Báo Sức khỏe&Đời sống số 48 ra ngày 25/3 có bài “Mang thai đá có huyền bí?” trong đó có thông tin về trường hợp cụ bà 76 tuổi mang thai đá ở Cam Ranh, Khánh Hòa, số báo này, báo SK&ĐS sẽ cung cấp thêm thông tin về trường hợp trên.
Ngày 22/3/2014, cụ N.T.S. sinh năm 1938 ở Lộc Phúc, Cam Lộc, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa được người nhà đưa vào Bệnh viện đa khoa (BVĐK) khu vực Cam Ranh với triệu chứng đau cột sống thắt lưng và vùng hạ vị. Khi nhập viện, “người bệnh có các chỉ số sinh tồn trong giới hạn bình thường, vùng hạ vị có một khối u đường kính 20x20cm cứng chắc, không di động, nắn đau. Bệnh nhân đã được làm các xét nghiệm thường quy như công thức máu, sinh hóa máu, nước tiểu không phát hiện gì bất thường. Được biết, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, đã sinh 4 lần, sẩy thai 1 lần và đã tiến hành mổ lấy thai một lần từ rất lâu.
Theo BS. Lê Quang Vinh, Phó Giám đốc BVĐK khu vực Cam Ranh, để có căn cứ chính xác và phương án xử lý tốt nhất cho cụ S., ngày 24/3/2014, bệnh viện chuyển bệnh nhân lên BVĐK tỉnh Khánh Hòa chụp MRI có cản từ, kết quả chụp MRI cho thấy khối bất thường trong ổ bụng vùng hạ vị, ở sau bàng quang, có hình dạng giống thai nhi, thai vôi hóa. Trong trường hợp thai trong ổ bụng thì bánh nhau sẽ bám vào các tạng trong bụng như ruột, gan, bàng quang, mạc nối lớn, mạch máu lớn (để lấy máu nuôi thai), vì vậy nó có thể gây chảy máu trong ổ bụng rất nặng nề. Nếu phát hiện trong ổ bụng thì thông thường bác sĩ sản khoa phải can thiệp bằng phẫu thuật. Thông thường, thai trong ổ bụng là một tình trạng nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ, thai nhi thường tử vong và có tỷ lệ dị dạng cao. Trường hợp của cụ S., thai nhi đã chết trong bụng và lưu lại ở đó rất lâu nhưng chưa gây nguy hiểm gì cho mẹ là điều hiếm thấy. Ước tính, thai nhi đã có trong bụng bà S. ít nhất 27 năm (đó là giả định bà có thai ngay trước khi mãn kinh cách đây 27 năm).
“Thai là một “vật thể lạ 50%” (là mảnh ghép 50% của bố và mảnh ghép 50% của mẹ) đối với cơ thể người phụ nữ sẽ bị “phản ứng loại bỏ mảnh ghép”, trường hợp nếu “mảnh ghép” trong ổ bụng thì quá trình phản ứng đó có thể làm cô lập vật thể lạ bằng mạc nối lớn đến bao bọc, bằng các màng sinh học tân tạo... và vật thể lạ có thể tồn tại trong ổ bụng nhiều năm mà không gây ra triệu chứng nào. Tuy nhiên, chúng cũng có thể gây nên biến chứng bất kỳ lúc nào, xoắn; sự tồn tại và quá trình phản ứng của cơ thể có thể làm cho “vật thể lạ” dính với các tạng xung quanh. Trường hợp “vật thể lạ” là thai thì với thời gian nêu trên, bánh nhau đã thoái hóa và khả năng dính với các tạng xung quanh là rất cao. Do đó, để có thể can thiệp vào thai nhi lúc này, các bác sĩ phải hết sức cẩn trọng.” BS. Vinh nhận định.
Sáng ngày 26/3, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo BVĐK khu vực Cam Ranh phối hợp hội chẩn liên bệnh viện với BVĐK tỉnh Khánh Hòa để được sự hỗ trợ của các chuyên khoa sâu có liên quan như ngoại khoa tiêu hóa, ngoại khoa tiết niệu, ngoại khoa mạch máu... Đồng thời, Sở Y tế cũng yêu cầu BVĐK tỉnh Khánh Hòa, BVĐK khu vực Cam Ranh sẽ sử dụng những kỹ thuật tiên tiến hiện đại nhất cùng với đội ngũ y bác sĩ đầu ngành ở các chuyên khoa của tỉnh để đảm bảo phương án xử lý tốt nhất cho cụ S. Cụ S. sẽ phải làm thêm một số xét nghiệm khác như chức năng đông máu, chụp hệ tiết niệu có cản quang (UIV)... để đánh giá thêm trước khi có chỉ định can thiệp.
Như Bình