Xử lý hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi: Không thể làm tới nơi tới chốn?

30-11-2015 15:35 | Thời sự

SKĐS - Liên tiếp trong thời gian qua, hàng loạt thông tin về việc việc sử dụng chất gây ung thư trong trồng trọt, chăn nuôi đã thực sự gây sốc đối với cả người dân lẫn cơ quan chức năng. Hàng tấn thức ăn chăn nuôi trộn chất gây ung thư để làm đẹp màu gia cầm, làm tăng trọng gia súc bị phát hiện, hàng tấn rau bị phun trực tiếp hóa chất gây ung thư... Những điều này đã và đang khiến nhiều người phải suy nghĩ về chất lượng cuộc sống ngày nay.

Có một thực tế hiện nay là thực phẩm bẩn dường như đang góp phần trực tiếp vào phát sinh nhiều bệnh tật, trong đó có việc gia tăng số ca ung thư. Tuy nhiên, việc xử lý những đối tượng sử dụng chất gây ung thư trong thực phẩm lại đang gặp phải rất nhiều khó khăn do chế tài không đủ mạnh. Trong khi đó, người dân lại không biết làm cách nào để giữ an toàn cho chính bản thân và gia đình trước vấn nạn mất an toàn thực phẩm. Đơn cử ngày 12/11, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Trường Phú (Nguyễn Lương Bằng, Hải Dương). Tại đây, lực lượng chức năng đã  phát hiện công ty sử dụng chất vàng ô trong thức ăn chăn nuôi với tỷ lệ 200g/tấn. Ngoài vàng ô, công ty trên còn sử dụng chất auramine - chất tạo màu công nghiệp đã bị cấm sử dụng vào công nghệ thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Lãnh đạo công ty này khai nhận đã mua chất trên ở phố Hàng Buồm (Hà Nội), sau khi trộn vào thức ăn chăn nuôi sẽ đem đi tiêu thụ chủ yếu tại các tỉnh Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên... Doanh nghiệp trên cũng cho biết đã tiêu thụ khoảng 400 tấn thức ăn chăn nuôi loại này. Tiếp đó, ngày 16/11, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại phát hiện vàng ô trong kho của Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi Việt Nhật (Hải Dương). Cùng ngày, lực lượng chức năng phát hiện một thùng phuy màu đen chứa 20kg chất vàng ô và 10 thùng phuy chứa 30kg chất tạo màu công nghiệp giấy (bị cấm sử dụng trong thực phẩm, thức ăn chăn nuôi) tại kho của Nhà máy Chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản Thăng Long (Hưng Yên).

Lực lượng chức năng còn phát hiện bao bì, thùng được dán nhãn mác bằng tiếng Anh có ghi nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc. Phía nhà máy khai nhận là nơi gia công cho Công ty cổ phần Dinh dưỡng Việt Nhật (Hưng Yên). Ngoài số vàng ô được tìm thấy, cơ quan chức năng còn phát hiện khoảng 11 vỏ thùng vàng ô trống tại 2 nhà máy trên, đồng thời tiến hành kiểm tra lấy mẫu thức ăn chăn nuôi của Công ty Trường Phú, phát hiện 7/8 mẫu chứa chất tạo nạc salbutamol, hàm lượng cao nhất vượt 75 lần mức cho phép. Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cả vàng ô và salbutamol đều là các chất cấm gây ngộ độc cấp tính và trường diễn sẽ gây ra bệnh ung thư, hệ lụy của nó không chỉ dừng trên cơ thể người dùng thực phẩm chứa salbutamol và vàng ô, mà còn ảnh hưởng đến cả thế hệ con cháu chúng ta. Tài liệu tại Công ty Trường Phú ghi rõ, vàng ô được sử dụng để trộn với tỷ lệ 2 lạng vàng ô/ 1 tấn thức ăn chăn nuôi - chủ yếu cho gà để làm vàng màu chân, cánh, thịt gà. Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, chất vàng ô giúp làm vàng thức ăn, sau khi đưa vào làm thức ăn cho vật nuôi thì nó làm vàng sản phẩm vật nuôi và chất này hầu như không bị tẩy trừ vì nó là hóa chất và rất bền.Theo đánh giá của lực lượng chức năng, gia súc, gia cầm được nuôi bằng thức ăn chăn nuôi chứa vàng ô có thể được phân phối vào các khu công nghiệp và đây có thể là lý do làm gia tăng số vụ ngộ độc thực phẩm trong các bếp ăn tập thể thời gian vừa qua. Cũng theo lực lượng thanh tra chuyên ngành - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, điều lo lắng nhất là những thức ăn này bị đưa vào các khu công nghiệp, bởi vì người dân sống bên ngoài thì có thể lựa chọn được nhiều cơ sở ăn uống khác nhau, còn công nhân trong các khu công nghiệp thì cho gì ăn nấy, rất nguy hiểm. Việc sử dụng vàng ô và salbutamol làm đẹp màu, tăng trọng cho gia súc, gia cầm đã được nhắc đến khá nhiều trong suốt thời gian qua, nhưng người dân có rất ít thông tin về việc phân biệt thế nào là thịt gà chứa vàng ô, hay thịt bò, thịt lợn chứa chất tạo nạc salbutamol. Ngay cả các tiểu thương bán thịt lợn được hỏi cũng rất khó phân biệt được đâu là thịt được nuôi bằng các chất cấm, chất tạo nạc. Còn cơ quan chức năng cũng chỉ có thể phân biệt thực phẩm tồn dư các nhóm chất cấm này bằng các công cụ mang tính chuyên ngành, khó được phổ biến rộng rãi. Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an đã tiến hành kiểm tra và phát hiện 7/15 công ty sản xuất, phân phối thức ăn chăn nuôi có sử dụng chất cấm trong thức ăn cho gia súc gia cầm. Thế nhưng việc xử lý mới chỉ dừng ở xử phạt hành chính với tổng số tiền 2 tỷ đồng, đồng thời cho thu hồi, tiêu hủy các sản phẩm độc hại chứ chưa thể tiến hành xử lý hình sự. Đây là vấn đề rất bức bách và người dân cũng chưa đồng tình. Nguyên nhân theo cơ quan chức năng mặc dù các văn bản luật hiện hành đã có quy định hình sự về xử lý hành vi buôn bán tàng trữ chất cấm tại Điều 155 và vi phạm an toàn thực phẩm tại Điều 244 Bộ luật Hình sự. Nhưng việc hiện thực hóa cả 2 điều luật này đều vô cùng khó bởi vì về cơ chế xử lý hành vi sản xuất buôn bán, tàng trữ, vận chuyển chất cấm, Điều 155 Bộ luật Hình sự quy định chỉ phạt tù khi phạm tội có tổ chức, hàng phạm pháp số lượng lớn và tái phạm nguy hiểm. Muốn xử lý hình sự hành vi buôn bán vận chuyển sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi phải hội tụ đủ các yếu tố như tái phạm nhiều lần hoặc phải chỉ ra được mức độ thiệt hại nghiêm trọng của hành vi này. Đây là điều kiện vô cùng khó khăn cho cơ quan chức năng khi xử lý hình sự hành vi buôn bán vận chuyển sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi. Trong khi đó, Điều 244 Bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định an toàn thực phẩm, quy định xử phạt tù từ 1 năm đến 15 năm với các điều kiện gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, hoặc đặc biệt nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng cũng gây khó khăn cho lực lượng chức năng vì chúng ta quy định khi phát hiện có tổn hại về sức khỏe rồi mới xử lý vi phạm thì rất bất hợp lý, vì không lẽ khi chúng ta chết rồi thì mới xét lại chúng ta ăn gì, ăn như thế nào để xử lý vi phạm, mà có quay lại truy xuất để xử lý được hay không?Trong khi chờ kiến nghị sửa đổi luật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị và được chấp thuận tăng mức xử phạt hành chính và bổ sung 5 hợp chất vàng ô vào nhóm chất cấm sử dụng trong chăn nuôi. Thế nhưng, trước những mối lợi khổng lồ mà ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi mang lại, khó có thể tin, việc tăng xử phạt hành chính lại có tính răn đe đối với các chủ cơ sở sản xuất, tiêu thụ thức ăn chăn nuôi chứa chất cấm. Và điều đó cũng đồng nghĩa với việc, người dân lại tiếp tục là người gánh chịu hậu quả về nguy cơ mắc nhiều thứ bệnh, trong đó có bệnh ung thư từ những kẻ hám lợi đặt đồng tiền lên trên tính mạng đồng loại.


Mai Anh
Ý kiến của bạn