Em xin hỏi có phải cây chân chim là cây lá đắng không. Vỏ của cây này chữa chữa được bệnh gì. Cách dùng thế nào?
Phạm Thị Tuyết (tuyetpham@gmail.com)
Theo sách “Những cây thuốc vị thuốc” của cố giáo sư Đỗ Tất Lợi, cây chân chim còn có các tên gọi khác cây lá đắng, Nam sâm hay sâm Nam, Kotan (Lào), ngũ chỉ thông, áp cước mộc, nga chưởng sài. Thuộc họ ngũ gia bì. Thân, lá rễ của cây chân chim được dùng làm thuốc. Rễ đào về rửa sạch đất cát, bóc lấy vỏ hoặc thái mỏng nếu là rễ nhỏ, phơi hay sấy khô. Dùng sắc nước uống hoặc phối hợp với các vị thuốc khác làm thuốc bổ mát, thông tiểu tiện. Liều dùng 6-11g.
Theo kinh nghiệm dân gian, vỏ cây chân chim làm thuốc với tên gọi là ngũ gia bì chân chim (vì có tác dụng bổ dưỡng, mạnh gân xương như cây ngũ gia bì).
Sau đây là một số cách dùng:
Chữa tê thấp đau mỏi: Vỏ cây chân chim 2kg, vỏ cây gạo, dây đau xương, thân cây bọt ếch mỗi thứ 1kg. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, nấu với nước, lấy 200ml cao lỏng. Hòa 200ml rượu và 100ml sirô vào cao để được nửa lít thành phẩm. Ngày uống 50ml, chia 2 lần.
Chữa cước khí chân sưng đau: Vỏ cây chân chim, lõi cây thông, hạt cau, hương phụ, hạt tía tô, chỉ xác, ké đầu ngựa, mỗi thứ 8-16g. Tất cả thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml uống 2 lần trong ngày.
Dùng ngoài: Vỏ hoặc lá chân chim 30g phối hợp với lá dâu tằm 30g, lá mía tía 20g, củ nghệ đen 20g. Tất cả để tươi, rửa sạch, giã nát, tẩm rượu 30 độ cho xâm xấp, xào nóng, đắp băng và cố định bằng nẹp tre, chữa gãy xương.
Ở một số nơi, nhân dân sử dụng lá chân chim như một loại gia vị cho vào canh. Canh lá chân chim ăn mát, giải nhiệt, kích thích tiêu hóa, nhuận gan.
BS. Đỗ Minh Hiền