Hà Nội

Vụ xẻ thịt bò giống ở Quảng Trị: Pháp luật chưa đến cơ sở?

06-04-2018 13:53 | Xã hội
google news

SKĐS - Theo phản ánh của người dân thôn Gia Độ, xã Triệu Độ, (huyện Triệu Phong, Quảng Trị), vào cuối năm 2017, xã Triệu Độ có nhận 10 con bò đực giống theo phân bổ từ chương trình hỗ trợ chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Mỗi con bò đực giống trị giá 18 triệu đồng. Trong đó, người dân đối ứng 4 triệu đồng, 14 triệu đồng được Nhà nước hỗ trợ. Đối tượng áp dụng là các hộ gia đình trực tiếp chăn nuôi và phải cam kết chăm sóc, nuôi dưỡng và khai thác con đực giống ít nhất 48 tháng. Tuy nhiên, sau khi nhận 10 con bò, chính quyền xã Triệu Độ ngay lập tức chia số bò trên cho những người thân cán bộ xã. Chỉ có 2 hộ dân không liên quan đến cán bộ xã được nhận bò. Cũng chỉ một thời gian ngắn sau đó, 5 con bò đực giống trong số đó bị giết thịt.

Ngày 25/3, UBND xã Triệu Độ xác nhận có việc xã này đã chia 8 bò giống cho người nhà cán bộ xã trong số 10 con bò được tỉnh cấp hỗ trợ cho người dân trong xã để phát triển chăn nuôi. Trong đó, 5 con đã bị giết thịt.

Việc chính quyền xã Triệu Độ, Triệu Phong, Quảng Trị ngang nhiên chia bò giống được hỗ trợ cho cán bộ xã và nhiều con đã bị xẻ thịt gây bức xúc, phẫn nộ lớn trong dư luận.

Thời gian vừa qua, nhiều vụ cán bộ cấp xã, cấp thôn bị xử lý do sai phạm liên quan đến việc hỗ trợ sai đối tượng, sai mục đích hoặc ăn chặn tiền hỗ trợ, ủng hộ của người dân đã bị xử lý. Báo chí cũng đưa tin khá rộng rãi, hầu hết mọi người đều biết, vì thế những cán bộ liên quan trong vụ việc này không thể không biết về hậu quả nếu bị phát hiện.

Chính vì vậy, khi xảy ra vụ việc này, xã hội lại càng có lý do để lo ngại về đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ cơ sở. Nguyên nhân là mặc dù nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật, có cả truy cứu hình sự ở các vụ việc trước đó nhưng các sai phạm tương tự vẫn tiếp tục tái diễn, thậm chí còn ngang nhiên, táo tợn hơn.

Vấn đề ở đây không chỉ là lợi ích về vật chất đơn thuần mà còn ý thức chính trị, phẩm chất đạo đức của những cán bộ liên quan đều quá yếu kém, nhất là ý thức chấp hành pháp luật, tuân thủ pháp luật.

Thực tế ở vùng này chưa phải là vùng sâu, vùng xa, biệt lập với bên ngoài để có thể nói là cán bộ ở đây chưa nắm bắt được tin tức về việc xử lý các vụ vi phạm trước đây mà “điếc không sợ súng”. Về phía người dân thì không thể nói là do trình độ dân trí hạn chế đến mức chính quyền có thể che giấu, lừa dối được họ.

Lý do, nếu không quá lời trong trường hợp này, là pháp luật chưa đến được với cán bộ cơ sở! Bởi vì nếu nhận thức được pháp luật, biết tuân thủ pháp luật thì không cán bộ, công chức nào hành xử như vậy, vì trong trường hợp này quá lộ liễu, rất dễ bị phát hiện.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần phải có biện pháp xử lý quyết liệt, nghiêm khắc đối với những cán bộ có liên quan. Điều này không những chấn chỉnh, xử lý đối với các tập thể, cá nhân vi phạm mà còn nhằm làm gương, răn đe, phòng ngừa các trường hợp vi phạm tương tự về sau.


ThS. Phạm Văn Chung (Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum)
Ý kiến của bạn