện Điện Bàn là đơn vị đã chủ động tinh thần ứng phó với bão lũ vừa qua, Ds Phan Văn Tuấn – PGĐ Trung tâm cho biết: “Trước bão lụt, chúng tôi đã cấp ngay xuống mỗi trạm y tế xã/thị trấn 5 kg Cloramin B để sẵn sàng cho công tác xử lý nước, vệ sinh môi trường. Ngay sau khi nước lũ rút, chúng tôi đã liên hệ ngay với TTYT Dự phòng tỉnh, nhận 70 kg cloramin B để cấp tiếp cho tất cả các trạm y tế, chỉ đạo các đơn vị phối hợp cùng chính quyền và nhân dân  địa phương dọn vệ sinh môi trường ở những nơi dân cư đông, chợ,… đồng thời phân công cán bộ y tế đứng điểm, giám sát, theo dõi tình hình dịch bệnh để chủ động xử lý…”

Thành phố Hội An là địa phương có địa thế trũng thấp nên thiệt hại và chịu ảnh hưởng lớn do bão số 12 gây ra, đã có 8/13 xã/phường bị ngập trong nước lũ. Thế nhưng để sẵn sàng đón và phục vụ Hội nghị cấp cao APEC được diễn ra tốt đẹp, ngay sau khi bão tan, TTYT Hội An đã tiến hành thống kê các địa phương bị ngập để tổng vệ sinh môi trường và phun thuốc xử lý. “Chúng tôi đã trực tiếp xuống xã/phường, cùng với y tế xã, nhân dân để dọn bùn, nước ngập ở tất cả các trường học, chợ, các trục đường bị ngập, sau đó dùng xe phun thuốc cloraminB khử khuẩn. Có khoảng gần 100 giếng nước bị ngập lụt, không thể sử dụng được nên chúng tôi đã cấp cloramin B về cho tất cả các trạm Y tế xã để phát cho từng hộ dân, hướng dẫn họ xử lý nước để có nước sạch sử dụng, đảm bảo nguồn nước ăn uống, sinh hoạt. Nhờ vậy, đã không có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố,…” Bs Phạm Minh Đức – Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh TTYT Thành phố Hội An chia sẻ.

Đại Lộc là huyện có 11/18 trạm y tế xã bị ngập lụt và thiệt hại nặng nề với 04 người chết, 29 người dân bị tai nạn do bão lụt; 5.538 giếng nước, 26.087 hố xí, 40 trường học và 15 ngôi chợ bị ngập lụt. Ngay sau lũ lụt, TTYT huyện Đại Lộc đã tổ chức tuyên truyền phòng chống dịch bệnh bằng bài viết qua hệ thống truyền thanh huyện, xã thôn; phối hợp với đội Vệ sinh Phòng dịch của Quân khu V, Quân y tỉnh, Quân y huyện về 3 xã Đại Hòa, Đại An, Đại Cường để phun hóa chất xử lý 17 điểm trường (Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở), 3 UBND xã, 3 trạm y tế; tập trung lực lượng tích cực xử lý môi trường, xác súc vật chết; Xử lý hóa chất các giếng đào bị ngập lụt; Phân công cán bộ lãnh đạo và viên chức đơn vị kiểm tra giám sát tình hình phòng, chống dịch bệnh và xử lý môi trường sau lụt trên địa bàn huyện;  Khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho nhân dân 3 thôn Giao Thủy (Đại Hòa), Thôn Tư (Đại An), thôn Trang Điền Nam (Đại Cường).

Tại các Bệnh viện, Trung tâm chuyên môn thuộc Sở Y tế cũng nhanh chóng kiện toàn các Đội cấp cứu lưu động với đầy đủ cán bộ và trang thiết bị y tế đồng bộ, sẵn sàng cơ động cho cấp cứu, tiếp nhận thu dung điều trị hiệu quả, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.


Trương Hoa
Ý kiến của bạn