Vàng son một thuở
Theo một số nhà nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học, những năm 1920-1930, tiểu thuyết trinh thám bắt đầu được biết đến rộng rãi ở Việt Nam. Thời kỳ đó ở nước ta, các bộ truyện trinh thám của các tác giả ngoại quốc như: Edgar Allan Poe, Conan Doyle, Gaston Leroux, Maurice Leblanc... dịch từ tiếng Pháp, được in trên giấy nhật trình, giá bán bằng tiền xu được bày bán ở các thành phố lớn và rất được chú ý.
Từ sự du nhập của những tác phẩm nước ngoài kể trên, văn học trinh thám nước ta bắt đầu xuất hiện nhiều tác phẩm về đề tài này. Tác phẩm trinh thám đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam được nhận định là Mảnh trăng thu của tác giả Bửu Đình in dài kỳ trên báo Phụ nữ Tân văn năm 1930. Sau đó, tác giả Bửu Đình cho ra đời tiếp Cậu Tám Lọ kể về nhân vật Tám Lọ khi thường xuyên giúp người lương thiện điều tra, khám phá các manh mối tội ác.
Thời kỳ hưng thịnh của văn học trinh thám nước ta được đánh giá là từ cuối thập niên 1930 đến 1945. Trong khoảng thời gian này, làng văn học Việt ghi nhận sự xuất hiện của nhiều tác giả chuyên viết trinh thám, nổi tiếng nhất phải kể đến tác giả Phạm Cao Củng có nhiều tác phẩm lớn như: Vết tay, Vết tay trên trần, Kỳ Phát giết người, Bóng người áo tím, Máu đỏ lòng son, Chiếc gối đẫm máu, Bàn tay sáu ngón. Bên cạnh đó, thời kỳ này còn có Bùi Huy Phồn với Lá huyết thư, Gan dạ đàn bà, Mối thù truyền kiếp, Tờ di chúc. Hoặc tác giả Thế Lữ - người vẫn được bạn đọc biết đến với “nhà thơ” hơn là nhà viết truyện. Thế nhưng Thế Lữ còn được biết là cây bút văn xuôi thể loại trinh thám một thời với series thám tử Lê Phong gồm Lê Phong phóng viên, Những nét chữ, Lê Phong và Mai Hương, Đòn hẹn, Gói thuốc lá.
Câu lạc bộ số 7 của nhà văn Di Li là tiểu thuyết trinh thám mới nhất trong làng văn học Việt hiện nay.
Bùng phát mạnh mẽ thời kỳ đó nhưng không hiểu vì lý do gì làng văn học Việt sau này lại thưa thớt hẳn dòng trinh thám, dù vẫn có một số tiểu thuyết tình báo (một dòng trong tiểu thuyết trinh thám) đỉnh cao như X30 phá lưới (của Đặng Thanh), Ván bài lật ngửa (Nguyễn Trương Thiên Lý), Ông cố vấn (Hữu Mai), Ông tướng tình báo và hai bà vợ (của Đặng Trần Thiết)... Sau những tác phẩm này, truyện trinh thám “mất hút”. Cho đến gần đây một số tiểu thuyết trinh thám Việt có chất lượng đã xuất hiện.
Dấu hiệu hồi sinh
Theo nhà văn Lê Văn Thảo - nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, người viết trẻ hoặc bất cứ ai đều rất ngại viết thể loại trinh thám vì viết truyện trinh thám rất cần có vốn kiến thức sâu rộng về lĩnh vực khoa học, có một sự tưởng tượng phong phú và sáng tạo không ngừng. “Mọi mong muốn cho một sự phát triển trở lại của những dòng văn học này đều phải chờ. Và sự mất cân bằng ở các thể loại văn học trong dòng văn học Việt là điều không thể tránh khỏi” - ông Thảo cho biết.
Đúng là văn học trinh thám phải chờ tới nhiều chục năm sau mới có tác phẩm đánh dấu sự trở lại, đó là tiểu thuyết trinh thám Trại hoa đỏ (2009) của nữ nhà văn trẻ thế hệ 7X có tên Di Li. Trại hoa đỏ xuất hiện, nhiều nhà phê bình và nghiên cứu văn học cho rằng, truyện trinh thám Việt đã bắt đầu thức giấc. Nhiều người ngợi khen nữ nhà văn Di Li đã xử lý giỏi các vấn đề về kỹ thuật hình sự dù không phải là người trong nghề trong Trại hoa đỏ. Sau Trại hoa đỏ, Di Li lại tiếp tục với cuộc điều tra của đại úy Bách trong tiểu thuyết mới mang tên Giáo phái.
Cùng thời điểm với Trại hoa đỏ của Di Li, bạn đọc còn được thưởng thức tiểu thuyết trinh thám Ổ buôn người (giải C Cuộc thi viết về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và Bình yên cuộc sống” 2007 - 2010 do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức) của tác giả Giản Tư Hải. Tác phẩm của Giản Tư Hải viết về đề tài bắt cóc và buôn bán phụ nữ xuyên quốc gia - một vấn nạn nhức nhối và gây nhiều bức xúc trong xã hội hiện nay, đem đến cho bạn đọc nhiều cảm xúc, những góc nhìn đa chiều của đời sống xã hội.
Và gần đây nhất, nữ nhà văn Di Li tiếp tục cho ra mắt cuốn tiểu thuyết trinh thám Câu lạc bộ số 7. Tác phẩm mới nhất của Di Li thách đố độc giả đi tìm lời giải “Ai là thủ phạm?” và bí mật chỉ được hé lộ ở chương áp cuối. Đặc biệt, Câu lạc bộ số 7 tập trung vào đề tài chưa từng được đề cập đến trong văn học: Giới tính thứ tư. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định: “Di Li có một phẩm chất vô cùng quan trọng trong sáng tạo thể loại trinh thám, đó là sự kiên nhẫn hay khả năng mai phục. Kiên nhẫn gieo những chi tiết quan trọng một cách tưởng vô tình và rải rác trong từng trang sách nhưng với một ý đồ rõ ràng và thông minh. Chính điều đó làm nên hiệu quả là diễn biến của vụ án hoàn toàn diễn ra như chính nó ở ngoài đời chứ không phải sự sắp đặt của tác giả. Yếu tố này làm nên sự hấp dẫn và hồi hộp cho tác phẩm”. Trong khi đó, nhà văn Nguyễn Việt Hà cho rằng Câu lạc bộ số 7 là cuốn tiểu thuyết lãng mạn trẻ trung đẫm đầy ly kỳ, được viết dưới một chủ đề còn khá lạ ở nước ta. Sau Trại hoa đỏ, Di Li đích thực là một khuôn mặt hiếm hoi của thể loại tâm lý hình sự xã hội Việt Nam.