Vào nơi “Tề Thiên Đại Thánh” hiến thân cho y học

19-10-2012 14:26 | Xã hội
google news

Ở Quảng Ninh, có một hòn đảo mà người dân ở đây vẫn trìu mến gọi bằng cái tên “Hoa quả sơn”. Tại đây, chúng tôi đã được nghe những câu chuyện hiến thân cho khoa học, câu chuyện giữa người và khỉ đầy xúc động.

(SKDS) - Ở Quảng Ninh, có một hòn đảo mà người dân ở đây vẫn trìu mến gọi bằng cái tên “Hoa quả sơn”. Tại đây, chúng tôi đã được nghe những câu chuyện hiến thân cho khoa học, câu chuyện giữa người và khỉ đầy xúc động.

Năm 2000, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức ghi nhận Việt Nam là nước đã thành công trong việc thanh toán bệnh bại liệt. Có được điều này là do Việt Nam đã nghiên cứu thành công vắc-xin bại liệt trên tế bào thận khỉ Macaca mulatta (khỉ vàng). Được biết đây là giống khỉ hiện nay đang được nuôi tại một vùng đảo riêng biệt của Việt Nam.
 Những căn nhà nhỏ được xây trên vách đá là nơi nhốt riêng những chú khỉ đã tiêm vắc-xin trên đảo Rều Đá.

Câu chuyện “Hoa quả sơn”

Bến cảng Vũng Đục (thị xã Cẩm Phả - Quảng Ninh) hôm nay có vẻ không đông đúc như mọi ngày, có lẽ do chúng tôi ra vào giờ nửa chừng, còn người dân miền biển thì quen đi lại vào buổi sáng sớm. Đã hẹn trước anh Long (biệt danh “chúa đảo”) nên chúng tôi ung dung ngồi đợi tại bến cảng. Nhìn quanh, chợt “máu tò mò” của tôi nổi lên khi thấy xung quanh bến cảng, người ta bán rất nhiều hoa quả mà đặc biệt là chuối. Có lẽ đống đồ đạc chúng tôi mang theo (máy ảnh, máy quay...), đã khiến người dân nơi bến cảng phần nào đoán ra chúng tôi đi đâu.
 
Thế nên khi tôi mới lại gần xem, chị bán hàng đã nhanh miệng mời chào: “Ra đảo mà em không mua quà cho lũ khỉ là không lấy lòng chúng nó được đâu. Ưu tiên em khách lạ, chị còn mấy nải chuối bán rẻ nốt cho em đấy”. Lời mời chào của chị làm tôi cũng chợt nhớ ra, trước khi ra đảo, tôi đã được một người bạn giới thiệu lũ khỉ ở đây gớm lắm đấy, đồ đạc ngoảnh trước, ngoảnh sau đã không thấy đâu rồi. Thế là trong bụng tôi mừng thầm, chắc mẩm có cái để lấy lòng “cư dân” đặc biệt của “Hoa quả sơn” rồi.
 
Chiếc ca nô của “chúa đảo” nhẹ nhàng lướt trên những con sóng trong vịnh Bái Tử Long. 10 phút sau, chúng tôi đã có mặt trên “Hoa quả sơn”. Lãnh địa của những chú khỉ hiến thân cho khoa học này thuộc địa bàn thị xã Cẩm Phả - Quảng Ninh, còn có tên là đảo Rều Đất (Hòn Rều). Đây là một hòn đảo nhỏ cách cảng tàu du lịch Bãi Cháy khoảng hơn 500m. Đảo có diện tích khoảng 1km2, được phát hiện và khai khẩn vào những năm 1960.
 
Đàn khỉ ở đây có khoảng gần 1.000 con, thuộc loài khỉ vàng Macaca Mulatta và Macaca Nemestrina (2 loài khỉ quý hiếm có trong danh sách bảo vệ của Việt Nam).  Rều Đất là hòn đảo thuộc Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế (Poliovac) trực thuộc Bộ Y tế. Đây là một cơ sở nghiên cứu khoa học và ứng dụng các thành tựu mới về vắc-xin Sabin đạt yêu cầu an toàn về chất lượng, phục vụ cho Chương trình tiêm chủng mở rộng. Nó đã góp công lớn trong việc đưa Việt Nam vào danh sách các nước đã thanh toán thành công bệnh bại liệt.
 
Ngày trước, nguồn cung ứng giống khỉ vàng của Trung tâm chủ yếu vẫn dựa vào việc thu mua khỉ tại các vùng ven biển Quảng Ninh. Bởi vậy, nhiều khi không chủ động được về nguồn nguyên liệu, lúc có rất nhiều nhưng có lúc lại không đủ số lượng khỉ cho nghiên cứu có vắc-xin. Chính vì thế, lãnh đạo ngành y tế đã quyết định phải chọn ra được một hòn đảo chỉ chuyên nuôi khỉ để phục vụ cho nghiên cứu khoa học. Lúc đó là vào những năm 1960, Hòn Rều là đảo hoang chưa có khỉ.
 
Khi đi nghiên cứu địa hình, thấy hòn đảo này rất phù hợp cho việc nuôi khỉ bởi diện tích vừa phải, không có dân cư sinh sống đông đúc xung quanh, lại gần đất liền nên đi lại thuận tiện..., các nhà lãnh đạo đã quyết định chọn đây sẽ là một nơi dành riêng để chuyên nuôi khỉ, phục vụ cho những cuộc thử nghiệm thuốc cứu người.
 Ảnh: Dạ Miêu

Và những thành viên đặc biệt của “Hoa quả sơn”

Ngay khi đặt chân lên đảo, chúng tôi đã được “chúa đảo” chỉ cho tấm biển được cắm ngay ở bến neo đậu tàu: “Cấm người và phương tiện lên đảo”. Anh Vũ Công Long nói với chúng tôi: “Vì nhiệm vụ chính trị đặc thù của đảo là phục vụ cho nghiên cứu khoa học, do đó, Hòn Rều là một hòn đảo tách biệt, vắng vẻ, trên đó chỉ có khỉ và những cán bộ làm nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng khỉ như tôi thôi”.
 
Anh nói đến đây, tôi cũng phần nào hình dung ra được cuộc sống của những con người nơi đây. Không chỉ những chú khỉ vàng hiến thân cho khoa học mà những cán bộ cũng phải hy sinh, sống tách biệt trên đảo để phục vụ cho khoa học.  

Những chú khỉ vàng nơi đây được nuôi theo cách bán hoang dã. Ngày trước, đảo có rất nhiều cây cối rậm rạp, nhưng từ khi có vai trò mới thì việc trồng cây cối trên đảo cũng được ưu tiên cho lũ khỉ. Những hàng dừa, phi lao, bạch đàn xanh tốt chúng tôi bắt gặp ở khắp nơi trên đảo; rồi những khu trồng cây ăn quả như: nhãn, ổi, phượng... đều dành cho lũ khỉ. Vắt vẻo trên đó là từng đàn khỉ vàng, di chuyển theo bầy với tiếng gọi nhau “hu hi hu hi” thực sự như đưa chúng tôi lạc vào vùng đất như đúng cái tên người ta phong cho nó: “Hoa quả sơn”. Chỉ khác là những chú khỉ nơi đây được cán bộ thú y chăm sóc cho từng bữa ăn và chế độ dinh dưỡng theo các thời kỳ.

Ở đảo, khỉ được sống và sinh sản theo đúng tự nhiên. Con người không có tác động trong quá trình này. Các cán bộ trên đảo chỉ tác động về môi trường, đảm bảo môi trường cho khỉ sinh sống, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Ngoài ra, mặt an ninh cho những chú khỉ vàng ở đây cũng được đảm bảo tuyệt đối. Mọi sự ra vào đảo đều phải có sự cho phép của Trung tâm hay lãnh đạo Bộ Y tế. Hạn chế tối đa những người không có nhiệm vụ lên đảo để tránh gây nguy hại cho đàn khỉ.
 
Riêng chế độ dinh dưỡng phải chú ý tùy theo mùa. Mùa tình yêu phải cho ăn hoa quả nhiều hơn bình thường (thường mùa tình yêu của khỉ là vào khoảng tháng 8 âm lịch, tức tháng 9 -10 dương lịch). “Thậm chí có những mùa tình yêu của khỉ, anh còn cho thêm cả giá đỗ vào thức ăn của chúng”, anh Long chia sẻ. Những việc tưởng chừng như nhỏ nhặt khi chăm sóc đàn khỉ nhưng theo anh Long cũng phải để ý để “mùa tình yêu được mặn mà và có thêm gia vị”.
 
Những chú khỉ vàng “thành viên đặc biệt” của đảo.
“Thêm vào nữa, khi cho khỉ ăn cũng phải rất chú ý, nếu không sẽ có những con khỉ bị đói. Bởi tập tính của khỉ là đi theo bầy, bầy nào có khỉ chúa mạnh nó sẽ đi tranh địa phận và ăn trước, ăn no nê, sau đó đàn yếu mới được vào ăn những thức ăn còn lại. Do đó, khi cho ăn phải quan sát trên sân, nếu thấy thức ăn bị hết sạch có nghĩa là sẽ có con khỉ bị đói. Bởi vậy, lúc nào thức ăn ở trên sân cũng phải thừa một chút” - anh Long nói về kinh nghiệm khi cho đàn khỉ ăn.
 
Thường thì khỉ mang thai 6 tháng. Vào mùa sinh sản cũng phải chú ý cho ăn nhiều hoa quả hơn bình thường để khỉ cái có chất cho con bú. Hoa quả ăn theo mùa nào thức đấy: mùa mía cho ăn mía đen, mía thuốc; dưa hấu, cam, ổi xanh, chuối xanh... Thức ăn mà giống khỉ vàng này thích ăn nhất là hai loại quả: chuối xanh, trứng gà (hút sống).
 
Khi lên đảo tác nghiệp, chúng tôi được chính “chúa đảo” dẫn đi nên không làm cho lũ khỉ sợ, bỏ chạy. Anh Long kể: “Thời gian trước có đoàn VTV lên đảo quay phóng sự, các anh em phóng viên trong đài cứ bắt đầu mang máy quay, máy ảnh ra để tác nghiệp thì lũ khỉ đều bỏ chạy hết không còn con nào. Vì chúng tưởng đó là súng nên chạy mất hết.
 
Các anh em trong đài đã phải ở trên đảo 2 tuần để làm quen mới có thể hoàn thành được phóng sự về đảo”. Là người cả cuộc đời gắn liền với đảo khỉ nên anh Long hiểu rõ từng tập tính nhỏ nhất của lũ khỉ. “Chúng là khỉ bán tự nhiên nên cũng có nhiều thay đổi trong tập tính so với khỉ tự nhiên hoàn toàn, ví như thời gian sinh sản thay đổi, bản năng đấu tranh sinh tồn cũng hiền hơn khỉ trong tự nhiên vì chúng không phải đi kiếm thức ăn. Nhưng khi mình không có thiện cảm với nó, giả vờ hù dọa, nhử thức ăn thì lần sau không bao giờ có thể lại gần được nó...”, anh Long chia sẻ.
 
“Chúa đảo” kể cho chúng tôi về một kỷ niệm vui ở lãnh địa “Hoa quả sơn” này: “Ở trên đảo, không ai sờ được vào lũ khỉ, chỉ có một con khỉ cái quý anh nhất, thấy anh ở văn phòng hay ở nhà, lúc nào cũng đến chầu chực xin ăn. Lũ khỉ hay lắm em ạ, cũng giống như con người vậy, luôn thích được chiều chuộng. Ăn cái gì anh cũng để phần nó, ăn một quả táo anh cũng phải để lại một phần nhỏ cho nó.
 
Khi mang bầu, nó đi bẵng một thời gian không qua phòng anh nữa nhưng sau khi đẻ xong, không phải chỉ nó mà cả hai mẹ con lại về ngồi trước cửa phòng anh để xin ăn”. Chính vì vậy, khi các cô khỉ, chú khỉ ở đây mà sắp phải đưa đi nghiên cứu vắc-xin, anh Long và các cán bộ trên đảo buồn và thương chúng nhiều lắm. “Nhưng biết làm sao được, mỗi người một nhiệm vụ riêng, anh đang có dự định làm bia tưởng niệm cho chúng bởi tính ra đã có hàng nghìn con khỉ hiến thân cho khoa học.
 
Do đó, anh muốn chọn một ngày làm giỗ chung cho các cô khỉ, chú khỉ này. Ngày đó sẽ cúng cho chúng những hoa quả mà hằng ngày chúng vẫn thích ăn” - anh Long chia sẻ về dự định của anh và các cán bộ trên đảo. “Anh em trên đảo muốn được tưởng nhớ về những “thành viên đặc biệt” này của đảo đã ra đi hiến thân cho khoa học” - anh nói tiếp.
 
Anh Long khoe với chúng tôi là anh còn biết cả ngôn ngữ riêng của khỉ: tiếng “hu hi hu hi” là tiếng gọi bầy đàn đến lấy thức ăn; tiếng “chí chóe” là tiếng mâu thuẫn đang có xô xát; tiếng “cách cách” của khỉ chúa là tiếng báo hiệu cho bầy đàn có nguy hiểm... Ngày trước, khi chưa lên làm lãnh đạo, anh Long mới chỉ phụ trách về chuyên môn.
 
Anh cho biết, có những năm phải dùng đến 300 con khỉ nhưng lượng vắc-xin cũng chỉ sản xuất được ra như vậy. Nhưng từ khi các cán bộ trong ngành được cử đi học nước ngoài, thêm vào đó là Việt Nam đã nhập những công nghệ máy móc hiện đại của nước ngoài về nên số lượng khỉ đỡ bị tiêu tốn hơn mà lượng vắc-xin vẫn sản xuất đủ, thậm chí còn nhiều hơn.
 
Bây giờ, một năm chỉ dùng khoảng 100 con khỉ cho nghiên cứu vắc-xin. “Bởi vậy, đã trải qua hơn 50 năm, đảo Rều Đất luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cung cấp đủ số lượng khỉ cho nghiên cứu vắc-xin” - anh Long vừa nói vừa chỉ cho chúng tôi xem những bằng khen mà lãnh đạo trong ngành dành cho “Hoa quả sơn”.

Những chú khỉ đủ tiêu chuẩn được lựa chọn tiến hành nghiên cứu là những chú khỉ trong độ tuổi 1,5 - 2 năm tuổi, cân nặng từ 1,5 - 2kg và thường chọn khỉ đực để nghiên cứu vì khỉ cái còn dùng để sinh sản. Trung bình khỉ đẻ 1con/lứa, khi còn sung sức thì 1 năm/1 lứa, sau đó thì cứ 2 - 3 năm/lứa. Một khỉ cái một cuộc đời chỉ đẻ được từ 7 - 10 lứa. Tuổi thọ trung bình của khỉ vàng là 30 tuổi. 4 tuổi là những chú khỉ bắt đầu vào tuổi tình yêu. Chúng sống theo từng bầy, mỗi bầy có một khỉ chúa.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc “tài sản quốc gia” này, các cán bộ trên đảo cũng đều phải khắc phục rất nhiều khó khăn của bản thân, đặc biệt là con em của những cán bộ trên đảo, 5 tuổi đã phải xa bố mẹ, vào đất liền để học mẫu giáo. Và suốt trong quãng thời gian đi học, phải sống xa bố mẹ. Có em thì gửi ông bà, có em thì phải gửi người thân quen...
 
Tuổi thơ của các em đều không có được sự chăm sóc của cha mẹ. “Nhưng các cháu đều rất ngoan, học giỏi và thành người”, anh Long nói với một niềm phấn khởi. Âu đây cũng là một niềm động viên tinh thần lớn cho các cán bộ nơi đây để họ có thể tận tâm, tận lực cho nhiệm vụ phục vụ công việc nghiên cứu thuốc cứu người.
 
Ngoài đảo Rều Đất nuôi khỉ rộng 22ha, đối diện với nó là đảo Rều Đá rộng 18ha, dùng để nhốt khỉ, theo dõi sau khi tiêm vắc-xin. Đây là nơi lấy máu, chắt ra huyết thanh gửi về Trung tâm tại Hà Nội để chẩn đoán. Các cán bộ ở đây có nhiệm vụ theo dõi diễn biến, ghi chép đầy đủ và thông tin trực tiếp về sức khỏe những con khỉ ở đây.
 
Điều kiện thí nghiệm phải là động vật sạch, không mắc bệnh và không được tiêm bất kỳ một loại vắc-xin nào, do đó phải cách ly hoàn toàn ở hai đảo khác nhau. Tùy theo từng cuộc thí nghiệm mà thời gian cách ly cũng khác nhau, có những đợt khoảng 2 - 3 tháng, có những đợt từ 5 - 10 tháng. Và trong khoảng thời gian đó, anh Long cũng phải sống ở bên Rều Đá không được về bên đảo Rều Đất.  
 
Qua hơn 50 năm tồn tại, đảo Rều Ðất được đánh giá là một cơ sở chăn nuôi độc nhất loài khỉ Macaca Mulata thực sự quý giá, thực hiện nhiệm vụ cao cả đó là nghiên cứu vắc-xin và sinh học phục vụ sức khỏe con người. Các nhà khoa học quốc tế cũng đánh giá cao về cơ sở chăn nuôi này, nó càng có giá trị lớn trong tương lai, khi đàn khỉ tự nhiên bị săn bắt hết.
 
Và lịch sử phát triển công nghệ sinh học ở nước ta sẽ mãi ghi công những người đang lao động vất vả và thầm lặng trên “Ðảo Khỉ”, hòn đảo xinh đẹp nhưng cũng chứa đựng đầy những hy sinh gian khổ này. Và thành công bước đầu mà “Hoa quả sơn” đã đóng góp được cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học của Việt Nam đó là ghi danh Việt Nam vào danh sách các nước thanh toán thành công bệnh bại liệt. 

Bài và ảnh:Dạ Miêu


Ý kiến của bạn