Báo SK&ĐS xin lược ghi ý kiến phân tích các quy định của pháp luật về điều tra đối với Vũ “nhôm” của một số luật sư, chuyên gia pháp lý.
Quy trình tiến hành tố tụng sẽ được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015
Trao đổi với phóng viên về vụ việc này, luật sư Nguyễn Tiến Thủy - Trưởng Văn phòng luật sư Việt Lý (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, theo thông tin báo chí nêu, Cơ quan ANĐT - Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Phan Văn Anh Vũ về tội “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước”, theo Điều 263 Bộ luật Hình sự. Tiếp đó, Cơ quan ANĐT ra quyết định truy nã sau khi xác định ông Vũ không có mặt tại nơi cư trú. Đến ngày 4/1/2018, Cơ quan ANĐT tiếp nhận, bắt bị can Phan Văn Anh Vũ, sau khi ông Vũ bị Singapore trục xuất. Như vậy, theo luật sư Thủy, quy trình tiến hành tố tụng tiếp theo đối với ông Vũ sẽ được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018). Theo đó, Cơ quan ANĐT sẽ ra quyết định đình nã bị can này. Đồng thời, do ông Vũ đã bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã nên căn cứ theo Điểm c Khoản 2 Điều 119 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, Cơ quan ANĐT - Bộ Công an sẽ ra lệnh/ quyết định bắt bị can để tạm giam đối với ông Vũ. Lệnh/quyết định bắt bị can để tạm giam phải được Viện Kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
Quy trình tiến hành tố tụng tiếp theo đối với Vũ “nhôm” sẽ được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018).
Ngoài các biện pháp nhằm thu thập chứng cứ đã tiến hành trước đó như khám xét, thu giữ, Cơ quan điều tra sẽ tiến hành thêm một loạt các biện pháp cần thiết theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 đối với ông Vũ để điều tra, làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Trong đó, có thể kể đến các hoạt động như: hỏi cung bị can, triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra, trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản. Việc tiến hành đầy đủ toàn bộ hay chỉ một trong số hoạt động điều tra đã nêu sẽ do Cơ quan điều tra cân nhắc về sự cần thiết.
Cũng theo luật sư Thủy, quá trình điều tra, nếu có căn cứ xác định còn tội phạm khác chưa bị khởi tố thì Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự. Nếu phát hiện còn người phạm tội khác trong vụ án chưa được khởi tố thì Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can. Việc này nhằm giải quyết toàn diện vụ án, tránh bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
Việc điều tra sẽ kết thúc khi Cơ quan điều tra ra bản kết luận điều tra. Trong trường hợp đề nghị truy tố, bản kết luận điều tra sẽ ghi rõ diễn biến hành vi phạm tội; chứng cứ xác định hành vi phạm tội của bị can, thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đặc điểm nhân thân của bị can; việc thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật và việc xử lý vật chứng; nguyên nhân và điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội và tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án; lý do và căn cứ đề nghị truy tố; tội danh, điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự được áp dụng; những ý kiến đề xuất giải quyết vụ án. Có thể nói rằng, việc bắt và điều tra Vũ “nhôm” sẽ trả lời được những câu hỏi mà dư luận đã đặt ra trong thời gian qua: Vũ “nhôm” đã làm lộ những bí mật gì? Vì sao Vũ “nhôm” biết tin bị điều tra, khởi tố để bỏ trốn?...
Bắt được Vũ “nhôm” có thể làm sáng tỏ dấu hiệu phạm pháp hình sự khác
Theo TS. Dương Thanh Biểu - nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết, Bộ Nội vụ Singapore xác nhận đã trục xuất bị can Phan Văn Anh Vũ về Việt Nam vì vi phạm đạo luật nhập cư Singapore. Bị can Vũ đã nhập cảnh Singapore với hộ chiếu Việt Nam nhưng không đúng tên thật của mình, mặc dù khi đó bị can Vũ cũng mang theo trong người một hộ chiếu Việt Nam với tên thật của mình. Ngoài ra, bị can Vũ còn mang theo một hộ chiếu thứ ba. “Singapore phát hiện bị can Phan Văn Anh Vũ mang hộ chiếu giả nên theo nguyên tắc đã trục xuất, trả về nơi xuất cảnh là Việt Nam. Bị can Vũ đang bị truy nã nên Bộ Công an tiếp nhận trường hợp này là đúng pháp luật. Như vậy có thể thấy bị can Vũ đã sử dụng 2 hộ chiếu và sẽ bị xem xét về việc này theo quy định của luật. Tới đây Bộ Công an sẽ điều tra làm rõ bị can Vũ đã sử dụng hộ chiếu như thế nào, ai là người giúp sức nếu có việc làm giả hộ chiếu?” - TS. Biểu nhận định.
TS. Dương Thanh Biểu cho rằng, việc bắt được bị can Phan Văn Anh Vũ sẽ giúp Cơ quan điều tra Bộ Công an giải đáp toàn bộ những bí ẩn, thắc mắc bấy lâu của dư luận xung quanh nhân vật này và tại sao chỉ trong thời gian ngắn lại có thể thâu tóm rất nhiều nhà, đất công sản ở vị trí đắc địa như vậy tại Đà Nẵng? Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương cả nước ngày 25/12/2017, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nói: “Dư luận Đà Nẵng cho rằng các vụ việc nổi cộm của ông Vũ tại Đà Nẵng chủ yếu liên quan đến đất đai, bất động sản, nhưng quyết định khởi tố chỉ nói liên quan đến việc “làm lộ bí mật Nhà nước”. Trong một thời gian dài, đối tượng đã có đủ thời gian để xử lý các vấn đề liên quan đến tài sản, đất đai, chứng cứ”. Hiện nay khối lượng nhà đất liên quan đến ông Vũ tại Đà Nẵng rất đáng kể nhưng khi các cơ quan chức năng đang điều tra thì ông Vũ đã rút vốn ra khỏi 5 công ty và nhiều công ty khác cũng như chuyển nhượng nhiều tài sản cá nhân.