Vị lãnh đạo đức độ của ngành y tế vừa đi xa...

12-03-2017 19:18 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Cuối năm 70 thế kỷ trước, Vụ Quản lý Sức khỏe Bộ Y tế (sau đổi tên là Vụ Điều trị, nay là Cục Quản lý Khám chữa bệnh) đón nhận vị Vụ trưởng mới.

Cuối năm 70 thế kỷ trước, Vụ Quản lý Sức khỏe Bộ Y tế (sau đổi tên là Vụ Điều trị, nay là Cục Quản lý Khám chữa bệnh) đón nhận vị Vụ trưởng mới. Ông có tầm vóc to cao, luôn niềm nở, thân tình với cấp dưới. Gặp ông hàng sáng, ông luôn chào hỏi và chủ động đưa bàn tay bắt chặt mọi người (khác với những cái bắt tay hờ hững của không ít vị có chức, quyền thời đó). Điều ông quan tâm nhiều nhất là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong các cơ sở y tế, chú trọng tâm lý tiếp xúc giữa thầy thuốc và bệnh nhân. Thời gian ngồi làm việc ở bàn giấy của Vụ trưởng không nhiều, bởi ông dành cho việc đi thăm các cơ sở y tế, cùng họ tìm cách tháo gỡ khó khăn, hoặc đưa ra các giải pháp trình lãnh đạo để hỗ trợ cho ngành y tế. Nhờ  phương pháp gần gũi cơ sở, ông đã góp phần tích cực trong việc nâng cấp bệnh viện, hoặc cùng các giáo sư hàng đầu về phòng dịch, chữa bệnh như Hoàng Thủy Nguyên, Đặng Đức Trạch, Vũ Văn Ngũ, Đào Đình Đức... tiến hành sản xuất các loại vắc-xin phòng chống bệnh bại liệt, viêm não Nhật bản B, viêm gan B và nhiều dịch bệnh khác...

Vào thời gian đó, đời sống cán bộ, nhân viên y tế và nhân dân ta gặp rất nhiều khó khăn vì đất nước mới ra khỏi chiến tranh ác liệt kéo dài chưa lâu, bị cấm vận nặng nề, lại bị gò bó bởi cơ chế quan liêu bao cấp (hàng tháng, từng cái kim, cuộn chỉ, bánh xà phòng, gói chè cám, đến cân gạo hẩm mốc độn bo bo, bìa đậu, lạng mỡ bèo nhèo,... đều phải phân phối hoặc mua bằng tem phiếu được định lượng ít ỏi). Hàng ngày ông đến cơ quan Bộ trên chiếc xe môtô MZ cá nhân mặc dù ông có tiêu chuẩn ôtô đưa đón. Hai ông bà vẫn cư ngụ tại ngôi nhà cũ kỹ mà gia đình để lại tại số 3 phố Chân Cầm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Vị lãnh đạo đức độ của ngành y tế vừa đi xa...Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế, BS. Nguyễn Công Thắng, người đứng hàng đầu, thứ 4 từ phải sang.

Với khả năng ngoại ngữ thông thạo ba thứ tiếng Pháp, Nga, Anh và phong cách giao tiếp gần gũi, chân thành, ông làm việc với một số cơ quan các nước ở Hà Nội; kết quả đem lại vô cùng quý giá: Kể từ năm 1981, Algérie đồng ý tiếp nhận số lượng lớn chuyên gia y tế Việt Nam đến làm việc với mức lương khá cao. Hàng nghìn chuyên gia y tế Việt Nam đã luân phiên làm việc ở đây trong suốt hơn 30 năm sau đó. Cuộc sống của gia đình họ được cải thiện rõ rệt, đồng thời Nhà nước ta cũng thu được khoản tài chính lớn trích từ lương chuyên gia để trang trải số nợ tiền mua xăng dầu của nước bạn trong cuộc chiến tranh trước đó. Trong chuyến sang làm việc với Bộ Y tế Algérie giữa năm 1982, ông đã thuyết phục được phía bạn tiếp nhận gần 500 chuyên gia y tế trong năm sau, và ông vui mừng báo cho chúng tôi rằng, cuối năm đó hàng trăm chuyên gia y tế đã được ghi tên trong danh sách chính thức được phía bạn gửi vé máy bay mời đến làm việc. Với Hiệp định hợp tác chuyên gia y tế giữa Việt Nam và Algérie đã được Chính phủ hai nước ký kết, hàng trăm bác sĩ, điều dưỡng viên đã được cử sang làm chuyên gia để ngoài việc cống hiến trí lực cho ngành y của nước bạn, họ cũng có cơ hội cải thiện cuộc sống vốn còn đang rất khó khăn khi đó, hơn thế, nhiều chuyên gia được bạn rất quý trọng về tài đức như BS. Đặng Kim Châu (chuyên khoa chấn thương), BS. Nguyễn Xuân Thụ (Bàn tay vàng của Viện Nhi TW về ngoại nhi), BS. Nguyễn Thuyên (chuyên khoa ngoại tiêu hóa) - người được đích thân Tổng thống Bouteflica bay từ Thủ đô Alger đến El Milia trao tặng kỷ vật và dành những cái bắt tay nồng ấm, khen ngợi anh là Bàn tay Vàng của Việt Nam, vì có công cứu sống rất nhiều bệnh nhân qua cơn thập tử nhất sinh. Ngay trước đêm lên máy bay về nước kết thúc nhiệm kỳ, BS. Nguyễn Xuân Thụ vẫn mổ cấp cứu thành công một trường hợp nặng là người thân của một quan chức tại Bệnh viện Mila, tỉnh Constantine, được phía bạn ca ngợi. Về nước, các anh đều được trao danh vị Giáo sư y học một cách xứng đáng.

Từ Algérie trở về, tôi quay lại làm việc, khi ông Vụ trưởng mà tôi nêu trên đã thăng chức là Thứ trưởng Thường trực của Bộ Y tế. Gặp tôi, ông rất mừng vì bản thân đã vượt qua nhiều khó khăn ban đầu, sau thời gian làm việc, được Bộ Y tế nước bạn ra quyết định kéo dài nhiệm kỳ; biết được điều đó, ông điện báo khuyên tôi về nước làm việc, dành chỗ cho nhiều đồng nghiệp đang ngóng chờ chuyến đi chuyên gia, và tôi đã vui vẻ chấp hành.

Mới đầu tháng 4 năm 1985, dù chưa vào mùa hè cao điểm nóng nực, là thời điểm dịch bệnh đường tiêu hóa dễ bùng phát, mà đã xuất hiện một trường hợp bệnh tả, người bệnh ngụ tại phường Đồng Tâm - ngay trước cổng BV Bạch Mai, bị mắc bệnh trên đường từ TP.HCM ra Hà Nội (do tình hình hồi đó, để tránh những hoang mang không có lợi trong cộng đồng nên đã phải thông tin là dịch bệnh tiêu chảy). Trên cương vị Thứ trưởng Thường trực, ông rất lo lắng. Ông đề xuất việc nhập khẩn cấp cloramin B từ Đông Âu, để khử trùng trong nước sinh hoạt, giảm thiểu tác hại về sức khỏe cho người dân. Một buổi sáng, ông điện gọi tôi lên gặp, thông báo ý định là Bộ cần chi viện thuốc và dịch truyền thẳng đến tận cơ sở chữa bệnh, nhằm hỗ trợ nhanh nhất, giúp cơ sở khám chữa bệnh cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân. Tôi ghi chép cẩn thận ý kiến của ông nhưng khi thấy tôi có vẻ trầm tư, ông gặng hỏi. Tôi trình bày là suốt thời gian xảy ra vụ dịch, bản thân đã sớm gặp các giáo sư Vũ Văn Ngũ, Đào Đình Đức... để xác định phẩy khuẩn tả mang tên El To, khả năng lây lan không nhanh nếu phát hiện sớm và cách ly ổ dịch tốt, chữa bệnh đúng phác đồ, giữ gìn sạch sẽ nguồn nước, thực phẩm, đảm bảo ăn chín, uống sôi, không bón phân tươi cho rau và hoa màu. Cần tuyên truyền rộng rãi thường xuyên, liên tục trên các phương tiện truyền thông, quan tâm đến các bến xe, nhà ga, các đơn vị quân đội, trường học, chợ búa, các quán ăn vỉa hè, xử lý chất thải, nước thải, làm vệ sinh môi trường... Việc chuyển thuốc và dịch truyền trực tiếp về tận cơ sở chưa nên thực hiện vào lúc này, vì ba lý do: một là dự báo dịch bệnh của các GS; hai là thuốc men và các loại dịch truyền đã được Bộ cấp cho Y tế Hà Nội 1984 vẫn còn đủ, thậm chí còn dôi dư (do ngay khi dịch xảy ra, giữa Vụ Quản lý Sức khỏe, Vụ Vệ sinh phòng dịch và Cục Vật tư đã cùng nhau tính toán cẩn thận tình hình dịch bệnh năm trước (1984), thuốc và dịch truyền đã được cung ứng và sử dụng, cộng với một tỷ lệ hư hao cho phép, đưa ra thông số tin cậy, là chưa cần chi viện thuốc và dịch truyền cho Hà Nội vào lúc này; thứ ba là nếu chuyển thẳng thuốc và dịch truyền cho cơ sở, sẽ khó khăn trong việc quản lý, sử dụng và phát sinh phản ứng của Sở Y tế Hà Nội. Ông lắng nghe ý kiến phản biện của tôi, rồi vỗ vai tôi mà nói rằng, các cậu đã làm việc thận trọng và có căn cứ thực tế, rồi dặn tôi là sáng hôm sau cần nói rõ cho Sở biết (khi đó, Sở Y tế Hà Nội đặt ở phố Thợ Nhuộm, sáng nào trong tuần, lãnh đạo Sở cũng cùng lãnh đạo các cơ sở y tế quận, huyện dự giao ban chống dịch). Tôi hứa với ông là cùng các đồng nghiệp ở Bộ luôn bám sát diễn biến của dịch và không để Hà Nội bị động vì thiếu thuốc, dịch truyền và chi viện kịp thời khi cần thiết... Không khí cuộc giao ban tại Sở Y tế sáng hôm sau lúc đầu có phần căng thẳng khi lãnh đạo Sở biết dự kiến của Bộ nói trên; chúng tôi đã giải thích cặn kẽ, kể cả đưa ra các số liệu để chứng minh, làm cho mọi người yên lòng. Tổng kết vụ dịch năm đó chỉ có 41 trường hợp mắc và tử vong 1 người do đến bệnh viện quá chậm. Bệnh viện Thanh Nhàn đã cứu sống một bệnh nhân nữ ngoài 60 tuổi với phác đồ điều trị tích cực, đã tạo nên niềm tin trong ngành và nhân dân. Đó chỉ là một trong nhiều ví dụ đáng mừng mà y tế Hà Nội đã phòng chống thành công dịch tả và sau đó là dịch hạch vào năm 1985. Câu chuyện kể trên, là lần đầu tiên tôi được gặp một vị lãnh đạo của Bộ biết lắng nghe ý kiến trái chiều của cấp dưới mà không có phản ứng khó chịu!

Vật kỷ niệm về vị Thứ trưởng Thường trực mà tôi còn trân trọng lưu giữ, đó là cuốn sách “Suối nguồn tươi trẻ” toàn tập, dài hơn 400 trang của tác giả Peter Kelder được ông đề tặng khi tôi đến thăm vào thời gian ông đã nghỉ hưu, sau khi trở về từ chuyến thăm gia đình anh Hoàng Minh Chương, con rể của ông bà và là bố đẻ Đại Kiện tướng cờ vua Thế giới Hoàng Thanh Trang. Đây là cuốn cẩm nang quý giá, giúp rèn luyện sức khỏe cho bản thân.

Ở tuổi 93, với hơn 60 năm tuổi Đảng, vượt qua hai cuộc chiến

tranh ác liệt và hoàn thành xuất sắc công việc được giao trên cương vị lãnh đạo tại nhiều cơ quan, đơn vị quân, dân y và ngành khác nhau, ông là một người đức độ, tài năng, đầy lòng nhân ái. Ghi nhận công lao của ông trong hai cuộc kháng chiến và xây dựng ngành y tế, Nhà nước đã trao tặng ông nhiều tấm Huân chương cao quý.

Ông đã thanh thản ra đi về cõi vĩnh hằng, để lại mãi mãi niềm tiếc thương, sự kính trọng, lòng biết ơn và lương tâm của nhiều người trong và ngoài ngành y tế.

Ông là bác sĩ Nguyễn Công Thắng, Thầy thuốc Nhân dân, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế.

Cúi mình tưởng niệm và nén nỗi đau đớn từ trái tim mình, xin được thắp nén tâm nhang để tưởng nhớ tới ông - một người đức độ.

 


BS. Lâm Đức Hùng
Ý kiến của bạn