Hà Nội

Xử trí nhanh súc vật nghi dại cắn

14-08-2015 07:18 | Y học 360
google news

SKĐS - Khi bị các con vật nuôi trong nhà như chó, mèo (chưa tiêm phòng bệnh dại) hoặc chó, mèo hoang cắn, nạn nhân và những người xung quanh cần biết cách xử trí như sau:

- Trước hết cần phải trấn tĩnh, không hoảng hốt khi bị súc vật cắn, nếu trẻ nhỏ bị súc vật cắn, người lớn nên an ủi trẻ, nhẹ nhàng trấn an trẻ nhằm tránh cho trẻ bị hoảng loạn.

- Xem xét vết thương do súc vật cắn. Vết thương xước da hay chảy máu? Vết thương có sâu và rộng hay không? Có bao nhiêu vết thương? Vết thương ở vị trí nào trên cơ thể...). Rửa tay sạch rồi tiến hành rửa vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước mạnh ít nhất là 5 phút, kể cả vết thương chỉ trầy xước da.

Rửa vết cắn bằng xà phòng và đến cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra và có chỉ định thích hợp.

- Bôi dung dịch sát khuẩn như cồn, cồn iốt đậm đặc... để sát khuẩn, làm giảm đến mức tối thiểu lượng virut dại tại nơi xâm nhập, không được làm dập nát vết thương để hạn chế virut tản phát.

- Dùng miếng vải sạch phủ lên vết thương và băng hờ lại. Sau đó đến ngay cơ sở y tế để được các bác sĩ xem xét và có chỉ định thích hợp.

- Phải tiêm sớm ngay sau khi bị cắn hoặc tiếp xúc với con vật bị dại, nghi dại. Phải tiêm đủ số mũi, đúng khoảng cách giữa các mũi tiêm theo chỉ định của bác sĩ. Tiêm đồng thời cả vắc-xin phòng dại và huyết thanh kháng dại đối với các trường hợp bị chó cắn mà nghi ngờ chó dại hoặc chó đang lên cơn dại; bị cắn ở đầu, mặt, cổ, đầu chi nơi có nhiều dây thần kinh, bộ phận sinh dục... dù vết cắn rất nhẹ và có nhiều vết cắn ở chỗ nguy hiểm, vết cắn sâu.

- Trường hợp vết cắn rất nhẹ, vết cắn xa thần kinh trung ương (ví dụ ở cẳng chân). Tại thời điểm con vật cắn người, con vật đó vẫn sống bình thường, hoàn toàn không có dấu hiệu nghi ngờ dại, tại nơi bị con vật cắn, không phát hiện có bệnh dại ở súc vật thì cần theo dõi con vật 15 ngày. Trong thời gian theo dõi, nếu thấy con vật có biểu hiện không bình thường như: ốm, bỏ ăn, chết, mất tích, bán hoặc mổ thịt... phải đến điểm tiêm phòng dại để được điều trị dự phòng ngay. Nếu sau 15 ngày kể từ khi người bị cắn, tiếp xúc mà con vật đó vẫn sống bình thường thì không cần điều trị dự phòng.

Để phòng bệnh dại, người dân nên hạn chế nuôi chó. Chó nuôi phải xích, nhốt, rọ mõm và  phải tiêm vắc-xin phòng dại đầy đủ. Người bị chó, mèo dại, nghi dại cắn hoặc tiếp xúc với súc vật dại phải rửa vết thương thật kỹ và được điều trị dự phòng càng sớm càng tốt. Những đối tượng có nguy cơ nhiễm virut dại cao như: cán bộ thú y; cán bộ kiểm lâm,... phải tiêm vắc-xin phòng bệnh dại  gây miễn dịch chủ động trước khi bị nhiễm. Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ cần để mắt trông chừng trẻ, nhất là những bé ở độ tuổi chập chững biết đi. Không để trẻ đùa giỡn, kéo đuôi chó mèo. Đối với trẻ lớn, nên giáo dục trẻ biết cách tự bảo vệ bản thân, không đến gần súc vật lạ, không chọc phá súc vật nhất là khi chúng đang ăn hoặc đang ngủ. Cần tiêm phòng bệnh dại cho những vật nuôi thường tiếp xúc với trẻ như chó, mèo.

Người dân khi phát hiện chó, mèo bị bệnh dại hoặc nghi dại cần chú ý không được tiếp xúc với con vật, không di chuyển hoặc bán để hạn chế sự lây nhiễm virut dại sang người và lây lan dịch và phải báo cáo ngay cho chính quyền, nhân viên y tế thôn bản để có biện xử lý ngay.

BS. Nguyễn Văn An

 

 

 


Ý kiến của bạn