Hà Nội

Vì sao Trung Quốc “đổ tiền” vào Trung-Đông Âu?

28-11-2017 10:44 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngày 27/11, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết nước này sẽ cấp hơn 3 tỷ USD cho các dự án đầu tư và phát triển tại Trung Âu và Đông Âu (CEE). Giới phân tích cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc hào phóng mà Trung Quốc đang có nhiều tính toán ở khu vực này.

Phát biểu tại thủ đô Budapest của Hungary, ông Lý Khắc Cường nêu rõ: "Ngân hàng Phát triển Trung Quốc sẽ cung cấp 2 tỷ euro (tương đương 2,39 tỷ USD). Giai đoạn 2 của quỹ hợp tác đầu tư Trung Quốc - CEEC được khởi động với mức vốn 1 tỷ USD, phần lớn sẽ được chuyển tới các nước CEE".

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tới Hungary trong chuyến thăm chính thức quốc gia này và tham dự Hội nghị thượng đỉnh CEEC-Trung Quốc. Hội nghị thượng đỉnh 16 nước Trung - Đông Âu (CEEC) và Trung Quốc (hay còn gọi là Hội nghị thượng đỉnh 16 1) là ý tưởng của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa Sáng kiến “Một Vành Đai, Một Con Đường” do Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất. Đây là sáng kiến đầy tham vọng của Trung Quốc muốn mở rộng và thúc đẩy hợp tác với 16 nước Trung và Đông Âu trong các lĩnh vực đầu tư, giao thông vận tải, tài chính, khoa học, giáo dục và văn hóa.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến Hungary nhằm hiện thực hóa tham vọng của Trung Quốc.


Để hiện thực hóa sáng kiến “Một Vành Đai, Một Con Đường”, Trung Quốc dự kiến sẽ đầu tư hàng tỉ đô la Mỹ xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng như cảng biển, đường sắt và đường bộ dọc theo Con đường tơ lụa cổ nối liền quốc gia này với châu Âu. Tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 5 được tổ chức ở Latvia tháng 11 năm 2016, các nhà lãnh đạo 17 nước đã thông qua Tuyên bố Riga tái khẳng định sự ủng hộ đối với sáng kiến của Trung Quốc kết nối hai khu vực, và hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6 tại Hungary sẽ cụ thể hóa các bước thực hiện các dự án hợp tác chung.

Dù nằm cách xa nhau về mặt địa lý, nhưng Trung Quốc và các nước Trung-Đông Âu đã thiết lập một nền tảng hợp tác xuyên khu vực. Thủ tướng nhà Hungary Viktor Orban nhận định 16 nước Trung-Đông Âu tham dự hội nghị chính là động lực thúc đẩy nền kinh tế châu Âu, và châu Âu cần phải hợp tác với một nền kinh tế đang nổi như Trung Quốc cả về tài chính và công nghệ để phát hiển hơn trong tương lai. Trong khuôn khổ CEE, Hungary cũng công bố gọi thầu dự án nâng cấp tuyến đường sắt nối liền Hungary và Serbia trị giá gần 2 tỉ euro, với phần lớn vốn vay từ Ngân hàng Xuất-nhập khẩu Trung Quốc.

Tham vọng của Trung Quốc

Giới phân tích cho rằng không phải ngẫu nhiên Trung Quốc lại rót tiền vào Trung-Nam Âu. Một mặt, Trung Quốc quyết tâm thực hiện chiến lược tăng cường sự hiện diện của mình tại Trung và Đông Âu để tiến sâu vào trong EU, tạo hành lang kinh tế Á-Âu. Mặt khác, việc thiết lập diễn đàn 16 1 tại Bắc Kinh 5 năm trước chính là cơ hội để Trung Quốc tăng cường quan hệ với các quốc gia Trung và Đông Âu, cũng như kết nối với Châu Á, châu Phi và châu Âu thông qua sáng kiến “ Một Vành Đai, Một Con Đường”. Từ đó, tạo bàn đạp cho Trung Quốc thâm nhập mạnh mẽ hơn vào thị trường rộng lớn, có nhiều thị phần béo bở trong EU, trở thành đối trọng kinh tế cạnh tranh của EU. Nguy hiểm hơn, đó là việc mở rộng hợp tác kinh tế với chính các thành viên EU không chỉ giúp Trung Quốc khẳng định vị thế quốc tế đang lên, mà còn triển khai các mục tiêu chiến lược như dự án “Con đường tơ lụa”, gây sức ép EU công nhận quy chế kinh tế thị trường của nước này hay việc ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ.

Đây cũng là lý do khiến Brussels lo ngại và không muốn Trung- Đông Âu “bắt tay” với Trung Quốc. Bởi trong số 16 nước Trung và Đông Âu hợp tác với Trung Quốc có tới 11 nước là thành viên EU và 5 nước còn lại ở khu vực Balkans đang ở ngưỡng cửa vào ngôi nhà chung EU.

Như vậy, chuyện Trung Quốc đẩy mạnh sự hiện diện ở EU mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Bởi một vị thế kinh tế vững chắc trước EU sẽ biến thành vũ khí giúp Trung Quốc giành phần thắng trong các cuộc mặc cả với EU. Mới đây nhất, 3 nền kinh tế hàng đầu EU là Đức, Pháp và Italia đã công khai ủng hộ đề xuất của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker hạn chế khả năng Trung Quốc thâu tóm các công ty châu Âu. Ngược lại với sự lạc quan của Trung-Đông Âu đối với đầu tư của Trung Quốc, làn sóng phản đối chủ nghĩa bảo hộ bài Trung Quốc đang dâng cao tại các khu vực còn lại ở châu Âu.


Nhật Quang
Ý kiến của bạn