Trong ngày làm việc trước đó, luật sư và các bị cáo cũng phản ứng khá quyết liệt mỗi lần phóng viên chụp hình. Dù được giải thích rõ việc tác nghiệp này đã được sự đồng ý của chủ tọa và HĐXX, một số bị cáo yêu cầu phóng viên phải đưa “văn bản đồng ý của HĐXX ra đây” và phải được chính bị cáo cho phép. Thậm chí, trước khi chính thức có ý kiến đề nghị với HĐXX không cho phóng viên tác nghiệp, một luật sư bảo vệ cho các bị cáo đã đăng trên facebook cá nhân của mình với lời lẽ khá gay gắt.
Về đề nghị trên, chủ tọa Vũ Thanh Lâm (Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM) trả lời với các luật sư rằng đây là phiên tòa hình sự xét xử công khai, báo chí tác nghiệp phải tuân thủ nội quy phiên tòa, theo đúng Luật Báo chí, chịu trách nhiệm về bài viết, khi tác nghiệp không gây mất trật tự phiên tòa. “Chúng tôi cũng không thể cấm báo chí đưa tin phiên xử được vì phiên tòa công khai” - chủ tọa Lâm khẳng định.
Theo quy định tại Điều 25 Luật Báo chí 2016 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 thì nhà báo được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật.
Do đó, việc các bị cáo trong vụ án xét xử các nguyên lãnh đạo Navibank đề nghị được bảo vệ quyền cá nhân đối với hình ảnh, phản đối báo chí chụp hình khi chưa có sự đồng ý của các bị cáo là không phù hợp quy định pháp luật.
Khi xét xử công khai thì không ai có thể ngăn cản hoạt động của các nhà báo, kể cả việc sử dụng hình ảnh của những người tham gia phiên tòa trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ở đây không nên đánh đồng việc cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình với hình ảnh của họ tại các phiên tòa xét xử công khai. Bởi vì, trường hợp này việc sử dụng hình ảnh của các bị can, bị cáo là vì lợi ích chung. Theo đó, pháp luật quy định: “Việc sử dụng hình ảnh vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng thì không cần sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ” (Khoản 2 Điều 32 BLDS 2015).
Ngoài ra, việc xét xử công khai còn nhằm mục đích tuyên truyền, răn đe, phòng ngừa hành vi tội phạm nên phiên tòa diễn ra công khai thì những người liên quan không thể ngăn chặn, che giấu hình ảnh cá nhân. Thậm chí, ngay cả chủ tọa phiên tòa, người mà Bộ luật Tố tụng Hình sự cho phép toàn quyền điều khiển phiên tòa, nếu không có lý do chính đáng thì cũng không thể tùy tiện ngăn cản phóng viên tác nghiệp.
Việc công khai hình ảnh của những người liên quan trong các vụ án hình sự là cần thiết, pháp luật không nên có ngoại lệ. Điều này không chỉ nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho mọi người dân mà còn bảo vệ quyền lợi cho chính bị can, bị cáo trong trường hợp họ bị oan sai hoặc vì lý do nào đó bị áp đặt, áp dụng khung hình phạt không quy định.