Hưởng ứng “Tuần lễ tiêm chủng năm 2012” của Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - Dự án Tiêm chủng mở rộng (TCMR) đã phát động Tuần lễ TCMR trên toàn quốc từ ngày 21 - 28/4/2012. Phóng viên báo SK&ĐS đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng ban điều hành dự án TCMR xung quanh những thành quả, khó khăn thách thức của công tác TCMR những năm qua và mục tiêu của dự án trong năm 2012.
PV: Xin ông cho biết thành quả đạt được của công tác TCMR trong những năm qua?
PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển: Chương trình TCMR bắt đầu được triển khai ở Việt Nam từ năm 1981, đến năm 1985 được đẩy mạnh và triển khai trên phạm vi cả nước. Tới năm 1995 toàn bộ trẻ em trên toàn quốc đã có cơ hội được tiếp cận với chương trình. Tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi luôn đạt trên 90%; tỉ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm như sởi, bạch hầu, ho gà, viêm gan B… ở trẻ em giảm hẳn; Việt Nam đã đạt và duy trì được các mục tiêu cam kết quốc tế: thanh toán bại liệt năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005.
PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển. |
Tháng 6/2010, vaccin Hib phòng các bệnh viêm phổi nặng và viêm màng não mủ do Hib trong thành phần vaccin phối hợp DPT-VGB-Hib được triển khai trên toàn quốc, đánh dấu vaccin thứ 11 được đưa vào TCMR ở Việt Nam. Việc triển khai tiêm vaccin DPT-VGB-Hib miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi trong Chương trình TCMR góp phần duy trì thành quả giảm mắc chết các bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván, khống chế bệnh viêm gan B, bệnh do Hib (trong năm 2011 có 1.529.589 trẻ trên toàn quốc được tiêm đầy đủ vaccin DPT-VGB-Hib, đạt tỉ lệ 95,2%).
Đây cũng là một cơ hội để củng cố hệ thống TCMR ở tất cả các tuyến, tăng cường sự ủng hộ và tạo dựng niềm tin của cộng đồng đối với chương trình TCMR. Năm 2011, triển khai tiêm nhắc vaccin bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT) cho trẻ 18 tháng tuổi.
PV: Một trong những nỗ lực lớn nhất của Chương trình TCMR là giảm đáng kể tỉ lệ nhiễm virut viêm gan B ở trẻ em. Xin ông cho biết chương trình đã áp dụng những giải pháp gì để đạt được kết quả này?
PGS. TS. Nguyễn Trần Hiển: Vaccin viêm gan B được triển khai trong TCMR từ năm 1997. Những năm đầu chỉ triển khai ở những vùng nguy cơ cao của bệnh. Từ năm 2003, được sự hỗ trợ của Liên minh Toàn cầu về vaccin và tiêm chủng (GAVI), vaccin viêm gan B được triển khai trên toàn quốc cho trẻ dưới 1 tuổi. Từ năm 2006 đến nay tỉ lệ tiêm vaccin viêm gan B đủ 3 mũi ở trẻ dưới 1 tuổi luôn đạt trên 90%. Cùng với những nỗ lực tiêm chủng đủ 3 mũi vaccin viêm gan B cho trẻ em, từ năm 2003 Việt Nam đã thực hiện tiêm vaccin viêm gan B liều sơ sinh trong 24 giờ đầu sau sinh.
Đây là biện pháp can thiệp hiệu quả để phòng lây truyền virut viêm gan B từ mẹ sang con và sớm bảo vệ trẻ phòng chống bệnh viêm gan B ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc đời. Hiệu quả bảo vệ của vaccin viêm gan B trong việc phòng lây truyền từ mẹ sang con (khuyến cáo với liều tiêm đầu tiên trong 24 giờ sau sinh) dao động từ 80 - 95%.
Sự cố phản ứng sau tiêm xảy ra sau khi tiêm vaccin viêm gan B sơ sinh trong năm 2007 - 2008 là nguyên nhân chính dẫn đến sự giảm sút tỉ lệ tiêm vaccin viêm gan B liều sơ sinh trong các năm 2008 - 2010. Từ đó đến nay, ngành y tế đã có nhiều nỗ lực để từng bước tăng tỉ lệ bao phủ vaccin viêm gan B trong 24 giờ sau sinh trở lại như giai đoạn trước đây bằng cách tăng cường chỉ đạo công tác triển khai, tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe, kết hợp chặt chẽ y tế dự phòng và điều trị, sự phối hợp và tham gia của các bệnh viện trong việc triển khai tiêm vaccin viêm gan B liều sơ sinh... Kết quả là tỉ lệ tiêm vaccin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu trong năm 2011 là 55,0%, tăng rõ rệt so với năm 2010 là 21,4%.
PV: Năm 2011 được đánh giá là một năm thành công của công tác TCMR. Vậy trong năm 2012, mục tiêu của Dự án TCMR sẽ là gì, thưa ông?
PGS. TS. Nguyễn Trần Hiển: Năm 2012 chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì tỉ lệ tiêm chủng cao ở trẻ em và phụ nữ; bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt và loại trừ uốn ván sơ sinh (100% số huyện có số mắc uốn ván sơ sinh dưới 1/1000 trẻ đẻ sống); khống chế và tiến tới loại trừ bệnh sởi và bệnh viêm gan B; đảm bảo tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ vaccin phòng 8 bệnh (lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib) cho trẻ dưới 1 tuổi (đạt trên 90%), tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em trên 90% trên quy mô huyện; mở rộng diện triển khai tiêm vaccin phòng viêm não Nhật Bản B cho trẻ từ 1 - 5 tuổi; nâng cao chất lượng an toàn tiêm chủng; xây dựng kế hoạch trình Bộ Y tế và Chính phủ từng bước đưa một số vaccin mới vào Chương trình TCMR như vaccin phòng bệnh Rubella, Rotavirus…
PV: Bên cạnh những thành quả đạt được, công tác TCMR còn những khó khăn thách thức gì cần phải giải quyết, thưa ông?
Tiêm vaccin phòng cúm mùa cho trẻ em. Ảnh: Hữu Oai |
PGS. TS. Nguyễn Trần Hiển: Chất lượng dịch vụ TCMR tại các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn tiếp tục là thách thức lớn với công tác TCMR mặc dù đã có rất nhiều hoạt động ưu tiên. Nhiều loại vaccin phòng chống các bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiểm ở trẻ em chưa được triển khai trong Chương trình TCMR như Rubella, phế cầu, Rota…
Kinh phí được Nhà nước cấp cho hoạt động TCMR chưa đáp ứng đủ nhu cầu của công tác TCMR và các mức chi, chủ yếu kinh phí dành cho mua vaccin và vật tư tiêm chủng; trong khi đó viện trợ quốc tế lại có xu hướng giảm. Kinh phí bổ sung của nhiều địa phương cho công tác TCMR rất hạn chế đòi hỏi phải có sự xã hội hóa hơn nữa. Các nhà sản xuất vaccin trong nước đã đáp ứng cơ bản nhu cầu vaccin trong TCMR, tuy nhiên cần có định hướng sản xuất vaccin mới, vaccin phối hợp để chủ động hơn nữa trong cung ứng vaccin cho Chương trình TCMR.
PV: Thưa ông, mục đích của tuần lễ tiêm chủng lần này và thông điệp truyền thông chính của chương trình TCMR năm 2012?
PGS. TS. Nguyễn Trần Hiển: Tuần lễ tiêm chủng năm nay với thông điệp: Tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất dự phòng các bệnh nhiễm trùng có thể dự phòng bằng vaccin nhằm mục đích nâng cao nhận thức của cha mẹ, người dân và cộng đồng về tầm quan trọng của tiêm vaccin phòng bệnh, tăng cường các cố gắng dự phòng cho trẻ tránh mắc những bệnh có thể dự phòng bằng vaccin, ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc đời.
Đồng thời kêu gọi, huy động các nguồn lực của cá nhân, cộng đồng, các tổ chức kinh tế, chính trị - xã hội và chính quyền tham gia đóng góp vào Chương trình TCMR…; tăng cường sự chú ý của cộng đồng và các phương tiện truyền thông tham gia tích cực vào các hoạt động nhằm nâng cao tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vaccin.
PV: Xin cảm ơn ông!
Mai Linh (thực hiện)