Hà Nội

Xử lý triệt để phòng khám Trung Quốc vi phạm

19-12-2017 11:25 | Thời sự
google news

SKĐS - Thông tin chúng tôi vừa nhận được: tại TP.HCM, một số phòng khám có bác sĩ Trung Quốc hành nghề (gọi tắt là phòng khám Trung Quốc) vừa tự giải thể, số khác đang bị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đề nghị tước giấy phép hoạt động...

Đây là tin vui với nhiều người dân, người bệnh, vì nó thể hiện sự kiên quyết của cơ quan chức năng nói chung, của ngành Y tế TP.HCM nói riêng, trước vấn nạn nhức nhối “vẽ” bệnh, moi tiền của người dân của phòng khám Trung Quốc như người dân và báo chí lâu nay phản ánh.

Phạt tiền và đề nghị tước giấy phép hoạt động

Từ đầu năm 2017, Sở Y tế TP.HCM đã thành lập đoàn đánh giá chất lượng phòng khám đa khoa gồm 21 tiêu chí chất lượng của 193 phòng khám trên địa bàn. Bên cạnh đó Sở Y tế cũng đã tổ chức hai khóa đào tạo quản lý phòng khám đa khoa cho tất cả phòng khám, chương trình đào tạo cung cấp đầy đủ các quy định liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ, tài chính, bảo hiểm y tế, giải quyết tranh chấp trong khám chữa bệnh… Để tránh trùng lắp gây ảnh hưởng đến hoạt động của các phòng khám, Thanh tra Sở và Phòng y tế quận huyện đã tạm ngưng thanh kiểm tra các phòng khám đa khoa đến tháng 10/2017.

Trong thời gian này, Thanh tra Sở và các cơ quan báo chí đã nhận được một số đơn phản ánh, khiếu nại về hoạt động của một số phòng Trung Quốc. Dù không đến các phòng khám này để thanh kiểm tra nhưng Thanh tra Sở qua giải quyết đơn thư phản ánh, khiếu nại đã phát hiện một số vi phạm và đã xử lý vi phạm hành chính một cách nghiêm khắc (ở mức khung xử phạt cao nhất).

Xử lý triệt để phòng khám Trung Quốc vi phạmBác sĩ Trung Quốc thường dùng “chiêu” lánh mặt khi đoàn thanh tra đến

Sau khi các đoàn đánh giá chất lượng bệnh viện thực hiện đánh giá xong toàn bộ các phòng khám đa khoa, từ đầu tháng 11/2017, Thanh tra Sở Y tế phối hợp Công an TP.HCM, Phòng Y tế kiểm tra toàn bộ các phòng khám có yếu tố Trung Quốc và xử lý vi phạm hành chính.

Đáng chú ý là, trên địa bàn TP.HCM, từ 17 phòng khám có bác sĩ Trung Quốc tham gia khám chữa bệnh đến nay theo thống kê của Phòng Quản lý dịch vụ y tế (nơi cấp phép) chỉ còn 9 phòng khám đa khoa có đăng ký bác sĩ Trung Quốc tham gia khám chữa bệnh, gồm: Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Elizabeth; Công ty TNHH MTV Dịch vụ Y tế Hoàn Cầu; Công ty TNHH Phòng khám đa khoa 3 tháng 2; Công ty TNHH Dịch vụ Y tế MA YO; Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ Y tế Thái Bình Dương; Công ty TNHH MTV Dịch vụ Y tế Nguyễn Trãi; Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ Y tế Thế Giới; Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ Y tế Thăng Long; Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Đại Đông.

Tuy nhiên, 9 cơ sở còn tồn tại này không phải là “những cơ thể lành lặn”, không có những vi phạm trong khám chữa bệnh.

Qua thanh tra, cơ quan chức năng đã phạt các cơ sở trên với tổng số tiền phạt: 715.800.000 đồng.

Đặc biệt, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã đề xuất trình Giám đốc Sở Y tế tước giấy phép hoạt động có thời hạn một số các phòng khám có vi phạm liên quan đến quá phạm vi chuyên môn đã được cấp gồm 4/9 phòng khám đa khoa: Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Elizabeth; Công ty TNHH MTV Dịch vụ Y tế Nguyễn Trãi; Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ Y tế Thế Giới (Phòng Y tế quận 5 kiểm tra và xử lý); Công ty TNHH Phòng khám đa khoa 3 tháng 2.

Bên cạnh đó, Thanh tra Sở cũng kiến nghị Giám đốc Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo phòng chức năng yêu cầu một số phòng khám tạm dừng hoạt động một số khoa để củng cố, thẩm định lại các điều kiện gồm 4/9 phòng khám Trung Quốc: Phòng khám đa khoa Đại Đông tạm dừng để củng cố khoa Sản;  Phòng khám đa khoa Hoàn Cầu tạm dừng để củng cố khoa Ngoại; Phòng khám đa khoa Âu Á tạm dừngđể củng cố khoa Ngoại, Chẩn đoán hình ảnh; Phòng khám đa khoa Thăng Long tạm dừng để củng cố khoa Ngoại, khoa Sản.

Nguồn tin từ Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết, các vi phạm của các phòng khám Trung Quốc bao gồm: quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo; không lập hoặc lập sổ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật; hồ sơ bệnh án không ghi chép đúng quy định; không bảo đảm các điều kiện về nhân lực trong quá trình hoạt động; không bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất trong quá trình hoạt động; không công khai giá thuốc tại nhà thuốc phòng khám; cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động.

Tiếp tục dùng biện pháp mạnh

Qua các đợt kiểm tra, Thanh tra Sở  Y tế TP.HCM đã kiến nghị Giám đốc Sở yêu cầu các phòng khám này thực hiện một số vấn đề nhằm bảo vệ tốt hơn cho quyền lợi, cũng như sức khỏe người dân.

Với “chiêu vẽ bệnh”, Thanh tra Sở Y tế kiến nghị: “Bệnh nhân vào khám bệnh phải được khám toàn diện và chẩn đoán một lần với phương án điều trị bàn bạc với người bệnh. Khi nào người bệnh đồng ý điều trị và đồng ý tổng chi phí thì mới tiến hành điều trị”. Yêu cầu này nhằm tránh việc bệnh nhân được chẩn đoán nhiều lần, khi đang điều trị bệnh này thì lại được chẩn đoán thêm bệnh khác và cuối cùng thì có hàng loạt bệnh cùng lúc.

Đồng thời, phòng khám phải gửi về Sở Y tế TP.HCM bảng giá của tất cả dịch vụ để được xem xét và niêm yết công khai trên cổng thông tin của sở. Bên cạnh đó, bảng giá phải được niêm yết tại phòng khám và công khai chi tiết cho bệnh nhân biết. Yêu cầu phòng khám ghi hóa đơn thu tiền phải ghi chi tiết từng khoản thu để bệnh nhân theo dõi.

Tất cả phòng khám không được thực hiện việc lưu bệnh qua đêm tại phòng khám.

Phòng khám phải nghiêm túc thực hiện khám chữa bệnh trong phạm vi danh mục kỹ thuật đã được Sở Y tế phê duyệt. Khi vượt ngoài danh mục phê duyệt sẽ xử lý tước phép hoạt động.

Với chiêu bác sĩ Trung Quốc “lẩn trốn” khi có đoàn thanh tra, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM kiến nghị:

Bác sĩ phụ trách chuyên môn kỹ thuật của phòng khám phải có mặt trong thời gian phòng khám đăng ký hoạt động để điều hành hoạt động chuyên môn của phòng khám. Cảnh báo phòng khám về hiện tượng bác sĩ phụ trách chuyên môn kỹ thuật và các bác sĩ trưởng khoa chỉ đăng ký đứng tên mà không có mặt để tham gia hoạt động, nếu Sở Y tế TP.HCM phát hiện ra việc “cho thuê, mượn” chứng chỉ hành nghề sẽ xử lý nghiêm tước chứng chỉ hành nghề theo quy định.

Theo những kiến nghị trên, hình thức xử phạt nặng nhất vẫn là tước giấy phép hoạt động, bên cạnh mức phạt tiền hầu như ở mức nặng nhất.

Với sự “ra tay” kiên quyết của cơ quan chức năng, sự ủng hộ của dư luận, vấn nạn “vẽ bệnh, moi tiền”  của phòng khám Trung Quốc hy vọng sẽ được giảm thiểu.


NGUYỄN HƯNG
Ý kiến của bạn