Xà phòng kháng khuẩn có tác dụng như xà phòng thường

30-09-2015 15:10 | Y học 360
google news

SKĐS - Năm 2013, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ yêu cầu các công ty sản xuất xà phòng phải chứng minh được xà phòng kháng khuẩn an toàn...

Năm 2013, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ yêu cầu các công ty sản xuất xà phòng phải chứng minh được xà phòng kháng khuẩn an toàn và hiệu quả hơn xà phòng thường trong việc ngăn ngừa bệnh và sự lây lan bệnh do vi khuẩn. Cuối cùng, xà phòng sát khuẩn chứa triclosan 0,3% đã được chấp nhận và được sử dụng các nước trên khắp châu Âu, Trung Quốc, Canada và Úc...

Gần đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Hàn Quốc đã thực hiện một thí nghiệm về tính năng của xà phòng diệt khuẩn và xà phòng thường. Họ để tay tiếp xúc với vi khuẩn trong 20 giây, sau đó rửa tay với xà phòng sát khuẩn với nước ở nhiệt độ thường, rửa lại lần hai với nước nóng. Họ làm tương tự nhưng với xà phòng thường. Kết quả là tác dụng diệt khuẩn của hai loại xà phòng không khác nhau là bao. Đồng thời, các chuyên gia cũng cho biết rửa tay bằng nước thường hay nước nóng thì cũng như nhau.

Chưa tin tưởng, các chuyên gia mời 16 người khỏe mạnh tham gia nghiên cứu. 16 người này chà tay với mẫu Serratia marcescens, một loại vi khuẩn thường liên quan đến nhiễm trùng bệnh viện. Sau đó, rửa tay bằng hai loại xà phòng trên. Các dữ liệu thu được cho thấy, xà phòng kháng khuẩn không có hiệu quả hơn so với xà phòng thường.

Nhóm nghiên cứu đưa ra hai nhận định. Thứ nhất, xà phòng bổ sung triclosan không có hiệu quả kháng khuẩn trong thời gian ngắn thông qua việc rửa tay. Nó chỉ có tác dụng trong... 9 giờ sử dụng liên tục. Thứ hai, hoạt chất sodium laureth sulfate thường có trong các sản phẩm tẩy rửa có thể làm giảm tác dụng diệt khuẩn của triclosan. Triclosan sẽ mang lại tác dụng hơn khi ở dạng lỏng hoặc với nồng độ cao hơn.

Các chuyên gia cũng cảnh báo về chi phí cao hơn của các chất tẩy rửa chứa triclosan, thậm chí vi khuẩn có thể kháng triclosan. Một điều đáng lo ngại nữa là triclosan còn làm thay đổi hormon và thúc đẩy khối u gan ở chuột (Theo nghiên cứu của Viện hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ).

Ngô Diệp (Theo Medical Daily, 9/2015)

 


Ý kiến của bạn