Văn học về nông thôn, giấc ngủ đông quá dài

16-03-2018 14:22 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Là một đề tài lớn, từng có nhiều tác phẩm nổi tiếng, tuy nhiên văn học Việt Nam đương đại đang thiếu vắng sáng tác chất lượng về đề tài nông thôn. Sự thiếu vắng các tác phẩm văn học về đề tài nông thôn khiến giới cầm bút và bạn đọc lo lắng. Phải chăng văn học về nông thôn đang “ngủ quên”?

Theo nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đề tài nông nghiệp và nông thôn là một trong những đề tài lớn của văn học Việt. Nhưng gần đây, mảng đề tài về nông thôn dường như thưa vắng hơn. Trên thực tế, văn học Việt trước đây đã có không ít tác phẩm nổi tiếng và có chất lượng về đề tài nông thôn, trong đó tiêu biểu nhất phải kể đến Chí Phèo, Lão Hạc (Nam Cao), Làng (Kim Lân), Thư nhà (Hồ Phương), Cái hom giỏ, Vợ chồng ông lão chăn vịt (Vũ Thị Thường), Vụ mùa chưa gặt (Nguyễn Kiên)...

Về sau, nông thôn tiếp tục là một đề tài được các nhà văn nước ta khai thác. Cùng với các tiểu thuyết nổi tiếng như Mưa mùa hạ (Ma Văn Kháng), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Cù lao Chàm (Nguyễn Mạnh Tuấn), Bến không chồng (Dương Hướng), Thời xa vắng (Lê Lựu) thì nhiều truyện ngắn viết về nông thôn cũng tiếp tục tạo được ấn tượng với bạn đọc, trong đó có những tác phẩm Khách ở quê ra, Phiên chợ Giát (Nguyễn Minh Châu), Thương nhớ đồng quê (Nguyễn Huy Thiệp), Bước qua lời nguyền (Tạ Duy Anh), Bến trần gian (Lưu Sơn Minh), Nỗi đau dòng họ (Sương Nguyệt Minh), Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư)... Trong số các tác phẩm về đề tài nông thôn kể trên, có nhiều tác phẩm đã được chuyển thể thành phim và luôn được khán giả đánh giá cao như Chí Phèo, Bến không chồng, Cánh đồng bất tận.

Văn học về nông thôn, giấc ngủ đông quá dàiCảnh trong phim Bí thư Tỉnh ủy, phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên về đề tài nông thôn của nhà văn Vân Thảo.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, văn học Việt thiếu vắng hẳn mảng đề tài về nông thôn. Có ý kiến cho rằng, do nông thôn hiện nay gắn chặt với quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn, nên đề tài này cũng biến đổi về chất so với trước. Điều này đòi hỏi đội ngũ những người sáng tác phải có cái nhìn mới về người nông dân. Nhiều tác giả trẻ nhìn nhận nông thôn mới là một đề tài rộng lớn, trong đó có rất nhiều chất liệu, nhiều vấn đề, nhiều góc nhìn để người sáng tác khai thác. Thế nhưng, các cây bút trẻ hiện nay ít viết về nông thôn do không ít người trẻ không có điều kiện gắn bó với cuộc sống của người nông dân như các thế hệ đi trước. Trong khi đó, nhà văn Vân Thảo nổi tiếng với tiểu thuyết Bí thư Tỉnh ủy đánh giá, các cây bút trẻ bây giờ hình như không muốn đi vào lĩnh vực nông thôn, họ tập trung vào xung đột xã hội, các vấn đề của đời sống hiện nay, dễ viết hơn. Còn với đề tài nông thôn, tìm vấn đề để viết bây giờ không dễ, bởi người nông dân không giống với các tầng lớp khác, họ không nổi bật, sinh hoạt thường ngày dung dị; tác giả làm sao phản ánh được tâm hồn của người nông dân với đất nước, với xã hội, thể hiện được cái “chất” của nông dân là điều khó.

Cũng có ý kiến cho rằng, văn học Việt giờ vắng bóng các tác phẩm về nông thôn vì người viết chọn đề tài về... thành thị, chuyện tình yêu đôi lứa vốn là những đề tài dễ viết và dễ tiếp cận với bạn đọc ngày nay hơn. Hoặc cũng có các tác phẩm về nông thôn nhưng đa số các tác giả chỉ lấy bối cảnh là nông thôn trong giai đoạn đổi mới, một vài lát cắt để phản ánh một khía cạnh hay góc nhìn nào đó về nông thôn hiện đại, chưa có tác phẩm nào đi sâu, đi sát vào mảng đề tài mang tính thời cuộc, nóng hổi này. Một phần nữa, tâm lý của các tác giả dường như vẫn còn say mê với mảng đề tài lịch sử cách mạng quen thuộc hoặc người cầm bút tuổi đã cao, không có điều kiện xâm nhập thực tế.

Trên thực tế, một số cuộc thi sáng tác văn học về đề tài nông nghiệp, nông thôn ở nước ta đã được tổ chức, tuy nhiên để tìm ra tác phẩm chất lượng như “mò kim đáy biển”. Gần đây, cuộc thi viết truyện ngắn và ký về đề tài nông nghiệp, nông thôn 2016 - 2017 do Quỹ Văn học Nhà văn Lê Lựu tổ chức đã làm lễ trao giải nhưng không có giải nhất, dù cuộc thi có hơn 1.200 sáng tác của các tác giả mọi miền Tổ quốc gửi về. Hoặc có lần trao thưởng cho các tác phẩm văn học nghệ thuật sáng tác về đề tài nông nghiệp - nông dân - nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ trao cho các tác phẩm ra đời từ thập niên 80-90 của thế kỷ trước như: Lá non (Ngô Ngọc Bội), Chân trời mùa hạ (Hữu Phương), Mưa mùa hạ (Ma Văn Kháng), Ma làng (Trịnh Thanh Phong), Dòng sông mía (Đào Thắng)...

Nhiều người cho rằng, văn học thiếu các tác phẩm về nông thôn khiến người nông dân không được thừa hưởng văn hóa nói về mình, bạn đọc cũng mất đi một “món ăn tinh thần” bổ ích. Vì thế, để có các tác phẩm về đề tài nông thôn trong thời đại mới, các tác giả cần xâm nhập thực tế, tiếp xúc với người nông dân ở các làng quê để có thêm góc nhìn, tư liệu. Đồng thời, chúng ta cũng cần tổ chức nhiều cuộc sáng tác về đề tài nông thôn, qua đó kích thích sức sáng tạo, dấn thân, lòng nhiệt huyết của các cây bút để làm sống lại mảng đề tài này.


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn