Ý nghĩ và cơ thể không thể tách rời

08-05-2017 15:45 | Thông tin dược học

SKĐS - Đó là câu nói của Hypocrate - ông tổ của ngành y học hiện đại, người khởi nguồn cho phương pháp chữa bệnh bằng nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

Đó là câu nói của Hypocrate - ông tổ của ngành y học hiện đại, người khởi nguồn cho phương pháp chữa bệnh bằng nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Ông đã đề cao nguyên tắc: Không chỉ điều trị “thân” bệnh mà còn phải điều trị “tâm” bệnh. Ông nổi danh với “9 lời thề Hypocrate” đã được các thế hệ sinh viên y khoa lấy làm lời thề danh dự trong lễ tốt nghiệp. “Ý nghĩ và cơ thể không thể tách rời” đến nay đã trở thành phương châm để các thầy thuốc ứng dụng trong công tác khám chữa bệnh.

Từ thực tế nghiên cứu

Như chúng ta đã biết, cơ thể là một khối thống nhất, nên ý nghĩ và cơ thể liên quan mật thiết, tác động qua lại lẫn nhau. Khi con người chán nản, bi quan hay suy nghĩ tiêu cực, cơ thể sẽ tiết ra hormone gây căng thẳng, mệt mỏi, có hại cho việc chuyển hóa của cơ thể, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và dễ mắc các loại bệnh, trong đó có bệnh ung thư. Ngược lại, khi vui vẻ, lạc quan, suy nghĩ tích cực, cơ thể sẽ tiết các hormone giúp bạn minh mẫn, tự tin và sức khỏe được tăng cường. Khuôn mặt trở nên tươi tắn, rạng rỡ và khi đó có thể lan tỏa những điều tích cực đến mọi người. Nụ cười - biểu hiện đẹp nhất của suy nghĩ tích cực, có chứa đầy đủ tác dụng y học của nó.

Theo nghiên cứu, nụ cười giúp giảm thiểu các loại hormone như cortisol, adrenalin, dopac gây cho đầu cóc căng thẳng mệt mỏi; giúp kích thích sản sinh: hormone Beta-endophin, GH và các tế bào miễn dịch khiến cơ thể khỏe mạnh, vui vẻ, giảm đau và phòng chống bệnh tật.

Tác dụng của việc suy nghĩ tích cực không chỉ có vậy, nghiên cứu của tiến sĩ David Vesely - Đại học Nam Florida, nước Mỹ (năm 2008) đã chỉ ra: Khi trái tim bình tĩnh, vui vẻ, hạnh phúc, có thể tiết ra một loại hormone chữa lành bệnh ung thư và các bệnh nan y. Điều này chứng minh rằng: bác sĩ tốt nhất là chính bạn. Tim là loại thuốc mạnh nhất, tự nhiên nhất cho sức khỏe và có thể trị liệu mọi chứng bệnh của cơ thể.

Ý nghĩ và cơ thể không thể tách rờiBác sĩ tốt nhất là chính bạn. Tinh thần vui vẻ, lạc quan có thể xua tan bệnh tật.

Hành động của cơ thể cũng có tác động ngược trở lại tới suy nghĩ. Khi ăn các loại thực phẩm như sữa, ngô, đắm mình trong ánh nắng mặt trời, hay luyện tập thể thao đều đặn sẽ giúp cơ thể phát sinh một loại hormone chính của hạnh phúc đó là Serotonin. Serotonin điều chỉnh tâm trạng, ngăn ngừa trầm cảm, cản trở sự kích động, khiến chúng ta thấy hạnh phúc và hòa đồng. Nếu cơ thể không được luyện tập sẽ dễ phát sinh cảm giác mệt mỏi, chán nản.

Qua đó cho thấy, chúng ta cần phải luôn suy nghĩ tích cực cũng như hành động tích cực, để tạo hệ quả tốt đẹp hơn cho cuộc sống của bản thân mình và lan tỏa ra cộng đồng.

Đến sự thấu hiểu nghề

Không phải ngẫu nhiên sư tổ của nền y học hiện đại - Hypocrate lại đưa ra kết luận: “Ý nghĩ và cơ thể không thể tách rời” như vậy, mà qua đây, ông muốn truyền tải đến các thế hệ thầy thuốc một chân lý: Chữa bệnh không chỉ đơn giản là chữa bệnh thể xác mà còn cần chữa bệnh trong suy nghĩ cho bệnh nhân. Hay được hiểu ngắn gọn: Nên chữa cả thân và tâm bệnh.

Người bệnh là người phải chịu sự đau đớn, hành hạ của bệnh tật về thể xác và tinh thần, nên họ thường lo lắng, căng thẳng, dễ phát sinh cáu gắt, giận dữ. Khi mới có bệnh, người bệnh thường hay nôn nóng chữa bệnh, muốn nhanh khỏi bệnh, điều đó vô hình đã đẩy nhiều người bệnh vào trạng thái tâm lý căng thẳng, nghi ngờ, không kiên trì điều trị. Chính vì không kiên trì điều trị, không tin vào thầy thuốc, vào phương pháp chữa bệnh mà người bệnh tuy có tìm đến nhiều nơi, nhưng vẫn không đem lại kết quả. Khi bệnh chữa lâu không khỏi, cuộc sống sinh hoạt, lao động bị xáo trộn, lo lắng về kinh tế, suy nghĩ mình trở thành gánh nặng của gia đình nên khiến người bệnh dễ sinh tâm lý bi quan, chán nản, tuyệt vọng. Trạng thái này khiến cho bệnh tình càng trở nên khó chữa. Rất nhiều bệnh nhân vì quá suy nghĩ về tình trạng bệnh của mình mà không ăn, không ngủ được khiến cho cơ thể thêm suy nhược. Trên thực tế, có bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo tìm đến thầy thuốc với mong muốn tìm được sự bình yên trong tâm hồn hơn là chữa bệnh.

Vì tất cả lẽ đó, vai trò của người thầy thuốc rất quan trọng. Bệnh nhân sẽ chỉ tin tưởng và tích cực chữa bệnh khi người thầy thuốc thật sự “như từ mẫu”.

Để giúp bệnh nhân chữa lành cả tâm bệnh và thân bệnh thì người thầy thuốc phải có đầy đủ chuyên môn, phẩm hạnh và y đức. Khi đặt vào vị trí người bệnh, người thầy thuốc sẽ hiểu rõ hơn và cảm thông với nỗi đau của người bệnh. Từ đó thể hiện thái độ và sự quan tâm, chăm sóc đúng đắn, tạo sự tin tưởng cho bệnh nhân. Người bệnh luôn là người yếu đuối và nhạy cảm, cho nên từng lời nói, cử chỉ của thầy thuốc cũng có thể tác động lên tâm lý người bệnh. Chính vì vậy, người thầy thuốc nên tạo cho bệnh nhân sự bình yên qua giọng nói hiền hòa điềm đạm, cái bắt tay khích lệ, những câu nói động viên, một nụ cười ấm áp... Qua đó, tạo nên sự gần gũi khiến thầy thuốc và bệnh nhân có thể ngồi lại cùng nhau, hợp tác với nhau vì một mục tiêu chung: Chiến thắng bệnh tật.

Khi bệnh nhân đã tin tưởng vào thầy thuốc, sẽ lạc quan, tích cực, quyết tâm điều trị một cách kiên trì. Điều này tạo ra hướng tích cực cho bệnh tình của người bệnh, cũng như “cởi trói” cho tâm lý người nhà của họ. Gia đình bệnh nhân sẽ yên tâm và động viên, giúp đỡ bệnh nhân điều trị một cách tích cực nhất, thay vì lo buồn khiến người bệnh cảm thấy như một gánh nặng cho gia đình.

Thái độ vô cảm, thiếu chia sẻ, thiếu bình tĩnh hay hồ đồ của thầy thuốc thì chỉ nhận được kết quả ngược lại. Do đó, người thầy thuốc giỏi là người thầy thuốc phải biết tìm ra phương cách để chữa được cả tâm bệnh và thân bệnh cho bệnh nhân. Có như vậy, người thầy thuốc mới thấu đáo được đạo nghề.

Mối quan hệ giữa thầy thuốc với bệnh nhân phải được dựa trên nền tảng của sự yêu thương bác ái, sự tôn trọng và chân thành. Qua đó, việc cho và nhận sự giúp đỡ sẽ dẫn đến kết quả tốt đẹp như mong đợi của người thầy thuốc: Tranh chấp sống chết với tử thần, tuổi thọ với mệnh số cho người bệnh.


Tiến sĩ - Lương y Phùng Tuấn Giang
Ý kiến của bạn